BVR&MT – ‘Tó tàu’ là món được chế biến từ nhộng ong đất của đồng bào Thái. Tại huyện Con Cuông, Nghệ An món ăn này được người dân ưa chuộng và vùng đất này có lượng lớn ong đất làm tổ.
Có 3 loại nhộng ong thường được chế biến ‘tó tàu’ gồm: ong vò vẽ, ong đất và ong mật. Tuy nhiên đồng bào Thái Con Cuông vẫn lựa chọn ong đất chế biến món “tó tàu”.
Ong đất thường làm tổ nhiều nhất từ tháng 6 đến tháng 9 dương lịch trong năm, ong làm tổ hai nơi: đào đất làm tổ và làm tổ trên cây ở vùng trồng nhiều keo, nhiều mét. Tại huyện Con Cuông, những xã như: Bình Chuẩn, Đôn Phục, Cam Lâm, Mậu Đức, Thạch Ngàn, Bồng Khê, Châu Khê… có nhiều ong đất.
Anh Vi Văn Quang ở bản Thanh Bình, xã Thạch Ngàn cho biết: “Tôi thường cùng thanh niên trong bản đi lấy nhộng ong, ban ngày phát hiện được tổ ong đất chưa thể lấy ngay được, mà đợi đến đêm, để tránh bị ong đốt.
Một tổ ong thường có 2 cửa (cửa chính và cửa phụ), khi lấy tổ phải xác định được hai cửa đó, tiếp đến lửa cháy to, hun khói vào tổ xua đàn ong bay đi. Có những tổ ong lớn có 5 tầng tương đương với 3 kg nhộng ong. Nhộng ong cũng đã được bán tại chợ của một số làng bản với giá từ 60.000-100.000 đồng/kg”.
Cách chế biến ‘tó tàu’ cũng rất kỳ công: Sau khi đưa tổ về, phải hơ trên lửa để nhộng ong săn lại cho dễ lấy, nhộng sau đó được đem nhúng vào nước sôi cho dai, nếu rửa nước lạnh sẽ bị nhão.
Nhộng ong mềm rất dễ tan nên dùng đũa khuấy nhẹ, chỉnh lửa vừa. Chừng mươi phút sau, chảo nhộng ong bốc khói, thơm nức cả mũi, thì nhanh tay đảo đều.
Để có được món nhộng xào như ý muốn thì không thể thiếu lá chanh thái chỉ, một ít rau thơm, vài lát ớt rừng, hay như xào với măng chua, làm nộm. Món ngon đúng kiểu phải không bị nát, nhộng giữ được hình thù ban đầu; giữ nguyên hương thơm và vị béo ngậy. Món này có thể ăn với cơm hay xúc bánh tráng nướng.