Tìm giải pháp căn cơ ứng phó với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL
BVR&MT – Tại Hội nghị “Phát triển bền vững ĐBSCL ứng phó với biến đổi khí hậu” diễn ra mới đây tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo cần đi sâu tìm kiếm những giải pháp giúp người dân chuyển đổi mô hình kinh tế phát triển bền vững thích ứng biến đổi khí hậu.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang ngày càng chứng kiến nhiều hiện tượng biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của người dân. Việc củng cố nền tảng cho chương trình phát triển lâu dài, bền vững giúp người dân ổn định cuộc sống đang nhận sự quan tâm của nhiều ngành, nhiều cấp.
Đối mặt nguy cơ
Nằm ở vị trí cuối nguồn của lưu vực sông Mê Kông trước khi đổ ra Biển Đông, ĐBSCL là vùng châu thổ trù phú với diện tích khoảng 4 triệu ha với 18 triệu dân cư của 13 tỉnh, thành phố. Hiện khu vực ĐBSCL đang đảm bảo an ninh lương thực quốc gia cho hơn 92 triệu dân một cách vững chắc, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 32 tỷ USD vào năm 2016 với thặng dư 7,5 tỷ USD.
“Điều đáng lo ĐBSCL đang cùng lúc chịu nhiều tác động lớn, trong đó tác động do biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất và nếu chúng ta không sớm có giải pháp đối phó sẽ hứng chịu những hậu quả nặng nề. Với sự nhào trộn, cộng hưởng tạo ra những tác động tiêu cực lớn nhất trong lịch sử kiến tạo vùng đồng bằng châu thổ sẽ tác động trực tiếp đến kinh tế xã hội, đời sống cư dân, tất cả các ngành kinh tế và nông nghiệp, nông dân, nông thôn sẽ là những đối tượng chịu tổn thương nhiều nhất”, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận xét.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, ĐBSCL là một trong bốn đồng bằng bị tổn thương mạnh nhất do biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Người dân sẽ đối mặt với nhiều thách thức và tác động kép như: Khí hậu cực đoan, nguồn lợi thủy sản và nguồn nước ngọt có xu hướng giảm; thiên tai và thách thức từ biển đối với ĐBSCL có xu hướng tăng…
Điều đáng quan tâm là các quốc gia ở thượng nguồn Mê Kông lại đang gia tăng những hoạt động kinh tế, chủ yếu tập trung vào thủy điện và nông nghiệp sẽ gián tiếp gây ra hệ lụy tiêu cực đến vấn đề an sinh của người dân. “Nếu mực nước biển dâng cao 1 m, sẽ có khoảng 38,9% diện tích ĐBSCL, khoảng 10 – 12% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất khoảng 10% GDP”, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay.
Nông nghiệp thiệt thòi
Theo các chuyên gia, biến đổi khí hậu sẽ làm nhiệt độ tăng, hạn hán (và thiếu nước tưới) kết hợp với xâm nhập mặn gia tăng sẽ ảnh hưởng đến sự phân bố cây trồng, đặc biệt làm giảm năng suất. Lũ lớn vào đồng bằng xảy ra ít hơn (8 – 10%), trong khi lũ nhỏ và cực nhỏ sẽ xảy ra nhiều hơn (90 – 92%).
Về dòng chảy mùa khô, do việc điều tiết và vận hành thủy điện làm dòng chảy thay đổi trái quy luật, gây ảnh hưởng rất lớn đến việc chủ động sản xuất của người dân. Số năm dòng chảy xuống thấp ngay từ đầu mùa khô có thể tăng gấp 4 lần so với hiện nay và số năm dòng chảy xuống thấp ở đầu mùa mưa tăng gấp 2 lần so với hiện nay sẽ làm mặn đến sớm và rút muộn và mặn bất thường, ảnh hưởng đến việc sản xuất của cả 2 vụ lúa chính đông – xuân và hè – thu.
