Năm 2016, nhiều Khu bảo tồn biển mới cùng nhiều thay đổi chính sách chống các hoạt động đánh bắt cá trái phép đã mang lại niềm hy vọng mới. Dưới đây là 10 câu chuyện đại dương tiêu biểu trong năm 2016, có ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe và an ninh đại dương toàn cầu.
1. Rạn San hô Great Barrier vẫn tồn tại nhưng bị tổn thương nặng nề
Trong năm qua, rạn san hô Great Barrier được cho là đã chết song vẫn tồn tại mặc dù bị tổn thương rất nghiêm trọng sau sự kiện tẩy trắng tồi tệ nhất từng được ghi nhận trên thế giới. Đây là sự tiếp nối của thảm họa tẩy trắng trên quy mô toàn cầu bắt đầu vào năm 2015.
Ước tính, khoảng 67% rạn san hô phía Bắc Great Barriers đã chết. Nguyên nhân của hiện tượng này là do nhiệt độ tăng kỷ lục, phá vỡ mối quan hệ hỗ sinh giữa san hô và các loại tảo sống trong mô của chúng. Tảo nhuộm các màu sắc khác nhau cho san hô và mang lại cho san hô nguồn năng lượng từ quang hợp. Năm 2016 là một ví dụ không may khi những tin tức thật sự về các dải san hô cũng gần đáng sợ như những tin bịa đặt.
2. Hiệp ước mới ngăn nạn đánh bắt cá bất hợp pháp
Giá trị thương mại hàng năm của các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp ước tính khoảng 23,5 tỷ USD, tương đương 20% tổng giá trị thương mại hải sản toàn cầu. Trong tháng 6 năm 2016, thế giới đã có một bước tiến lớn trong nỗ lực giảm đánh bắt cá trái phép thông qua Hiệp định về các biện pháp dành cho các quốc gia hải cảng (Port State Measures Agreement). Hiệp định này yêu cầu các tàu thuyền đánh bắt cá thông báo khi cập cảng và cho phép cơ quan nhà nước được quyền kiểm tra. Những tàu cá bị nghi ngờ hoạt động bất hợp pháp có thể bị chặn vào cảng tiếp nhiên liệu hoặc bốc dỡ hải sản vi phạm. Cảng biển ở các bang cũng được yêu cầu chia sẻ thông tin về các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp. Nhìn chung, những biện pháp mới này sẽ giúp việc hạn chế tình trạng đánh bắt cá bất hợp pháp trở nên dễ dàng hơn trong những năm tới.
3. Chuyến du thuyền sang trọng đến Hành lang Tây Bắc
Năm 1850, Commander Robert McClure cùng đoàn thám hiểm bị mắc kẹt giữa những tảng băng trong suốt ba năm khi đi tìm Hành lang Tây Bắc, tuyến đường thương mại mới kết nối Châu Âu và Châu Á. 150 năm sau, mọi thứ đều đã thay đổi. Năm 2007, vệ tinh viễn thám lần đầu tiên ghi nhận những tuyến đường băng phía Tây Bắc tan chảy do biến đổi khí hậu. Năm 2016, Crystal Serenity đã trở thành tàu du lịch chở khách đầu tiên tới Hành lang Tây Bắc, mang theo 1.000 hành khách từ Anchorage đến thành phố New York chỉ trong thời gian 32 ngày. Hành trình của Crystal Serenity là biểu tượng cho toàn bộ các hoạt động thương mại từng được xem như bất khả thi trong quá khứ. Vì vậy, quản lý chặt chẽ các doanh nghiệp mới nổi lên tại vùng Bắc Cực sẽ quyết định tương lai của hệ sinh thái mong manh và xa xôi này.
4. Năm 2017 sẽ đặt dấu mốc đầu tiên cho hoạt động khai khoáng dưới biển sâu?
Khai khoáng dưới đại dương có thể sẽ không còn là môn khoa học viễn tưởng. Nhật Bản lên kế hoạch trong năm 2017 bắt đầu thí điểm khai thác kẽm, bạc và các loại khoáng sản khác tại Izena Hole, cách 100km về phía Tây Bắc đảo Okinawa.
Công ty Nautilus Minerals (Canada) cũng có kế hoạch khởi động một dự án khai thác đáy biển tại Papua New Guinea. Trong khi đó, các hoạt động thăm dò khoáng sản hiện đã đang được tiến hành ở Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Thông tin chính xác về thời gian và địa điểm thăm dò vừa mới được chia sẻ công khai lần đầu tiên trong năm 2016.
5. Những bước tiến mới trong hoạt động bảo tồn tại Nam Cực
Tháng 10 năm ngoái, Ủy ban Bảo tồn Sinh thái biển Nam Cực (CCAMLR) đã bảo vệ được 1,55 triệu km2 diện tích biển Ross thuộc Nam Cực. Khu bảo tồn biển Ross có ý nghĩa quan trọng đối với các đại dương, vừa là khu bảo tồn đầu tiên tại Nam Cực – khu vực đa dạng sinh học được coi là ranh giới hoang dã cuối cùng của Đại dương, vừa là khu vực biển đầu tiên được nhiều quốc gia cùng liên kết bảo vệ, mặc dù nằm ngoài ranh giới lãnh hải. Dựa trên sáng kiến bảo tồn này, Liên Hợp Quốc hiện đang thảo luận về khả năng thành lập các khu bảo tồn biển trên các lãnh hải quốc tế khác. Đây là một bước tiến quan trọng bởi các vùng biển quốc tế chiếm tới 60% diện tích toàn đại dương.
