BVR&MT – – Nhiều ngày qua đã có nhiều dòng ý kiến trái chiều xoay quanh vấn đề cầu Ngòi Thia bị “ốm yếu” trước khi bị gãy sập.
Trước thông tin có nhiều dòng ý kiến trái chiều đặt ra dấu hỏi về vấn đề cầu Ngòi Thia bị “ốm yếu” trước khi bị gãy sập, lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Yên Bái đã khẳng định, trước khi cầu Ngòi Thia (ở thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) bị gãy sập vào trưa 11/10, cơ quan chức năng không ghi nhận có dấu hiệu bất thường đe dọa sự an toàn của cây cầu này.
Trước đó, khoảng 12h trưa 11/10, cây cầu Ngòi Thia bất ngờ bị gãy sập.
Theo các cơ quan chức năng của địa phương, thời điểm cầu này gãy sập xuất hiện nước lũ rất lớn, dòng nước chảy xiết, trên cầu có khoảng 6 người thì 4 người bị rơi xuống suối mất tích trong đó có một phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), còn 2 người thoát nạn.
Những ngày qua có rất nhiều ý kiến cho rằng, cầu Ngòi Thia đã bị xuống cấp, “ốm yếu” nên dòng nước lũ mới làm cầu này gãy sập.
Trước thông tin này, mới đây, ông Bùi Danh Tú (Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Yên Bái) khẳng định, trước khi cầu Ngòi Thia bị gãy sập, cơ quan chức năng không ghi nhận có dấu hiệu bất thường đe dọa an toàn cây cầu này.
Ông Tú cũng cho biết thêm, ngay sau khi cầu Ngòi Thia bị gãy sập, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã lên kiểm tra tình hình. Phó Thủ tướng giao cho bộ GTVT phải cử đoàn chuyên ngành lên đánh giá tổng thể, điều tra làm rõ nguyên nhân cầu sập.
Ông Tú cho biết thêm, cách cầu Ngòi Thia khoảng 100m có một cây cầu mới, do đó, khi câu cầu bị gãy sập không ảnh hưởng nhiều đến việc đi lại, sinh hoạt của người dân và hoạt động kinh tế của địa phương.
Được biết, cây cầu Ngòi Thia này được khởi công xây dựng từ năm 1985, đến năm 1990 thì hoàn thành, cầu có chiều dài hơn 100m, rộng 10,5m, gồm 4 nhịp. Năm 2005, do cầu gặp sự cố nên đã phải sửa chữa gia cố thêm. Từ đó đến nay, người dân đi lại bình thường trên cầu này, chưa ghi nhận có dấu hiệu bất thường.
Theo báo cáo nhanh của Tổng cục Đường bộ, do tác động đợt mưa lớn kéo dài đã gây ra nhiều thiệt hại tới kết cấu công trình đường bộ trên các tuyến quốc lộ trên địa bàn các tỉnh phía Bắc và Bắc Miền Trung.
Cũng theo báo cáo này, thông tin cập nhật về tình hình thiệt hại và công tác xử lý, khắc phục hậu quả thiệt hại, bảo đảm giao thông bước 1.
Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cũng cho biết, hệ thống đường bộ các tỉnh hiện nay đang bị thiệt hại nặng nề là Yên Bái, Hòa Bình, Lào Cai, Hà Giang, Sơn La, Quảng Ninh, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và địa bàn quản lý của Cục Quản lý đường bộ I, II.
Tại tỉnh Yên Bái, cơ quan này tạm tính kinh phí xử lý nhanh hệ thống cầu đường đang bị hư hỏng nặng là khoảng 26 tỷ đồng. Cụ thể, trên quốc lộ 37 bị sạt taluy dương tại 8 điểm, gây tắc đường tại Km354+600.
Trên quốc lộ 32, sạt taluy dương tại nhiều vị trí gây tắc đường, do thời tiết mưa lớn, thông tin liên lạc bị chia cắt nên tính đến 16h chưa có số liệu thiệt hại cụ thể.
Tại cầu Ngòi Thia mới (Km200+894), cầu Ngòi Nung (Km204+166), cầu suối Đôi I (Km205+372), cầu suối Đôi II (Km205+459) xảy ra xói lở kè ốp mố, trụ cầu, trôi mất 100m kè rọ thép đá hộc bảo vệ mố cầu Ngòi Thia. Trên đường tỉnh 174, cầu Ngòi Thia cũ (Km0+350) bị đổ trụ T5, làm trôi nhịp số 5, sập nhịp số 4, giao thông trên tuyến bị chia cắt.
Liên quan đến nội dung có thông tin về cầu Ngòi Thia bị xuống cấp trước khi bị gãy sập, đại diện thị xã Nghĩa Lộ cũng cho biết, trước khi cầu Ngòi Thia bị gãy sập, hàng ngày người dân địa phương vẫn đi lại trên cầu này rất đông. Chính quyền địa phương cũng không nhận được bất kỳ cảnh báo nào về nguy cơ mất an toàn của cây cầu. Cũng theo vị đại diện này, vụ việc xảy ra trưa 11/10 là do trận lũ quá lớn bất ngờ ập về nên mới làm cầu bị gãy sập./.