BVR&MT – Trong những năm qua, nông dân huyện Vân Hồ đã có nhiều chuyển biến tích cực trong việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, cải thiện đời sống. Đội ngũ cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Vân Hồ chính cầu nối khoa học kỹ thuật với người nông dân.
“Niềm vui được mùa của người nông dân trong xã cũng là niềm vui, là động lực để tôi tiếp tục học hỏi những kiến thức kỹ thuật mới truyền đạt cho người dân” – Đó là tâm sự của anh Lường Văn Thuần, cán bộ khuyến nông xã Mường Tè, huyện Vân Hồ khi nói về nhiệm vụ của cán bộ khuyến nông cơ sở. Theo anh Thuần, đất sản xuất ở Mường Tè đa phần là đất xấu, đã bị xói mòn nên năng suất cây trồng đạt thấp. Vì vậy, để giúp nông dân sản xuất hiệu quả, cán bộ khuyến nông luôn đồng hành cùng bà con, hướng dẫn họ làm đất, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi, quy trình kỹ thuật chăm sóc…
Trao đổi với anh Trần Đức Hiền, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện, được biết, Trạm Khuyến nông huyện có 11 cán bộ, nhân viên, trong đó 7 người làm công tác chuyên môn. Để chủ động bám cơ sở, chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho người dân, Trạm đã chia các xã trong huyện thành 4 cụm, gồm: Cụm Bó Mồng, cụm xã Chiềng Khoa, Cụm xã Lóng Luông và cụm xã Xuân Nha. Qua đó, phân công cán bộ phụ trách từng địa bàn thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và hỗ trợ cho cán bộ khuyến nông các xã khi cần thiết.
Việc chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho nông dân được Trạm thực hiện bằng nhiều hình thức, phù hợp với khả năng tiếp thu của người dân ở từng vùng, như: Tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ, sinh hoạt câu lạc bộ khuyến nông… Chỉ tính trong 10 tháng qua, Trạm đã tổ chức trên 100 lớp chuyển giao kỹ thuật và 1 cuộc hội thảo, thu hút trên 5.000 lượt người tham gia. Nội dung chủ yếu là hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho các loại cây trồng; hướng dẫn nông dân xã Chiềng Khoa ghép 1.000 cây ăn quả các loại để cải tạo vườn tạp… Cùng với đó, Trạm còn phối hợp với Trạm Chăn nuôi – Thú y huyện tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho các hộ dân, trong đó, chú trọng hướng dẫn người dân cách xây chuồng trại chăn nuôi đảm bảo ấm về mùa đông, thoáng về mùa hè; phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh dịch trên đàn vật nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời. Ngoài ra, còn hướng dẫn cách ủ phân vi sinh, cách quản lý chất thải chăn nuôi, tuyên truyền những lợi ích của công trình khí sinh học… Nhờ vậy, từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn huyện Vân Hồ không có dịch bệnh lớn trên đàn vật nuôi.
Bên cạnh đó, Trạm Khuyến nông huyện Vân Hồ còn là đầu mối trong việc xây dựng, triển khai các mô hình kinh tế điểm tại các địa phương trên địa bàn huyện. Đến nay, Trạm đã làm đầu mối cho 34 mô hình trồng lúa tẻ râu, trồng cây ăn quả tại các xã Song Khủa, Tô Múa, Suối Bàng… Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện cho biết thêm: Điểm nhấn trong việc thực hiện nhiệm vụ của năm nay đó là việc đơn vị đã phối hợp với Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc đưa giống cây chanh leo về trồng tại các bản Lũng Xá, Tà Dê của xã Lóng Luông. Đây là mô hình phát triển kinh tế đầu tiên được xây dựng tại hai bản vùng cao này. Để người dân nắm được kỹ thuật trồng và chăm sóc chanh leo, Trạm đã cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn cho người dân quy trình, từ việc đào hố, làm giàn, cách chăm sóc cây cho đến khi hái quả. Nhờ vậy, 4 ha cây chanh leo tại hai bản này đã cho thu hoạch với chất lượng quả tốt.
Từ các nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo, Trạm cùng với nông dân ở các xã triển khai 13 mô hình nuôi trâu, bò nhốt chuồng, nuôi bò sinh sản và nuôi lợn. Mỗi mô hình tiếp nhận từ 8 – 35 con, hiện các mô hình này đem lại hiệu quả thiết thực.
Tiếp tục làm tốt vai trò cầu nối khoa học kỹ thuật với nông dân trong huyện, Trạm Khuyến nông huyện Vân Hồ đã chỉ đạo cán bộ khuyến nông phụ trách các cụm xã và khuyến nông viên các xã bám sát cơ sở, đồng hành cùng nông dân trong sản xuất, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.