BVR&MT – Ngày 13/9, thông tin từ UBND thành phố Đà Lạt cho biết: Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 14 (AMME 14) đang diễn ra chính thức tại Brunei Darussalam, trong đó có nội dung trao hết sức quan trọng là trao Giải thưởng thành phố bền vững về môi trường ASEAN (ESC) lần thứ 4 cho thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Việt Nam.
Đây là niềm vinh dự cho Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung trong quá trình phấn đấu để trở thành thành phố duy nhất của Việt Nam đáp ứng được các tiêu chí về các chỉ số đô thị sạch: không khí, nước và đất. Giải thưởng nhằm tôn vinh và quảng bá hình ảnh các thành phố tiêu biểu về chất lượng môi trường, đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường bền vững. Dịp này, ngoài Đà Lạt, Việt Nam còn có thành phố Cần Thơ cũng được trao Chứng chỉ thành phố bền vững về môi trường tiềm năng.
Thành phố Đà Lạt hiện có tổng diện tích gần 40.000 ha; trong đó đất nông nghiệp gần 33.000 ha (gồm đất rừng phòng hộ hơn 16.000 ha, đất rừng đặc dụng gần 400 ha, đất rừng sản xuất hơn 4.000 ha, còn lại đất trồng cây hàng năm và lâu năm…); đất phi nông nghiệp gần 6.700 ha… Đáng chú ý là Đà Lạt giành một diện tích đất sử dụng bãi thải và xử lý chất thải 12,55ha; đất nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ và nhà hỏa táng là 145,20 ha (số liệu sử dụng đất vào năm 2015). Thành phố Đà Lạt ngoài có khá nhiều hồ có diện tích mặt nước lớn trong nội ô như hồ Tuyền Lâm, hồ Xuân Hương, hồ Chiến Thắng, hồ Than Thở,…còn có tổng diện tích đất sông, ngòi, kênh, rạch và suối lên đến 190,00 ha (năm 2015) và điều chỉnh lên 192,27 (năm 2020)…
Với định hướng quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 704/QĐ-TTg ngày 12/5/2014, thành phố Đà Lạt đang tích cực triển khai thực hiện Quyết định 704 của Thủ tướng Chính phủ gồm có 05 đồ án quy hoạch chung đô thị và 03 quy hoạch chung khu du lịch, 03 quy hoạch chung khu chức năng đặc thù…
Tháng 9/2017, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt Đề án quan trọng, đó là Đề án xây dựng mô hình thí điểm “Làng đô thị xanh” (Green Village) tại địa bàn thôn Đa Thọ, xã Xuân Thọ. Đề án có quy mô phạm vi quy hoạch trực tiếp là 180ha (trong đó quy hoạch chi tiết khu dân cư tập trung có quy mô khoảng 54ha) và phạm vi nghiên cứu quy hoạch là 40 ha. Mô hình thí điểm ”Làng đô thị xanh” ở Đà Lạt là mô hình đầu tiên ở Việt Nam, với mục tiêu chung là phát triển bền vững và tăng trưởng xanh.
Theo kế hoạch, ngoài Hội nghị AMME 14 còn có Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN+3 lần thứ 15 (EMM 15); Lễ trao giải thưởng ESC còn có Lễ Công bố Báo cáo Hiện trạng môi trường ASEAN lần thứ 5 (SOER5), diễn ra từ ngày 11-14/9.
Bài, ảnh: CTV Tĩnh Xuyên