BVR&MT – Theo kết quả nghiên cứu mới công bố ngày 29/9, lượng khí thải nhà kính methane từ vật nuôi trên thực tế nhiều hơn tất cả các ước tính được đưa ra trước đây, đồng nghĩa với việc thêm một thách thức nữa trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và tình trạng ấm lên toàn cầu.
Theo kết quả nghiên cứu mới, chỉ riêng trong năm 2011, lượng khí methane trung bình/một vật nuôi cao hơn 11% so với những ước tính dựa trên các số liệu được Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc công bố.
Điều đáng quan ngại là các số liệu do IPCC cung cấp đều được các nhà khoa học sử dụng làm dữ liệu nghiên cứu trong khi giới lãnh đạo cũng sử dụng làm cơ sở để hoạch định chính sách về môi trường. Vì vậy việc số liệu ước tính chưa chính xác có thể ảnh hưởng tới các mục tiêu về môi trường.
Cũng theo báo cáo của IPCC, năm 2015, khí methane chiếm 16% tổng lượng khí thải nhà kính toàn cầu. Tuy tồn tại trong bầu khí quyển trong thời gian ngắn hơn carbon dioxide (CO2) nhưng khí methane lại giữ nhiều bức xạ Mặt Trời hơn CO2 và khiến tình trạng ấm lên toàn cầu càng thêm nghiêm trọng. Do đó, việc hiện thực hóa mục tiêu kiềm chế mức nhiệt tăng toàn cầu dưới 2 độ C theo Hiệp định Paris được 196 quốc gia ký kết hồi năm 2015 sẽ vấp phải nhiều khó khăn hơn nếu khí thải methane không nhanh chóng được kiểm soát chặt chẽ.
Ngoài những nguồn tự nhiên như từ các vũng than bùn, sình lầy và các loài côn trùng thì khí methane cũng phát sinh từ hoạt động của con người (chiếm 2/3 lượng khí methane có trong khí quyển).
Khí methane sản sinh từ các hoạt động của con người chủ yếu do rò rỉ khí ga không màu không mùi từ các hoạt động sản xuất và vận chuyển than đá, dầu mỏ và đặc biệt là khí đốt tự nhiên. Các động vật nhai lại như gia súc và cừu hay quá trình phân hủy rác hữu cơ cũng thải ra khí methane vào bầu khí quyển với một lượng tương đương.
Theo các nghiên cứu trước đó, sau khi tăng với tốc độ chậm trong giai đoạn 2000-2006, lượng khí thải methane trong khí quyển nhanh chóng tăng vọt với tốc độ nhanh gấp 10 lần trong thập kỷ vừa qua.
Theo nhà nghiên cứu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ Julie Wolf và cũng là tác giả chính của nghiên cứu đăng trên tạp chí Carbon Balance and Management, ở nhiều khu vực, số lượng các đàn vật nuôi thay đổi liên tục, các tiến bộ trong chăn nuôi cũng giúp cải thiện tầm vóc, kích thước của các loài vật nuôi đồng nghĩa với việc lượng thức ăn tiêu thụ cũng nhiều lên. Cùng với đó, sự thay đổi lớn trong cách thức quản lý các đàn gia súc đã khiến lượng khí thải cao hơn.
Nghiên cứu cũng chỉ ra khí thải methane từ đàn gia súc và vật nuôi tăng mạnh nhất tại các khu vực đang phát triển như châu Á, Mỹ Latinh và châu Phi.