BVR&MT – Ngày 9/11 tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức tọa đàm “Hiệu quả tín dụng chính sách với công tác xóa đói giảm nghèo bền vững” với nhiều nội dung được quan tâm trong đó có chương trình tín dụng chính sách.
Thời gian qua, với chỉ đạo quyết liệt của Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH Lê Minh Hưng, ngành ngân hàng nói chung, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) nói riêng đã thực hiện tốt các chương trình tín dụng ưu đãi, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi, góp phần thực hiện phát triển KT-XH, đặc biệt là mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống, tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đồng hành với người nghèo và đối tượng chính sách, hoạt động tín dụng chính sách của ngành ngân hàng đã thu được những thành tựu nổi bật, tập trung huy động được các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn và tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách. Kết quả này được các đại biểu Quốc hội ghi nhận là một “điểm sáng” và là một trong những “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo ở Việt Nam.
Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH luôn tăng trưởng qua các năm, với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 25,82%. Sau 15 năm hoạt động (2002-2017), nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp gần 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; giúp hơn 3,5 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 9,9 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn…, đóng góp quan trọng để thực hiện được các mục tiêu đặt ra tại chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo.
Cơ cấu nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội chuyển biến theo hướng tăng nguồn vốn NHCSXH tự huy động được ngân sách Nhà nước cấp bù lãi suất và nguồn lực tại địa phương, giảm dần nguồn vốn cấp trực tiếp từ ngân sách Nhà nước cho các chương trình…
Các chuyên gia cho rằng, cùng với việc tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng chính sách thời gian qua đã không ngừng được củng cố và nâng cao.
Đáng chú ý, vốn cho vay chính sách thuộc dạng ít nợ xấu nhất so với các loại hình cho vay khác. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh của toàn hệ thống NHCSXH đã giảm từ 13,75% tại thời điểm nhận bàn giao (năm 2002) xuống còn 0,81% tại thời điểm 30/9/2017, trong đó, nợ quá hạn 0,42%, nợ khoanh 0,39%.
Ông Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết thông qua vốn vay tại NHCSXH, người nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn để sản xuất kinh doanh, tạo cơ hội cho con em đi học, đi xuất khẩu lao động, tăng thu nhập cho hộ gia đình, cải thiện đời sống. Nhiều người nghèo đã tự vươn lên thoát nghèo bền vững, đồng thời tạo lập được nhiều mô hình làm ăn hiệu quả, tạo việc làm cho những hộ nghèo khác.
Cần đáp ứng nhu cầu lớn hơn
Có một thực trạng đang tồn tại đó là vốn tín dụng ưu đãi ngày càng lớn trong khi nguồn vốn ưu đãi có hạn, vốn tín dụng ngân hàng vẫn chưa đáp ứng hết được nhu cầu vốn cho phát triển sản xuất, kinh doanh và nâng cao đời sống nhân dân, nhất là các khu vực kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa…
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cũng cho rằng, mức cho vay hiện nay đối với một hộ vẫn khá thấp, cần phải được điều chỉnh để phù hợp với tình hình giá cả thực tế hiện nay.
Có một khoảng trống tín dụng nữa là người dân tại các làng, bản thuộc các phường, thị trấn có cuộc sống khó khăn. Nhưng vì ở địa bàn không thuộc vùng nông thôn, không thuộc đối tượng vay vốn, nhưng còn tồn tại nhiều hộ gia đình chưa được dùng nước sạch. Vì vậy, cần “lấp khoảng trống” này.
Ông Ngô Trường Thi, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ LĐTB&XH) cho biết trong giai đoạn tới, việc hoàn thiện hệ thống chính sách giảm nghèo theo hướng giảm dần các chính sách hỗ trợ cho không, tăng cường chính sách hỗ trợ có điều kiện, có hoàn trả, đồng thời mở rộng chính sách cho vay đối với hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ NHCSXH thông qua một số nhiệm vụ như: Tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện Quyết định 401/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 về Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tín dụng chính sách xã hội; tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để NHCSXH thực hiện tốt các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi; thực hiện chức năng quản lý Nhà nước theo thẩm quyền đối với hoạt động của NHCSXH…
Cùng với đó, tín dụng chính sách cần gắn kết chặt chẽ hơn nữa với hoạt động hỗ trợ sản xuất, tạo sinh kế, thu nhập cho người nghèo trên cơ sở phát huy vai trò của cộng đồng, lấy người nghèo làm chủ thể, lồng ghép với nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, từ các chương trình dự án khác, vốn đối ứng của hộ nghèo để tạo ra gói hỗ trợ đủ mạnh, giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững.
Hậu Thạch