Phân tích tâm lý phía sau quan điểm phủ nhận biến đổi khí hậu
BVR&MT – Mặc dù là mối đe dọa lớn với con người, động vật và các hệ sinh thái trên trái đất, biến đổi khí hậu vẫn bị một nhóm người không thừa nhận, khiến nhiều hành động hiệu quả bị trì hoãn. Theo nghiên cứu mới của TS. Kirsti Jylha tại Đại học Uppsala, những người chấp nhận cơ cấu quyền lực kiểu phân cấp có xu hướng chối bỏ vấn đề này phổ biến hơn.
Các nghiên cứu trước đây đều đã chỉ ra rằng, những người phủ nhận hiện tượng biến đổi khí hậu thường theo quan điểm chính trị bảo thủ. TS. Kirsti Jylhä đã đi sâu nghiên cứu các biến số tư tưởng, tính cách, quan điểm chính trị và mối tương quan giữa các biến số đó với tâm lý phủ nhận biến đổi khí hậu.
Kết quả cho thấy, thái độ phủ nhận biến đổi khí hậu có mối tương quan với định hướng chính trị, thái độ độc đoán và chấp nhận thực tại. Ngoài ra, những người có thái độ này thường ít thấu cảm, bảo thủ, không sẵn sàng trải nghiệm, có khuynh hướng trốn tránh những cảm xúc tiêu cực và thường là nam giới.
Một biến số đặc biệt quan trọng là định hướng xã hội thống trị (social dominance orientation – SDO) có thể giúp giải thích một phần hay toàn bộ những mối tương quan trên. SDO là thước đo mức độ chấp nhận, tán thành các mối quan hệ thống trị và phân cấp giữa các nhóm xã hội, bao gồm cả sự thống trị của con người với tự nhiên.
Mối tương quan giữa SDO với tâm lý phủ nhận biến đổi khí hậu có thể được lí giải bằng cách xem xét những bất công trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Cụ thể, trong khi lối sống xa hoa là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến biến đổi khí hậu, thì đối tượng phải chịu hậu quả nghiêm trọng nhất lại là những nước nghèo, người nghèo cũng như các loài động vật và thế hệ mai sau.
Theo TS Kirsti Jylhä, những người chấp nhận sự phân bổ không công bằng lợi ích cũng như rủi ro của biến đổi khí hậu có thể sẽ đòi hỏi thêm nhiều chứng cứ trước khi thừa nhận và cùng chung tay ngăn chặn nó. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là thông điệp nào về biến đổi khí hậu có thể thuyết phục được những cá nhân này hành động?