Điều này làm gia tăng xói lở trên đồng bằng và các vùng cửa sông ven biển cũng như chất lượng đất canh tác. Hậu quả là ĐBSCL có nguy cơ mất đi 7,6 triệu tấn lúa/năm, tương đương với hơn 40% tổng sản lượng lúa của cả vùng, năng suất lúa xuân giảm 405,8 kg/ha vào năm 2030 và 716,6 kg/ha vào năm 2050.
Hạn, mặn dẫn đến lúa không đủ nước ngọt, thời vụ cũ sẽ có khó khăn do những sự thay đổi bất thường của thời tiết, khí hậu. Điều này thể hiện rõ nhấ́t khi 17.000 ha lúa đông xuân 2016 – 2017 bị bệnh sâu năn cọng hành ở Kiên Giang, Cần Thơ do ảnh hưởng nền nhiệt thấp và mưa sớm. Hoặc thiệt hại lúa đông xuân và xuân hè giai đoạn thu hoạch vừa qua do mưa lớn, mưa quá nhiều cuối vụ.
Trong khi đó biến đổi khí hậu làm cho hạn hán và diễn biến mưa bất thường, mưa cường độ cao sẽ thường xuyên diễn ra làm cho việc duy trì nồng độ mặn hợp lý của các ao nuôi trồng thủy sản nước lợ trở nên khó khăn hơn, có thể gây sốc tôm và cá. Còn những thay đổi về nhiệt độ làm gia tăng nguy cơ dịch bệnh và ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.
Xu thế lũ vừa và nhỏ sẽ gia tăng và chiếm tuyệt đại đa số, cùng với các phát triển liên quan khác trên lưu vực và nội tại trên đồng bằng, sẽ làm giảm chất lượng nước trên đồng bằng và các vùng nuôi thủy sản. Lãnh đạo các tỉnh vùng ĐBSCL lo ngại về hệ thống cấp nước sinh hoạt vệ sinh môi trường nông thôn có nguy cơ bị ảnh hưởng trầm trọng, công trình cấp nước bị ngập, bị phá vỡ do thiên tai bão lụt.
Hệ thống giao thông nông thôn cũng bị ảnh hưởng, nhiều tuyến giao thông bị ngập lụt, xói lở mặt và nền đường. Sự cạn kiệt dòng chảy sông ngòi về̀ mùa khô dẫn đến thiếu hụt nguồn nước ngọt, giao thông đường thủy bị ảnh hưởng. Mực nước biển dâng, xói lở bờ sông gây mất đất tạo nên những làn sóng di cư bắt buộc gây mất ổn định và kém bền vững cho các chương trình phát triển, cải thiện sinh kế và sức khỏe cộng đồng.
Nhiều việc phải làm
Ông Tô Văn Trường, chuyên gia độc lập nước về tài nguyên và môi trường cho rằng biến đổi khí hậu có thể làm thay đổi chế độ hoàn lưu, dòng chảy biển, chế độ sóng… Và do đó, khả năng sạt lở bờ biển, bờ sông còn diễn biến phức tạp. Sụt lún nền đất ĐBSCL ước tính gấp 10 lần mức độ dâng của mực nước biển.
Sụt lún cộng với mức nước biển dâng kết hợp sự biến động bất thường của thời tiết do biến đổi khí hậu có thể dẫn đến sự diễn biến phức tạp của xâm nhập mặn, hạn hán. Trong khi đó những năm gần đây, nhiều hoạt động phát triển kinh tế – xã hội, trong đó đặc biệt liên quan đến việc khai thác, sử dụng của con người đối với nguồn tài nguyên nước đang dẫn tới những biến đổi và tác động chưa thể lường trước hết được đối với dòng sông Mê Kông và khả năng duy trì sinh kế, phát triển bền vững của các cộng đồng dân cư dọc theo mạch sống của con sông quốc tế này. “Việt Nam đã 3 lần xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu 2009, 2011 và 2016. Trong cụm từ “Kịch bản biến đổi khí hậu” có hai khái niệm “kịch bản” và “biến đổi”.