6. Cá mập là động vật có xương sống có vòng đời dài nhất hành tinh
Sử dụng mô mắt và phương pháp carbon phóng xạ, các nhà khoa học năm vừa qua đã tìm ra loài động vật có xương sống lâu đời nhất trên trái đất: một con cá mập Greenland cái có chiều dài khoảng 1,5 mét. Mặc dù ước tính tối thiểu 272 năm tuổi, các nhà khoa học tin rằng con cá mập này có thể đã gần 400 năm tuổi.
Cá mập Greenland đang dẫn đầu các loài động vật có xương sống có vòng đời dài nhất, bao gồm cá voi đầu cong và rùa khổng lồ Aldabra. Những phát hiện như vậy cho thấy còn nhiều điều bí ẩn đang chờ được khám phá dưới đại dương, đồng thời giúp trình diễn tiềm năng của những kĩ thuật mới giúp đẩy nhanh hành trình khám phá đại dương.
7. Dữ liệu lớn về đánh bắt cá
Với hơn 37 tỷ điểm dữ liệu, Global Fishing Watch ra mắt vào tháng 9 năm 2016 sẽ cho phép mọi cá nhân trên toàn cầu theo dõi hoạt động đánh bắt cá trên khắp các đại dương. Trước đó, các chính phủ kiểm soát độc quyền khả năng theo dõi hoạt động đánh bắt cá. Các công cụ mới như Global Fishing Watch đã mang đến làn sóng mới cho quá trình thúc đẩy dân chủ hóa dữ liệu về biển. Dữ liệu mở về đại dương sẽ cho phép các tổ chức bảo tồn, các nhà khoa học và các nhà hoạch định chính sách xây dựng những kế hoạch quản lý đại dương thông minh, có ảnh hưởng mạnh mẽ hơn.
8. Thành lập Khu bảo tồn biển lớn nhất thế giới
Tháng 8 năm 2016, tổng thống Mỹ Barack Obama đã mở rộng Khu bảo tồn biển lớn nhất thế giới Papahānaumokuākea tại Hawaii. Với diện tích hơn 1,5 triệu km2, khu bảo tồn sẽ là nơi sinh sống an toàn cho các loài hải cẩu, rùa biển, cá mập và nhiều loài động vật hoang dã đang bị đe dọa khác. Vài tháng sau đó, Khu bảo tồn biển Ross cũng đã được thành lập với diện tích tổng thể lớn hơn Papahānaumokuākea, nhưng diện tích khu vực cấm khai thác có phần nhỏ hơn. Cùng lúc đó, Mexico cũng cam kết sẽ bảo vệ 650.000 km2 lãnh hải.
Hơn 3,6 triệu km2 diện tích biển trên toàn cầu đã được bảo vệ trong năm 2016, tương đương 5% diện tích các đại dương. Mặc dù đây thật sự là một bước tiến ấn tượng, con số này mới chỉ đạt tới một nửa diện tích được kêu gọi bởi Công ước về Đa dạng sinh học. Vẫn còn nhiều diện tích khác cần được bảo vệ để có thể đảm bảo sức khỏe mạnh của đại dương.
9. Phát hiện bạch tuộc ở… bãi đậu xe
Tháng 11 năm 2016, một con bạch tuộc được phát hiện trong một bãi đậu xe của khu căn hộ hạng sang ven biển, một môi trường sống không bình thường của loài sinh vật biển này. Theo báo cáo địa phương, những trận lũ cùng thủy triều dâng cao bất thường đã mang những con bạch tuộc đến bãi đậu xe qua các đường ống thoát nước.
Dự báo về mực nước biển dâng cho thấy đây có thể mới chỉ là sự khởi đầu. Biến đổi khí hậu đang mở rộng các vùng biển và băng tan càng làm tăng lưu lượng nước trong các đại dương. Dự kiến, mực nước biển sẽ dâng lên 0,61m vào cuối thế kỉ này. Đáng lo ngại hơn so với việc phát hiện động vật hoang dã trong bãi đậu xe sẽ là hàng nghìn tỷ USD thiệt hại mà các cộng đồng ven biển sẽ phải hứng chịu nếu như biến đổi khí hậu không được kiểm soát.
10. Biến đổi khí hậu: chắc chắn và chưa chắc chắn
2016 là năm đầu tiên ghi nhận những tiến bộ chưa từng có trong nỗ lực làm chậm lại quá trình biến đổi khí hậu. Trung Quốc nổi lên với những chính sách mới đối mặt với vấn đề khí hậu. Chính quyền Obama đã ban hành Kế hoạch Năng lượng sạch và nhiều chính sách mới nhằm cắt giảm phát thải metan. Tổng thống Obama thậm chí còn lặn xuống một bãi san hô để nhấn mạnh những thay đổi mà biến đổi khí hậu gây ra cho các hệ sinh thái biển. Và điểm nhấn chính của năm 2016 là Hiệp định Paris, có hiệu lực từ ngày 4/11/2016.
Thế nhưng, nước Mỹ đã có một vị tổng thống mới, người có thể sẽ đưa Mỹ ra khỏi Hiệp định Paris chỉ trong vòng một năm, gây ảnh hưởng đáng kể đến những nỗ lực các tổ chức quốc tế nhằm hạn chế biến đổi khí hậu. Trong năm 2017, chính phủ Mỹ có thể ra những quyết định quan trọng nhất đối với sự phồn vinh của các đại dương.