BVR&MT – Theo thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang, mục tiêu cụ thể đến năm 2020, toàn tỉnh có ít nhất 30.000 ha rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC thế giới. Kết quả sẽ góp phần cải thiện sinh kế cho các hộ gia đình nghèo sống ở vùng sâu vùng xa với đời sống thu nhập tăng từ 5-7%.
Để thực hiện được kế hoạch này, trước hết Sở NN&PTNT Hà Giang không ngừng nâng cao năng lực cho cán bộ ngành lâm nghiệp và người làm nghề rừng của tỉnh về quản lý rừng trồng bền vững. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống các cơ sở dữ liệu liên quan đến việc quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng đến tận các chủ rừng nhằm đảm bảo việc cung cấp thông tin và dữ liệu đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về quản lý nhà nước đối với tài nguyên rừng, các hoạt động thương mại, đào tạo…
Ngoài ra, cần khảo sát, phổ biến, tuyên truyền và vận động cho các bên liên quan về Quản lý phát triển và bảo vệ rừng và việc cấp chứng chỉ rừng đối với rừng tự nhiên và rừng trồng. Điều tra, đánh giá theo các chuyên đề về Đánh giá hiện trạng tài nguyên rừng, đất rừng và lập ô tiêu chuẩn cố định để tính toán trữ lượng, sản lượng khai thác bền vững hàng năm.
“Nếu triển khai thành công, giá trị gỗ có chứng chỉ sẽ tăng lên khoảng 15-20% so với giá gỗ chưa có chứng chỉ, thông qua thúc đẩy thương mại lâm sản phù hợp với các yêu cầu của thị trường quốc tế và trong nước, hỗ trợ tích cực cho hoạt động xuất khẩu lâm sản nước ta vào các thị trường chính trên thế giới như Mỹ, EU, Nhật Bản,… Ước tính với phạm vi 30.000 ha nhận chứng chỉ rừng giá trị tăng lên khoảng 30 tỷ đồng/5 năm (nếu mỗi ha tăng 1 triệu/5 năm)” – Lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Giang đánh giá.
Ngoài ra, đây là mục tiêu mang tính chất an sinh xã hội rất lớn, người dân trực tiếp được hỗ trợ và hưởng lợi. Kết quả sẽ góp phần cải thiện sinh kế cho các hộ gia đình nghèo sống ở vùng sâu vùng xa với đời sống thu nhập tăng từ 5-7%. Dự án sẽ đào tạo và xây dựng đội ngũ cán bộ trong tỉnh (20 cán bộ chuyên nghiệp) và trên 30.000 cán bộ và người dân (gồm cả chủ rừng) có việc làm trực tiếp hoặc gián tiếp đến về quản lý rừng bề vững và chứng chỉ rừng.
Được biết, hiện nay ở Hà Giang có 316 cơ sở chế biến lâm sản, trong đó có 310 cơ sở chế biến gỗ, ván nhân tạo; 05 cơ sở chế biến lâm sản ngoài gỗ, 01 nhà máy sản xuất gỗ công nghiệp. Diện tích đất rừng sản xuất nhiều, lại có Nhà máy chế biến gỗ với công suất lớn đã tạo thế cho Hà Giang đi lên từ kinh doanh rừng trồng theo hướng sản xuất liên kết, có hiệu quả cao và bền vững.
Việt Hoàng