Cả hai khái niệm này đều đòi hỏ̉i tư duy biện chứng khi nghiên cứu giải quyết vấn đề. Đã là kịch bản thì chỉ là dự kiến, dự báo cho nên không thể có những phương án khuôn mẫu và hoàn hảo ngay. Muốn có ĐBSCL phát triển bền vững thì phải quy hoạch thống nhất, do một dạng tổ chức có năng lực và phương tiện kỹ thuật làm cơ sở, tồn tại thường trực để giám sát diễn biến nước do các ngành dùng nước gây ra hàng ngày, hàng năm”, ông Trường cho biết thêm.
Hiện sự quản lý chồ̀ng chéo đã dẫn đến nhiều bất cập và kém hiệu quả cho sự phát triển bền vững của ĐBSCL. Cụ thể Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý sông, lưu vực. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý công trình tưới tiêu.
Vấn đề ở ĐBSCL là trừ hai dòng chính sông Tiền và sông Hậu ra, rất khó phân biệt được dòng chảy nào là sông, dòng chảy nào là kênh dẫn, cấp tiêu thoát nước ở ĐBSCL. Do đó không phân biệt được vùng đất nào gọi là hệ thống công trình thủy lợi để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, vùng đất nào gọi là lưu vực sông để Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý?
Trong bối cảnh ĐBSCL đang đối mặt với biến đổi khí hậu dẫn đến rất nhiều vấn đề mang tính cấp thiết ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế, cần có cái nhìn tổng thể toàn cục để xử lý vấn đề, đầu tư đúng chỗ, đúng lúc, hiệu quả, hạn chế đầu tư mang tính chất cục bộ, địa phương, dàn trải, lãng phí…
Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
Quy hoạch ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu
Chúng ta cần nhìn nhận biến đổi khí hậu không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội chuyển đổi mô hình sản xuất; tổ chức, sắp xếp lại không gian phát triển vùng theo hướng hiệu quả, bền vững, điều chỉnh hệ thống đô thị, điểm dân cư nông thôn phù hợp; coi nước, đất và đa dạng sinh học là ba trụ cột chính để phân vùng hợp lý; coi kinh tế biển là một động lực quan trọng cho sự phát triển của vùng. Xác định nông nghiệp là ngành kinh tế chủ đạo, làm cơ sở để phát triển các lĩnh vực công nghiệp chế biến, du lịch, dịch vụ…; thay đổi tư duy về sản xuất nông nghiệp đảm bảo canh tác bền vững, chú trọng giá trị kinh tế thay cho sản lượng. Trên cơ sở đó, việc lập quy hoạch tổng thể vùng phải theo hướng tích hợp đi trước một bước và làm tiền đề cho việc xác định các ưu tiên phát triển, cũng như các chương trình, dự án cụ thể.
Trong quy hoạch cần chú ý đến những vấn đề mang tính cốt lõi như: quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn nước, cần coi nước mặn, nước lợ là một nguồn tài nguyên… Cân nhắc diện tích trồng lúa theo hướng giảm dần cả về sản lượng và diện tích lúa vụ 3 để chuyển đổi sang các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả; Hạn chế khai thác nước ngầm một cách tùy tiện, đồng thời xem xét các giải pháp bù đắp nước ngầm như xây dựng thêm các hồ chứa… Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 – 2020, ngân sách nhà nước đã dự kiến phân bổ cho các dự án đầu tư phục vụ cho các mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu của vùng ĐBSCL là gần 91.000 tỷ đồng. Trong khi đó, nhu cầu tối thiểu cho vùng để khắc phục các thiệt hại gây ra bởi biến đổi khí hậu và nâng cao khả năng chống chịu đối với các tác động cực đoan trong giai đoạn này là 105.000 tỷ đồng, chưa tính đến nhu cầu đầu tư khoảng 43.000 tỷ đồng cho các dự án thủy lợi, cấp nước, xử lý nước thải…
Ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường:
Thay đổi tư duy, thúc đẩy hợp tác, chuyển giao công nghệ
Đã đến lúc cần thay đổi nhận thức vùng ĐBSCL như một thể thống nhất; quá trình chuyển đổi mô hình phát triển phải được xem xét trong tổng thể chung của đồng bằng, trong mối liên kết chặt chẽ với vùng TP Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong Tiểu vùng sông Mê Kông. Trong đó phải lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, trung tâm, làm cơ sở xuyên suốt cho việc hoạch định chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển vùng. Tài nguyên nước phải được quản lý tổng hợp trên toàn lưu vực và theo lưu vực. Coi nước lợ và nước mặn là nguồn tài nguyên, bên cạnh nguồn tài nguyên nước ngọt. Việc chuyển đổi mô hình phải dựa trên hệ sinh thái, phù hợp với quy luật tự nhiên; phải kết hợp giữa công nghệ tiên tiến, hiện đại với tri thức, kinh nghiệm truyền thống bản địa.
