BVR&MT – Là huyện trung du miền núi thấp, trừ một số ít xã nằm dọc đôi bờ sông Lam, đất Thanh Chương (Nghệ An) là cả một chuỗi nối nhau của những quả đồi hình bát úp. Ở đó, hội tụ nhiều đặc điểm về khí hậu, thổ nhưỡng để cho ra đời những con gà ri chất lượng cao, làm nên một thương hiệu riêng không thể lẫn – gà đồi Thanh Chương.
Từ tư duy và cách làm ăn mới
Thương hiệu “Gà đồi Thanh Chương” vốn có từ lâu, không chỉ trong niềm tự hào của mỗi người con Thanh Chương xa quê, mà còn quen thuộc trong mỗi người dân đất Nghệ. Ở các xã dọc các tuyến đường liên huyện của Thanh Chương, từ cái ngày mà một gia đình có vài ba chục con gà đã được coi là khấm khá bậc nhất trong làng, cho đến thời nay, khi nhà có hàng trăm con gà thả trong vườn đồi cũng chỉ được coi là chuyện thường, vẫn tồn tại những “phường gà”- một nét đẹp mang đậm chất tình làng nghĩa xóm.
Trên con đường con đường ngoằn ngoèo những ngày đầu đông, đi qua gần hết 15 xóm của xã Thanh Mỹ (huyện Thanh Chương), đến đâu, cũng bắt gặp những đàn gà trên những triền đồi, làm nên khung cảnh yên bình và ấm áp của một miền quê miền hẻo lãnh.
Ghé thăm trang trại nuôi gà của gia đình anh Trần Công Sơn (xóm 13 Thanh Mỹ) nằm trên một quả đồi. Có “truyền thống” nuôi gà đồi từ xưa, nhưng cách đây chừng 4 năm, trong vườn đồi nhà anh chị khi có vài trăm con gà đã là nhiều lắm. Nhưng với cơ ngơi cả mấy quả đồi rộng, trong khi anh nhận thấy, nhất là trong những dịp lễ tết, gà cỏ được ưa chuộng, lùng tìm nhưng đắt mà vẫn không có bán, đơn vị anh Sơn đóng quân là Sư đoàn 324 ở Đô Lương, có lúc cần mua hàng tạ mà không gom nổi.
Từ những dự định ấp ủ một mô hình gà sạch nhưng chưa thể tháo gỡ trước những nỗi lo về kinh nghiệm lẫn chi phí, vậy là anh về bàn với chị, tập trung nuôi gà cỏ theo quy mô công nghiệp. Hệ thống chuồng trại sạch sẽ, khang trang được xây dựng, ngoài nuôi gà thịt với lượng xuất bán gần 2 tấn/năm, trang trại còn sản xuất gà giống với lò ấp tự động, mỗi năm xuất bán trên dưới 3 vạn con gà giống. Do nuôi với quy mô lớn, hàng hóa, nên cách nuôi của anh chị có những nét khác với cách thả gà đồi truyền thống. Gà được nuôi trong chuồng trại, nhất là gà con một tháng tuổi trở lại, vào mùa rét được ở trong chuồng, có hệ thống điện sưởi ấm, đàn gà mái mẹ được tiêm phòng đầy đủ, tách nuôi riêng với đàn gà thịt. Và đặc biệt, trong khi người dân chủ yếu vẫn cho gà phối giống tự do, thì nguyên tắc bất di bất dịch của anh Sơn là không bao giờ cho lai đồng huyết. Dù trang trại có sẵn gà trống rất đẹp nhưng anh vẫn đi cách huyện, sang Đô Lương mua một lúc 60- 70 con gà trống để về đạp mái, nhằm giữ gìn chất lượng đàn gà.
Trong nhà có máy đập, mỗi vụ mùa, anh mua về hàng chục tấn ngô, lúa để làm thức ăn cho gà, thức ăn công nghiệp chỉ được coi là giải pháp khi lúa, ngô quá đắt. Dù nuôi theo quy mô lớn, nhưng có những nguyên tắc anh chị cương quyết giữ. Gà trong trang trại hoàn toàn là giống gà cỏ, không hề có gà lai, “gà công nghiệp”. Hàng ngày, khi có nắng lên, đàn gà được thả ra đồi, ăn thêm thức ăn tự kiếm. Bởi vậy, dù không phải là những con gà đồi được người dân thả rông, vốn được khách sành ăn cực kỳ ưa chuộng, nhưng gà trong trang trại của gia đình anh Sơn luôn đắt khách. Anh cho biết: gà thịt ở đây nuôi tận 4- 4,5 tháng mới bán chứ không gói gọn được trong 3 tháng như các giống gà lai, thế nhưng gà trống cũng chỉ nặng 1,8- 2,2 kg, gà mái 1,4- 1,6 kg là “kịch kim” chứ không có lớn hơn, thịt ngon và chắc.
