BVR&MT – Từ các kết quả giám sát, Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) khẳng định đã kiểm soát được việc sử dụng chất cấm Salbutamol trong chăn nuôi, tồn dư thuốc kháng sinh trong thịt, thủy sản trong 8 tháng liên tục.
Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho biết từ đầu năm 2017 đến nay Cục đã tổ chức giám sát an toàn thực phẩm (ATTP) các sản phẩm rủi ro cao tiêu thụ trong cả nước.
Kết quả giám sát cho thấy, trong 8 tháng liên tục cơ quan này không phát hiện mẫu vi phạm chất cấm Salbutamol trong 3.588 mẫu nước tiểu, 707 mẫu thịt tại các cơ sở giết mổ.
Tỷ lệ mẫu thịt vi phạm chỉ tiêu vi sinh vượt mức giới hạn cho phép được phát hiện là 1.571/5.707 mẫu vi phạm (chiếm 27,5%), giảm so với năm 2016 là 28,4%.
Tỷ lệ mẫu thủy sản nuôi vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cấm và vượt giới hạn cho phép là 12/1.847 mẫu (chiếm 0,65%), giảm so với năm 2016 (30/2.788 mẫu, chiếm 1,07%).
Cơ quan này cũng đã lấy 341 mẫu thanh long, xoài, vải và phát hiện 1 mẫu/218 mẫu vải (chiếm 0,46%) có hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật (Cypermethrin) vượt mức qui định MRLs, nhưng không phát hiện mẫu thanh long, xoài nào có dư lượng vượt mức tối đa cho phép.
Trong 8 tháng đầu năm, Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản cũng đã kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất 138 cơ sở, phát hiện và xử phạt 30 cơ sở vi phạm về chất lượng, ATTP với tổng số tiền xử phạt 895 triệu đồng.
Đặc biệt, trước tình hình bơm tạp chất vào tôm tại một số cơ sở sản xuất kinh doanh, Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Thanh tra Bộ NN&PTNT đã phối hợp tích cực với Bộ Công an (A86, C49) tiến hành thanh tra đột xuất về sản xuất, kinh doanh tôm bơm tạp chất tại 11 cơ sở thu gom và chế biến tôm tại các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang và Bạc Liêu và phát hiện 3 cơ sở có tôm bơm tạp chất.
Đoàn thanh tra đã lập biên bản tạm giữ, chuyển hồ sơ cho Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu xử phạt vi phạm hành chính 200 triệu đồng. Bên cạnh đó, đã thanh tra đột xuất và xử phạt tiền 30 triệu của 1 hộ kinh doanh tôm tại Hà Nội có hành vi kinh doanh 80 kg tôm nguyên liệu có tạp chất. Các tỉnh, thành phố đã kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất 10.301 cơ sở, phát hiện 1.107 cơ sở vi phạm và xử phạt với tổng số tiền 2,4 tỷ đồng.
Từ các kết quả giám sát, Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản khẳng định đã từng bước kiểm soát được việc sử dụng chất cấm Salbutamol trong chăn nuôi, tồn dư thuốc kháng sinh trong thịt, thủy sản đã giảm.
Được biết, trong thời gian tới các cơ quan thuộc Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục tăng cường kiểm soát thuốc thú y, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.