Trên cơ sở đó thời gian tới các ngành chức năng sẽ tiến hành rà soát và hoàn thiện đồng bộ, chính sách, chiến lược, quy hoạch. Cụ thể thống nhất với đề xuất quy hoạch phân vùng theo 3 vùng sinh thái cùng với các dự án ưu tiên không hối tiếc cho 3 vùng như đề xuất trong Kế hoạch ĐBSCL; Xây dựng quy hoạch quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực của ĐBSCL; Xây dựng mô hình kinh tế́ phù hợp với tự nhiên, chủ động sống chung với mặn, hạn như từng sống chung với lũ; tạo chuỗi giá trị khép kín, chủ động từ khâu sản xuất giống, bảo quản chế biến và phân phối…
GS.TS Nguyễn Tuấn Anh, Chủ nhiệm Chương trình KH và CN phục vụ xây dựng nông thôn mới:
Đưa khoa học và công nghệ vào phục vụ nông thôn mới
Đối với ĐBSCL, các yếu tố bền vững của nông nghiệp càng trở nên bức thiết, gắn kết chặt chẽ với nhau, khi khu vực này do đặc thù địa lý, đang phải chịu những tác động cộng hưởng của biến đổi khí hậu. Giải pháp ứng phó để triển khai nền nông nghiệp bền vững ở ĐBSCL phải là tổng hòa của nhiều giải pháp, trong đó có những giải pháp về hạ tầng thủy lợi, giải pháp về tổ chức sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu ngành và các giải pháp khác thuộc nhiều lĩnh vực văn hóa, kinh tế, xã hội…
Để phát triển nông nghiệp bền vững ở ĐBSCL, chúng ta cần thống nhất nhận thức, rằng biến đổi khí hậu là quá trình không thể đảo ngược, việc khai thác lưu vực sông Mê Kông gây bất lợi là không tránh khỏi. Từ đó phải tìm ra những giải pháp tối ưu trong xây dựng và vận hành các hệ thống thủy lợi, cống, đập, hồ để giảm thiểu, khắc chế những tác động bất lợi nói trên, đồng thời phải thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp cả trong cách tổ chức sản xuất và lựa chọn cơ cấu mùa vụ, cây con. Chúng ta cần phải phát huy cao hơn năng lực thiết kế của hệ thống thủy lợi so với mức 68 – 75% hiện nay bằng những giải pháp xây dựng thủy lợi nội đồng.
Đặc biệt, cần phải nghiên cứu đồng bộ các giải pháp có tính bổ trợ lẫn nhau, một mặt cải thiện môi trường vùng đất nhiễm mặn phục vụ yêu cầu phát triển sản xuất và xây dựng nông thôn mới, đồng thời ngăn chặn các nguyên nhân gây lún sụt, sạt lở, xâm nhập mặn. Từ đó hoạch định xây dựng hạ tầng thủy lợi và tổ chức sản xuất nông nghiệp đảm bảo tăng trưởng xanh, đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân, môi trường nông thôn, nước sinh hoạt ở ĐBSCL.