Công cuộc bảo tồn những chú tê giác Java cuối cùng

BVR&MT – Với số lượng được ước tính khoảng 60 cá thể, tê giác Java (Rhinoceros sondaicus) hiện đang nằm trong danh sách các loài Cực kỳ nguy cấp. Từng một thời phân bố khắp Nam Á – từ đông bắc Ấn Độ đến Việt Nam và từ phía nam tới các đảo Sumatra và Java của Indonesia – nhưng tới nay tê giác Java chỉ còn tồn tại duy nhất ở Vườn quốc gia Ujung Kulon, phía tây đảo Java, Indonesia.

Được thành lập từ thời Hà Lan chiếm đóng Indonesia, Vườn Ujung Kulon từ lâu đã trở thành thiên đường an toàn nhất và cuối cùng cho loài tê giác Java. Nhưng khu vực này cũng đang đối mặt với nhiều mối đe dọa, trong đó có sự xâ20m phạm của con người.

Các hoạt động săn bắn chim, cheo (Tragulus kanchil), lấy mật ong, lấy gỗ và nhựa rồng máu –  jernang (một loại nhựa màu đỏ dùng làm thuốc nhuộm) hay thậm chí phá rừng trồng lúa và các loại cây khác vẫn diễn ra.

Có tới 13 người bị phát hiện xâm nhập vào khu vực bảo tồn loài tê giác Java để thu hoạch nhựa rồng máu hồi đầu năm nay. “Những hành động này rất dễ tái diễn. Ban quản lí khu bảo tồn đã phải áp dụng biện pháp mạnh để ngăn chặn.” –   Ông Mamat Rahmat, Giám đốc khu bảo tồn chia sẻ.

Vấn đề này đã được đưa lên Văn phòng công tố Pangdelang vào tháng 7/2017. Các nhà chức trách cho rằng có một vài dấu hiệu chứng tỏ có người đã đột nhập vào khu bảo tồn với ý định săn trộm tê giác.

Theo ông Muhammad Waladi Isnan, công tác tại Quỹ Tê giác Indonesia (YABI), sự xâm phạm của con người vào những khu vực hoang dã ảnh hưởng xấu đến các loài động vật ở đó cũng như gây bất lợi cho những nỗ lực bảo tồn cho dù có xảy ra hành vi săn bắn hay không. Những hành động phạm pháp này sẽ cản trở những nỗ lực giúp gia tăng số lượng tê giác Java.

Một chú tê giác đang tắm bùn ở Vườn quốc gia Ujung Kulon (Ảnh: Sugeng Hendratno/WWF)
Hai chú tê giác Java ở trong rừng Vườn quốc gia (Ảnh: Sugeng Hendratno/WWF)

Năm 2011, Trung tâm nghiên cứu của Vườn  quốc gia Ujung Kulon đã triển khai hoạt động giám sát quần thể tê giác qua hệ thống bẫy ảnh. Trong 9 tháng vận hành, dự án đã thu được 427 đoạn phim về tê giác Java trong đời sống tự nhiên. Dựa trên những đặc điểm nhận dạng khác nhau, các nhà nghiên cứu xác định có 35 cá thể xuất hiện trong các đoạn phim – 22 con đực và 13 con cái.

Nghiên cứu lớn hơn tiến hành năm 2013 thu được 1660 đoạn phim về tê giác Java, giúp các nhà quan sát ước tính có mức tối thiểu 58 cá thể tê giác – 35 con đực và 23 con cái – trong khu bảo tồn.

Quần thể tê giác Java trong khu bảo tồn có 8 con non chứng tỏ loài này đang sinh sản. Tuy nhiên, số lượng này vẫn thua xa so với chỉ tiêu được đặt ra năm 2007 là sẽ đạt 70-80 cá thể vào năm 2015.

Song, một số nhà bảo tồn cũng cho rằng Vườn quốc gia  Ujung Kulon có thể sẽ không đủ khả năng đáp ứng quần thể tê giác đông hơn.

Vận mệnh của những con tê giác trong khu bảo tồn – hay rộng hơn là của cả một loài – cũng đang chịu sự đe dọa của bệnh dịch và thiên tai. Một nghiên cứu được công bố hồi tháng 4 cho thấy rằng nếu có một trận sóng thần với cường độ tương tự như năm 2006 thì đa số hoặc tất cả tê giác ở đây sẽ đối diện với khả năng bị nhấn chìm. Trong điều kiện Khu bảo tồn Ujung Kulon nằm ở khu vực gần núi lửa đang hoạt động và từng xuất hiện nhiều hiện tượng địa chấn thì những thảm họa trên luôn luôn rình rập.

Cùng với những nỗ lực để mở rộng khu vực sinh sống cho loài tê giác ở khu vực Ujung Kulon từ lâu đã được bàn luận, các kế hoạch xây dựng khu bảo tồn thứ hai cho loài tê giác Java đang được thảo luận.

Trong khi đó, các nhà chức trách của Vườn vẫn đang tiếp tục bảo đảm an toàn hết mức có thể cho các cá thể tê giác còn lại. Bốn đội Bảo vệ tê giác, thiết lập bởi ban quản lí vườn kết hợp với các tổ chức phi chính phủ về  bảo tồn, thường xuyên thực hiện công tác tuần tra xung quanh khu vực. Bên cạnh đó, người dân địa phương cũng tham gia các hoạt động tuần tiễu phối hợp bốn lần mỗi năm.

Ông Isnan (YABI) nhấn mạnh rằng việc bảo đảm  môi trường kinh tế xã hội ổn định cho cư dân quanh khu vực Vườn là rất quan trọng vì như vậy người dân mới có thể tham gia đóng góp và hỗ trợ cho công tác bảo tồn.

Gia Quyên (Theo Mongabay)

Tags: ,
CHIA SẺ