BVR&MT – Vùng cát rát bỏng tại huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) ngày nào giờ đây đã phủ xanh bằng cánh đồng rau sạch với hơn 1.000 ha được sản xuất công nghệ rau an toàn theo hướng VietGap. Bằng sự cần cù, tích cực đẩy mạnh hoạt động sản xuất rau an toàn, cuộc sông của hàng trăm hộ dân các xã ven biển xứ Quỳnh đã được đổi thay nhờ “trồng rau sạch trên cát”.
Làm giàu trên vùng đất cát
Cả một vùng bãi ngang của huyện Quỳnh Lưu dù không được thiên nhiên ưu đãi về đất đai, nhưng những cánh đồng rau Quỳnh Lương vẫn xanh tốt 4 mùa. Có mặt trên cánh đồng rau xã Quỳnh Lương, bà Nguyễn Thị Lan, một hộ nông dân trồng rau nơi đây vừa vận hành hệ thống phun tưới nước tự động cho diện tích rau màu của gia đình, vừa vui vẻ chia sẻ: “Ở địa bàn xã, đất cát mịn rất phù hợp cho việc trồng rau xanh và các loại nông sản. Tôi là người sản xuất và cũng là người tiêu dùng, ai cũng mong muốn được sử dụng sản phẩm sạch, chính vì vậy trước tiên mình phải sản xuất rau sạch thì mới có sản phẩm sạch mà sử dụng”.
Lý giải về sự phát triển theo hướng nông nghiệp hóa này, ông Nguyễn Văn Tuệ – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lương chia sẻ: “Đồng ở đây toàn đất cát, nhưng nhờ nguồn nước dồi dào từ lòng đất, kể cả những ngày nắng hạn khô cháy, ở đây chỉ cần đào 2- 4m là đã gặp ngay nguồn nước sạch, Quỳnh Lương có được yếu tố thuận lợi đầu tiên trong phát triển rau hàng hóa. Thế nhưng, để có được những thành quả như ngày hôm nay, phải khẳng định trước hết là nhờ yếu tố con người”.
Bằng sự quyết tâm cao, mạnh dạn đổi mới và có nhiều lợi thế có được về đất đai, lao động, nguồn nước ngầm, khí hậu… bà con nông dân Quỳnh Lương đã biến vùng đất cát ven biển thành một vùng chuyên canh rau hàng hóa với quy mô lên đến 300 ha, sản xuất rau quanh năm, tất cả mọi người dân đều được tập huấn hướng dẫn sản xuất rau theo tiêu chuẩn Viet GAP.
Tại xã Quỳnh Lương, 70% người dân sống bằng nghề sản xuất rau màu, vì vậy, sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap là điều kiện bắt buộc nếu muốn sản phẩm tồn tại trên thị trường. Đó cũng là cách tạo ra sự uy tín cho người sản xuất cũng như đảm bảo sức khỏe cho người dùng. Do sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP phải tuân thủ quy trình rất nghiêm ngặt, người dân lại chưa quen, nên ban đầu gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, sau vài vụ, người dân đã dần quen được với cách làm và các thao tác kỹ thuật mới, vì vậy, việc sản xuất rau theo tiểu chuẩn VietGAP dần đi vào ổn định. Hiện nay, xã Quỳnh Lương đã xây dựng được các cánh đồng rau cho thu nhập từ 270 – 300 triệu đồng/ha. Ông Hồ Lâm Thông tại xóm 3, xã Quỳnh Lương cho biết thêm: “Chúng tôi sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGap thì năng suất nó cũng tương đương nhưng chất lượng thì hơn hẳn, được nhiều đơn vị đặt mua, giá thì cao hơn từ 10 – 20%”.
Bên cạnh xã Quỳnh Lương, ngay sau khi có chủ trương về xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, xã Quỳnh Bảng đã xây dựng trên diện tích 10 ha với 53 hộ tham gia. Hộ nhiều nhất có 6 sào, hộ ít là 1,5 sào. Sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP chủ yếu là rau cải các loại, súp lơ, hành hoa, khoai tây, cà rốt, cà chua, bí xanh, bí đỏ. Trong quá trình tổ chức thực hiện, các thành viên được cán bộ Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Nghệ An hướng dẫn triển khai một cách cụ thể và khoa học. Đồng thời, Chi cục cũng tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng rau cho các hộ nông dân, hướng dẫn ghi chép sổ nhật ký từ khâu làm đất, ủ phân, bón phân, chăm sóc, các loại giống được sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng thời gian, liều lượng, thời gian sử dụng cho đến khâu thu hoạch, quy trình trong lao động sản xuất. Hiện nay, năng suất bình quân chung trên cánh đồng sản xuất rau Vietgap đạt 22 tấn/ha, giá trị đạt 300 triệu đồng/ha.
