BVR&MT – Đến cuối tháng 8/2017, với sự tham gia tích cực của các cơ quan báo chí thông qua tố giác của nhân dân, lực lượng chức năng mới phát hiện ra vụ phá rừng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam.
Trong thời gian qua, mỗi khi mùa mưa bão về, người dân phía hạ du đã phải chịu bao nhiêu điều khiến họ điêu đứng vì nguyên nhân chủ yếu là rừng phòng hộ đầu nguồn bị tàn phá, thủy điện xả lũ… Ngược lại, về mùa kiệt thì do rừng bị tàn phá nên mực nước ngầm bị hạ thấp, mặn xâm nhập ở hạ du khiến cho việc lấy nước ngọt phục vụ sinh hoạt cũng như sản xuất gặp nhiều khó khăn.
Theo số liệu từ cơ quan kiểm lâm thì từ năm 2010 đến 15/9/2017, trên địa bàn xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, cơ quan chức năng đã kiểm tra, phát hiện và lập hồ sơ 54 vụ phá rừng để lấy đất sản xuất (chủ yếu trồng rừng nguyên liệu), gây thiệt hại 124, 821 ha rừng tự nhiên, trạng thái rừng nghèo (gồm 87,913 ha rừng phòng hộ, 36,908 ha rừng sản xuất). Trong tổng số diện tích rừng thiệt hại nói trên có 68,296 ha giao khoán bảo vệ rừng (do Ban Quản lý trồng rừng huyện Tiên Phước giao cho nhóm hộ) và 49,359 ha ngoài diện tích giao khoán bảo vệ rừng (do UBND xã Tiên Lãnh quản lý).
Tuy nhiên, theo đơn tố cáo của người dân thì số lượng rừng bị phá còn lớn hơn nhiều, nhất là tại các khu vực khác như tiểu khu 551 và tiểu khu 552, đã có hàng trăm héc ta rừng bị triệt hạ. Khi người dân nhiều lần báo cho lãnh đạo xã Tiên Lãnh thì không nhận được sự phản hồi hay thông báo kết quả xử lý. Và như vậy, sự việc cứ rơi vào im lặng trong một thời gian dài. Có chăng, cơ quan kiểm lâm chỉ mới khởi tố một số vụ án nhưng không hiểu tại sao lại chưa thể khởi tố bị can nào để xử lý theo pháp luật. Chính vì vậy, các vụ án bị khởi tố đều chìm vào quên lãng, không đủ sức răn đe đối với các đối tượng phá rừng.
Riêng từ đầu năm 2017 đến nay, cơ quan chức năng phát hiện 10 vụ vi phạm, diện tích rừng thiệt hại 24,790 ha, chức năng phòng hộ. Trong đó, vụ phá rừng lớn nhất xảy ra tại khu vực Dội Lớn, khoảnh 5, tiểu khu 556, xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước. Người thuê nhân công tổ chức vụ phá rừng này là ông Phùng Văn Bảy (SN 1978, trú xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước), qua khai thác ban đầu ông Bảy khai nhận là từ tháng 5/2017, ông Bảy đã thuê người vào khu vực trên dùng cưa lốc, rựa để chặt hạ một khu vực rừng với diện tích khoảng 2 ha. Qua kiểm tra ban đầu, lực lượng kiểm lâm xác định diện tích rừng bị thiệt hại tại khu vực Dội Lớn (khoảnh 5 và khoảnh 6, tiểu khu 556) là 4,965 ha, có chức năng phòng hộ.
Mặc dù phát hiện diện tích lớn rừng phòng hộ đầu nguồn sông Tranh bị tàn phá như vậy, nhưng lực lượng kiểm lâm chưa kịp thời khởi tố vụ án để chuyển cơ quan điều tra xử lý theo quy định. Phải đến khi Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo xử lý nghiêm thì Công an huyện Tiên Phước mới ra quyết định khởi tố vụ án, rồi khởi tố bị can Phùng văn Bảy về tội hủy hoại rừng.
Trả lời về vấn đề này, đại tá Nguyễn Văn Cự, Trưởng Công an huyện Tiên Phước cho biết: Mặc dù bảo vệ rừng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, tuy nhiên kiểm lâm là đơn vị trực tiếp tuần tra kiểm soát, bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, cơ quan kiểm lâm còn có quyền khởi tố vụ án để chuyển cơ quan công an điều tra theo thẩm quyền. Song, từ năm 2010 đến nay, cơ quan kiểm lâm chỉ mới khởi tố một số vụ án rồi để thời gian khá lâu, lúc đó chứng cứ, hiện trường đã gần như bị “xóa nhòa” nên cơ quan công an không đủ cứ liệu để khởi tố bị can.
Liên quan đến vụ phá rừng tại Tiên Lãnh, mà đặc biệt là tại khu vực Dội Lớn, thì cũng phải thẳng thắn nhìn nhận là lực lượng kiểm lâm phải chịu trách nhiệm chính. Không thể đổ lỗi do lực lượng mỏng, hay địa bàn cheo leo hiểm trở. Tại sao kiểm lâm địa bàn chỉ vào cuộc khi báo chí nêu tình trạng phá rừng trên địa bàn. Liệu có ai đứng đằng sau tiếp tay cho hàng loạt vụ phá rừng này không? Theo nhận định của một số người dân cũng như cơ quan chức năng thì với trình độ, tiềm lực kinh tế của ông Huỳnh Văn Bảy thì không thể đủ khả năng thuê người phá rừng rồi tiến hành trỉa keo.