Thương hiệu được khẳng định
Thanh Chương là huyện có tiềm năng trong phát triển gà đồi. Ngoại trừ một số xã đồng bằng nằm ven bờ con sông Lam, còn lại toàn huyện có khoảng 32 xã có diện tích vườn đồi tương đối lớn, có thể chăn thả gà đồi. Huyện cũng nằm ở vị trí địa lý thuận lợi, có đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 46 chạy qua, thuận tiện cho giao thương, đi lại cả vào trong Nam, ra ngoài Bắc. Bên cạnh đó, với khoảng 6.000 ha ngô, 13.000 ha lúa mỗi năm, lại nằm cạnh những địa phương chuyên sản xuất nông nghiệp như Đô Lương, Nam Đàn, nguồn thức ăn cho gà rất dồi dào.
Những năm gần đây, đã có nhiều hộ tăng quy mô nuôi theo hướng tự phát, với khoảng 1.500- 2.000 con/trang trại, tập trung nhiều ở các xã vùng đồi Thanh Mỹ, Thanh Chi, Thanh Ngọc… Để học hỏi kinh nghiệm, Thanh Chương đã tổ chức cho lãnh đạo huyện, các xã và một số hộ dân có điều kiện phát triển gà đồi đi tham quan học hỏi kinh nghiệm ở vùng gà đồi Yên Thế (Bắc Giang).
Qua khảo sát Thanh Chương thậm chí còn có những lợi thế hơn vùng nuôi gà đồi nổi tiếng này, ở địa bàn rộng, giao thông đi lại cực kỳ thuận tiện. Hiện tại, huyện đã có ý tưởng về xây dựng đề án đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gà đồi theo hướng trang trại, cố gắng phấn đấu mức tối thiểu 1.000 con/hộ ở những hộ đăng ký tham gia. Huyện sẽ tổ chức hướng dẫn ban hành quy trình kỹ thuật chăn nuôi đúng quy trình, đồng thời hình thành nên một số hộ chăn nuôi gà giống để cung cấp giống cho các hộ chăn nuôi gà thịt, đăng ký thương hiệu gà đồi Thanh Chương.
Anh Trần Công Sơn (xóm 13 Thanh Mỹ) chia sẻ: “Chăn nuôi sạch theo hướng sinh học là tất yếu được thế giới, khu vực và nước ta hướng tới. Với sự giúp đỡ từ dự án JICA và kinh nghiệm tích lũy được, gia đình tôi theo đuổi xây dựng trang trại hiệu quả lâu dài. Bên cạnh các siêu thị, nhà hàng đã đặt mua, kỳ vọng sản phẩm của trang trại sẽ được các trường học, nhà máy có bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh đặt hàng…”.
Tháng 4/2014, UBND huyện Thanh Chương thành lập Hội Chăn nuôi gà Thanh Chương, đến nay đã có 72 thành viên tham gia. UBND tỉnh Nghệ An cũng đã phê duyệt Dự án xây dựng phát triển thương hiệu tập thể gà Thanh Chương, tập trung vào 3 chỉ tiêu chí gồm lựa chọn con giống là gà cỏ địa phương, nuôi theo hình thức gà thả vườn, chăn nuôi an toàn sinh học.
Năm 2016, Hội Chăn nuôi gà Thanh Chương nhận được sự hỗ trợ của JICA trong việc tập huấn chăn nuôi gà an toàn sinh học, tiến đến chăn nuôi hữu cơ. Người chăn nuôi gà Thanh Chương đứng trước cơ hội đưa sản vật quê mình đến với xứ sở hoa anh đào. Theo ông Nguyễn Bá Quý, Chủ tịch hội Chăn nuôi gà Thanh Chương cho biết: “hiện nay những hộ tham gia mô hình đã tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi gà an toàn sinh học đúng hướng dẫn như: 30 ngày đầu, gà được úm và ăn hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp. 15 ngày tiếp theo, lượng thức ăn công nghiệp giảm dần và từ ngày thứ 45 đến lúc xuất bán (5 – 6 tháng) cho gà ăn hoàn toàn bằng lúa, gạo… và thả đồi. Ngoài ra, nông dân Thanh Chương còn ủ men chua từ sắn và cây sắn, một số hộ nuôi giun quế làm thức ăn cho gà”.
Trong năm 2016, với sự kết nối của JICA, một số hộ chăn nuôi gà tại Thanh Chương đã đưa sản phẩm của mình đến với siêu thị Maximax và HTX Tam Nông tại TP Vinh (Nghệ An). Phát triển nông nghiệp sạch là hướng đi bền vững được huyện Thanh Chương khuyến khích các hộ dân áp dụng. Thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng KHCN, huyện đang tích cực thu hút các doanh nghiệp, tư nhân vào hỗ trợ cùng với nông dân, từ việc cung cấp giống tốt, hướng dẫn quy trình kỹ thuật, thu mua sản phẩm và chế biến, tạo ra chuỗi giá trị hàng hóa trong nông nghiệp.
“Tất cả những yếu tố đó, cộng thêm việc gà đồi Thanh Chương vốn đã có “thương hiệu” trong người dân, đã thúc đẩy chúng tôi quyết tâm xây dựng nên một thương hiệu gà đồi Thanh Chương”- Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Chương – ông Lê Đình Thanh cho biết.
Đình Nguyên – Xuân Mạc