BVR&MT – Vừa qua, Ban quản lý KBTTN Thần Sa – Phượng Hoàng đã phối hợp với các xã Cúc Đường, Thượng Nung, Thần Sa tổ chức Hội nghị tuyên truyền quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên đa dạng sinh học cho đồng bào người Mông.
•Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa – Phượng Hoàng (Kỳ 1): Vẻ đẹp thiên nhiên “ẩn mình” nơi rừng thẳm
Tham dự buổi tuyên truyền có đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thái Nguyên, ông Nịnh Văn Hào, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy – Phó Chủ tịch HĐND huyện Võ Nhai, đại diện các ban ngành, đoàn thể liên quan cùng lãnh đạo 7 xã và 1 thị trấn nằm trong KBTTN Thần Sa – Phượng Hoàng.
Trong năm 2017, Ban quản lý KBTTN Thần Sa – Phượng Hoàng đã tổ chức tuyên truyền được 23 lớp với 2.044 lượt người tham gia. Trong đó có 22 lớp tuyên truyền ở các xóm và 01 lớp tuyên truyền cho riêng đồng bào dân tộc người Mông có 581 người tham gia.
Tại buổi tuyên truyền đồng bào Mông đã được nghe giới thiệu về vai trò, mục đích và tầm quan trọng của công tác quản lý và bảo vệ rừng, tính đa dạng sinh học, nguyên nhân và tác hại của việc mất rừng, việc phòng cháy, chữa cháy rừng cũng như bảo vệ an ninh trật tự. Ngoài ra Ban quản lý còn giới thiệu, giúp bà con nhận biết và ngăn ngừa sinh vật ngoại lai xâm hại tại Khu Bảo tồn như: Cỏ lào, Trinh nữ móc, Ốc bươu vàng…
Tất cả nội dung buổi tuyên truyền được soạn thảo hoàn toàn bằng tiếng Mông có phiên dịch sang tiếng Việt. Đồng thời được trình chiếu qua phần mềm PowerPoint có hình ảnh minh họa kèm theo. Đây là buổi tuyên truyền được xây dựng bằng tiếng Mông đầu tiên được thực hiện tại Võ Nhai với sự tham gia của hơn 200 dân tộc người Mông tham dự. Ngoài các nội dung trên, buổi tuyên truyền còn tổ chức giao lưu hỏi đáp trực tiếp về nhận thức của đồng bào Mông về bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên đa dạng sinh học, phòng cháy chữa cháy rừng. Kết thúc buổi tuyên truyền cho bà con ký cam kết thực hiện công tác bảo vệ động, thực vật trong Khu Bảo tồn… Góp phần quan trọng trong việc nâng cao ý thức của đồng bào dân tộc trong việc trồng và bảo vệ rừng.
Đây là buổi tuyên truyền mang ý nghĩa đặc biệt với đồng bào dân tộc thiểu số. Việc nhân rộng các buổi tuyên truyền không chỉ đối với người dân địa phương, đặc biệt là đối với các đồng bào dân tộc thiểu sổ ở địa bàn huyện Võ Nhai và ở các khu Khu bảo tồn khác không chỉ nâng cao công tác quản lý và bảo vệ rừng mà còn ở tất cả các lĩnh vực vực khác của đời sống xã hội.
Trong những năm qua, công tác quản lý và bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên đa dạng sinh học và bảo vệ an ninh trật tự trong khu bảo tồn đạt được nhiều kết quả cao. Ông Nguyễn Văn Tuyên, Phó giám đốc kiêm Phó Hạt trưởng KBTTN Thần Sa – Phượng Hoàng cho biết, trong 2 năm trở lại đây Ban Quản lý đã tổ chức khoán bảo vệ rừng cho các hộ gia đình và cộng đồng dân cư sinh sống trong Khu bảo tồn, năm 2016 là 8.276,73 ha, năm 2017 là 6.276,75 ha và xúc tiến quá trình tái sinh tự nhiên nhằm phục hồi lại nguyên trạng hệ sinh thái rừng vốn có trong khu vực, dự kiến triển khai trong năm 2018. Điều này đã phần nào tăng lên số lượng người dân tham gia vào việc bảo vệ và phát triển rừng.
Tại buổi tuyên truyền, ban tổ chức đã đưa ra các câu hỏi về bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên đa dạng sinh học và phòng cháy chữa cháy rừng như: Rừng được chia làm mấy loại, đó là những loại nào?; Rừng đặc dụng được sử dụng chủ yếu để làm gì? Nguyên nhân gây mất rừng? Khi có cháy rừng thì cần phải làm gì…? Rất nhiều bà con đã đưa ra câu trả lời đúng và dành được những phần quà từ Ban quản lý.
Đây là một trong những việc làm thiết thực không chỉ góp phần đem lại thu nhập cho người dân trong Khu bảo tồn về đời sống kinh tế – xã hội, văn hóa tinh thần mà còn giảm thiểu áp lực đối với việc bảo vệ tài nguyên động, thực vật hoang dã, quý hiếm, các loài đang có nguy cơ tuyệt chủng, đồng thời gia tăng số lượng, chất lượng cá thể và quần thể các loài đang bị đe dọa. Theo Ban quản lý Khu bảo tồn Thiên nhiên Thần Sa, Phượng Hoàng sắp tới sẽ mở thêm các buổi tuyên truyền khác để nâng cao nhận thức và ý thức bảo vệ môi trường của người dân địa phương, thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ rừng đặc dụng.
Thạch Thảo – Xuân Mạc