Đưa rau sạch rời mặt đất
Sau bao nhiêu vất vả, giờ đây trên cánh đồng rau ở xã Quỳnh Lương cơ bản đã được xây dựng hoàn chỉnh, đường giao thông nội đồng thuận lợi cho việc vận chuyển giao thương hàng hóa đi tiêu thụ tới thị trường.
Hiện nay bình quân mỗi ngày Quỳnh Lương bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh từ 60 – 70 tấn rau các loại. Tổng sản lượng rau bình quân hàng năm đạt trên dưới 20.000 tấn, bình quân 1 ha 100 tấn, thu về tổng giá trị từ 55 – 60 tỉ đồng, bình quân 1 ha 250 – 300 triệu đồng/năm. Theo Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lương Nguyễn Văn Tuệ, trong số các loại rau quả đang gieo trồng hiện nay ở Quỳnh Lương, loại rau cho thu nhập cao nhất, ngắn ngày nhất, dễ trồng nhất, đó là hành hoa. Hiện tại, trong số 200 ha rau quả các loại, diện tích hành hoa được gieo trồng chiếm tới 50 – 60% diện tích. Cây hành hoa từ khi trồng đến thu hoạch mỗi lứa mất từ 40 – 45 ngày, năng suất bình quân 20 tấn/ha, giá bán tại chỗ trung bình 5.000 – 6.000 đồng/kg. Như vậy một lứa hành cho thu nhập từ 100 – 120 triệu đồng/ha là chuyện bình thường.
Tại địa bàn xã Quỳnh Minh có hàng trăm tấn rau được đưa đi tiêu thụ ở các huyện, các tỉnh. Đặc biệt, sản phẩm rau sạch luôn có mặt tại các siêu thị lớn như Metro, Big C… “Chúng tôi làm rau sạch thứ nhất là bảo vệ môi trường, thứ 2 là bảo vệ sức khỏe cho mình. Nếu mình phun 2 – 3 ngày sau thu hoạch thì đó là rau bẩn. Còn chúng tôi phun theo định kỳ từ 7 – 10 ngày mới thu hoạch, phun tưới bằng hệ thống pét tự động thì các tồn dư trong rau củ là không còn nữa” – Ông Chế Công Bình ở xóm Quyết Thắng, xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu nói.
Huyện Quỳnh Lưu hiện có hơn 1.000 ha chuyên trồng rau màu, trong đó, tập trung chủ yếu ở vùng Bãi Ngang như Quỳnh Lương, Quỳnh Minh và Quỳnh Bảng khoảng 700ha, ngoài ra, còn có xã Quỳnh Văn và Tân Sơn. Nhờ phát triển vùng chuyên canh cây rau màu mà hiện nay, huyện Quỳnh Lưu đã xây dựng được cánh đồng cho thu nhập cao, trung bình từ 150 – 170 triệu đồng/ha/năm. Các xã đã triển khai nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích nhân dân đầu tư, phát triển đa dạng các loại rau màu cho thu nhập cao để cung cấp nguồn rau dồi dào, phong phú cho thị trường.
Để thương hiệu rau sạch Quỳnh Lưu vươn ra nhiều thị trường rộng lớn hơn, bà con đều rất hồ hởi tham gia vào chương trình VietGap. Theo tính toán của bà con, trồng rau theo tiêu chuẩn VietGap tuy năng suất chỉ bằng hoặc thậm chí giảm hơn so với trước khoảng 10 – 15% do ít phun thuốc trừ sâu nhưng bù lại, giá bán tăng gần gấp đôi so với các loại rau sản xuất tự do, được bao tiêu sản phẩm nên hiệu quả kinh tế lại cao hơn.
Ông Nguyễn Hữu Hùng – Chủ tịch Hội nông dân xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu cho biết:Rau VietGap này người ta làm theo quy trình. Bón phân cũng theo quy trình, phun thuốc cũng theo quy trình. Làm đảm bảo đúng thời gian. Nói chung không mượt mà lắm nhưng đảm bảo chất lượng. Bán rau VietGap thì dễ dàng hơn. Người ta thích mua hơn. Các công ty về chỉ đòi đi tham quan vùng rau VietGap còn vùng khác họ không đi. Họ đặt mua rau VietGap còn rau khác thì không.
Hiệu quả về kinh tế chỉ là một phần nhỏ mà mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP đang đem lại nhưng cái quan trọng hơn là mô hình này đã tạo được sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức, tư tưởng, hành động của người nông dân.
Theo ông Nguyễn Văn Tuệ, chất lượng sản phẩm mới là điều kiện tiên quyết và sống còn để duy trì và phát triển nghề, đồng thời, từng bước xây dựng thương hiệu cho rau an toàn, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Đình Nguyên