Tại sao từ trước đến nay, lực lượng kiểm lâm đã khởi tố vụ án nhưng không thể khởi tố bị can, đây là do nghiệp vụ yếu kém hay do “ngại” đụng chạm, thậm chí là có khi phát hiện rừng bị chặt phá nhưng cũng tiến hành xử lý hành chính cho qua chuyện. Liệu có sự bao che, tiếp tay của một số người có trách nhiệm hay không? Chính vì vậy, không đủ sức răn đe các đối tượng phá rừng, điều này cũng cần được làm rõ và xử lý nghiêm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Được biết, hiện trên địa bàn xã Tiên Lãnh có khoảng 2.500 ha rừng có chức năng phòng hộ. Khu vực này nằm xa khu dân cư nhưng lại nằm gần với vùng lòng hồ thủy điện Sông tranh 3 (sẽ tích nước vào năm 2018). Theo nhận định của một số nhà quản lý thì đối tượng thuê người đồng bào dân tộc phá rừng trồng keo với quy mô lớn phải có tầm nhìn “chiến lược” và tiềm lực kinh tế mạnh. Chứ người dân địa phương rất khó có điều kiện để thực hiện những vụ phá rừng trồng keo này.
Công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn xã Tiên Lãnh, do Trạm Kiểm lâm địa bàn xã Tiên Hiệp phụ trách và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Hạt phó Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam (trước năm 2017 là Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Tiên Phước), được phân công 1 kiểm lâm địa bàn tham mưu giúp Chủ tịch UBND xã về công tác quản lý bảo vệ rừng tại địa phương. Tuy nhiên, việc phá rừng phòng hộ diễn ra trong thời gian dài nhưng công tác phối hợp giữa Hạt Kiểm lâm với chính quyền địa phương cấp xã và các ngành chức năng chưa đồng bộ, lỏng lẻo, có dấu hiệu buông lỏng quản lý nên tình trạng vi phạm xảy ra trong thời gian dài, với quy mô lớn nhưng việc phát hiện vi phạm và điều tra chưa triệt để.
Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, là người trực tiếp đến hiện trường cũng như chỉ đạo điều tra vụ phá rừng quy mô lớn, kéo dài trong nhiều năm tại xã Tiên Lãnh cho biết: Qua kiểm tra, diện tích rừng bị phá tại Tiên Lãnh là khá lớn. Trong việc để xảy ra tình trạng xâm hại rừng này có trách nhiệm các cơ quan. Trước hết, đối với Ban quản lý trồng rừng huyện Tiên Phước được giao nhiệm vụ quản lý nhưng chưa chặt chẽ, chủ quan trong giao khoán, thiếu kiểm tra giám sát, tuần tra bảo vệ rừng.
Về phía lãnh đạo UBND xã Tiên Lãnh là những người trực tiếp ở địa bàn, trực tiếp quản lý dân, nhưng vẫn có dấu hiệu buông lỏng quản lý chung, trong đó có quản lý rừng phòng hộ. Lãnh đạo xã nắm bắt thông tin chưa kịp thời nên phối hợp xử lý chưa thỏa đáng. Thậm chí khi nhận được tin báo của người dân chậm xử lý, hoặc không xử lý dẫn đến tình trạng mất niềm tin của nhân dân. Lực lượng kiểm lâm xử lý vi phạm về rừng chậm, có những vụ xử lý hành chính nên không đủ sức răn đe. Còn lúng túng trong phương pháp tuần tra, quản lý địa bàn, nên cần rút kinh nghiệm để làm tốt hơn. Một số vụ đã khởi tố vụ án nhưng chưa đủ chứng cứ, công tác thu thập thông tin, hiện trường để quá lâu nên không thể khởi tố bị can.
Hiện nay, dư luận trên địa bàn cho rằng có một số cán bộ, nguyên cán bộ đứng sau cá nhân Phùng Văn Bảy, chi tiền cho đối tượng này thuê người phá rừng, đồng thời tiến hành trồng rừng keo trên khu vực rừng phòng hộ bị phá. Tuy nhiên, đại tá Nguyễn Đức Dũng, Phó Giám đốc, Thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Nam cho rằng, những thông tin trên là do dư luận đưa ra, lãnh đạo công an tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo kiểm tra lại toàn bộ các vụ việc để có hướng xử lý rốt ráo trên tinh thần là nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý kiên quyết. Vì đang trong quá trình điều tra nên chưa thể thông tin cụ thể trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân.
Liên quan đến vụ phá rừng tại Tiên Lãnh, tỉnh Quảng Nam, đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra công an huyện Tiên Phước đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam 3 tháng đối với ông Phùng Văn Bảy (sinh năm 1978, trú xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước) về hành vi “hủy hoại rừng”.