BVR&MT – Mưa lũ lớn kinh hoàng trên diện rộng tại các tỉnh miền Trung đã thiệt hại với con số lớn về người và của. Đây được coi là trận lũ lịch sử lớn nhất trong vòng mấy chục năm trở lại đây, gây nên thảm họa thương vong.
Nghệ An thương vong bao trùm
Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đến 16h chiều nay (11/10), đã có 20/21 huyện, thành, thị có báo cáo về thiệt hại.
Hiện nay, 625 hồ đập lớn nhỏ trên đại bàn đã đầy nước; 2 hồ lớn là Vực Mấu và sông Sào đã vận hành xả lũ; các hồ có nguy cơ mất an toàn là những hồ chưa được sửa chữa, nâng cấp. Mũa lũ đã làm 8 người chết, thuộc các huyện: Yên Thành, Nghi Lộc, Quỳ Hợp, Thị xã Hoàng Mai, Đô Lương và Nam Đàn; Trên 1.000 nhà dân bị ngập lụt, sạt lở, hư hỏng.
Hiện các địa phương đã di dời được 154 hộ dân với khoảng 600 người ra khỏi khu vực ngập lụt. Gần 7.000 ha cây trồng các loại bị ngập và hư hại; gần 14.000 con gia súc, gia cầm bị chết và cuốn trôi; gần 2.500 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập, mất trắng.
Nhiều tuyến đường giao thông bị ngập sâu, sạt lở, hư hỏng gây chia cắt, cô lập một số vùng và gây ách tắc, mất an toàn giao thông.Hiện tại, một số địa phương ven sông Lam đã xuất hiện tình trạng sạt lở bờ sông, gây nguy hiểm đến các nhà dân.
Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An cho biết, tính đến ngày 11/10, trên địa bàn tỉnh đã có 8 người chết vì mưa, lũ thuộc các huyện Yên Thành, Nghi Lộc, Quỳ Hợp, Thị xã Hoàng Mai, Đô Lương và Nam Đàn. Mưa lũ đã khiến 34 nhà dân bị sập, gần 1000 hộ bị ngập nước.
Mưa lớn làm nước sông lên cao gây sạt lở bờ sông Lam, kè bảo vệ đê Tả Lam (địa bàn xã Hưng Hòa, thành phố Vinh; xã Hưng Xá, huyện Hưng Nguyên; xã Thanh Khai, huyện Thanh Chương, đê Tả Lam phía hữu huyện Thanh Chương, xã Nam Trung huyện Nam Đàn, sông Rộ, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương…);
Do diễn biến mưa lũ phức tạp, gây sạt lở đất nhiều tại bờ sông Lam sát nhà dân , thôn Lam Bồng, xã Bồng Khê, huyện Con Cuông. Tại các tuyến đường giao thông cũng xuất hiện vết nứt dọc mép hành lang như tại đường quốc lộ 7 với chiều dài khoảng 25m.
Không chỉ các huyện miền núi, tại huyện Hưng Nguyên, mưa lũ cũng gây sạt lở 100 mét ở núi Rậm, xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên, núi Nhón xã Hưng Thắng huyện Hưng Nguyên, 812 mét đường giao thông địa phương bị sạt lở; cầu loại nhỏ, cầu tràn, cầu tạm bị hư hỏng, sạt lở; cống giao thông nội đồng bị hư hỏng: 140 cái…
Chia cắt nhiều huyện miền núi tại Hà Tĩnh
Theo báo cáo nhanh của Ban Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh, tính đến thời điểm 11/10, Hà Tĩnh đã có khoảng 1.500 hộ dân bị ngập úng, một số vùng trũng vẫn đang bị nước lũ chia cắt, trên 500 ha hoa màu bị hư hỏng hoàn toàn, hơn 2.000 con gia cầm, gia súc bị nước cuốn trôi…
Mưa lũ lớn kéo dài cũng đã khiến nhiều huyện miền núi trên địa bàn tỉnh bị nước chia cắt, hơn 14.000 học sinh vẫn phải nghỉ học. Nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã tại 16 xã thuộc các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Can Lộc, Thạch Hà, Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh bị ngập, hư hỏng nghiêm trọng.
Tại Hà Tĩnh, 2 cầu dân sinh bị nước lũ cuốn trôi là cầu Trốc Vạc, nối các xã Sơn Kim 1 và Sơn Kim 2 sang quốc lộ 8A; cầu Phố Tây (thôn Phố Tây, xã Sơn Tây) nối thôn Tiền Phong (xã Sơn Kim 2) và Tổng đội Thanh niên xung phong xây dựng kinh tế mới Tây Sơn, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân các thôn Trung Lưu, Phố Tây.
Nước cuốn trôi cầu khiến hàng trăm hộ dân thuộc các xã trên bị chia cắt, học sinh không thể đến trường. Ngoài ra, tuyến đường biên giới nối các xã Sơn Tây, Sơn Lĩnh, Sơn Hồng với huyện Xay Chăm Pon (tỉnh Bolykhamxay, Lào) cũng bị sạt lở nghiêm trọng.
Đến sáng nay (11.10), hơn 3.000 học sinh của 10 trường trên địa bàn huyện Hương Sơn chưa thể đi học do trường ngập nước và giao thông bị lũ chia cắt. Nước lũ vẫn đang gây ngập nhà và các trục đường chính tại các xã Sơn Phúc, Sơn Mai, Sơn Thủy, Sơn Thịnh, Sơn Tiến.
Tại tuyến đường Tây Lĩnh Hồng, đoạn qua xã Sơn Lĩnh, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, do mưa lớn kéo dài trong những ngày qua đã khiến tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng. Điều này đã gây ra rất nhiều khó khăn cho người dân khi lưu thông qua đây.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hà Tĩnh, tính đến 17 giờ ngày 10.10, các địa phương đã tổ chức di dời 212 hộ với 838 nhân khẩu đến nơi trú tránh an toàn. Mưa lũ đã khiến 16 xã ngập các trục đường liên thôn, liên xã, với độ sâu từ 1,2 – 1,5 m; có hơn 1.500 hộ dân bị ngập từ 0,3 – 0,5 m; 301 ha cây hoa màu và 211 ha thủy sản nước ngọt bị ngập úng…
Đình Nguyên