BVR&MT – Rất nhiều hoạt động ý nghĩa đã diễn ra tại ngôi chùa Phúc Đức thiền tự (huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) nhằm hướng đến Đại lễ Vu Lan báo hiếu.
Hàng năm, cứ đến Rằm tháng Bảy âm lịch, các chùa cả nước lại sắm sửa những mâm lễ cho ngày lễ Vu Lan (lễ báo hiếu) mà dân gian thường hay gọi ngày lễ Xá tội vong nhân (hay còn gọi là cúng cô hồn, “mở cửa địa ngục”). Lễ Vu lan được coi là một ngày lễ lớn của Phật giáo, được đông đảo nhân dân, phật tử khắp cả nước hướng về, nhằm tôn vinh đạo hiếu trong truyền thống đạo đức.
Hòa trong không khí đầy tính đạo vị đó, tại ngôi chùa Phúc Đức, Xã Vĩnh Chân, Hạ Hòa – Phú Thọ đã diễn ra rất nhiều hoạt động ý nghĩa.
Với ý nghĩa tốt đẹp, đại lễ nhằm tôn vinh công đức sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, là dịp để con cái bày tỏ tình cảm, thể hiện đạo hiếu của người con đối với cha mẹ được coi như hai vị phật sống trong nhà. Là dịp để tỏ lòng tri ân và báo ân của những người con có hiếu đối với các bậc sinh thành, dưỡng dục của mình; nhắc nhở con cái về đức sinh thành, dưỡng dục của cha và mẹ và tình yêu thương dành cho con là vô bờ bến…
Lễ Vu Lan cũng là Lễ bông hồng cài áo, để người con tưởng nhớ đến cha mẹ. Hoa hồng đỏ thắm được cài lên áo những ai còn đủ cha, mẹ là một điều may mắn hạnh phúc, hãy yêu thương khi cha mẹ vẫn còn. Hoa hồng nhạt được cài lên áo cho những ai mất cha hoặc mất mẹ, hạnh phúc đã mất đi 1 nửa. Hoa hồng màu trắng được cài lên áo cho những ai bất hạnh hơn vì đã mất cha, mất mẹ. Hoa hồng là biểu tượng của tình yêu thương cho nên dù hoa hồng màu nào đi nữa cũng là để nhắc nhở con cái về tình yêu thương ân đức sinh thành của cha mẹ…
Theo trụ trì chùa Phúc Đức, đại đức Thích Tuệ Đăng cho biết: Năm nay, nhà chùa tổ chức đại lễ với một số điểm mới, ngoài các nghi lễ truyền thống, nhà chùa còn kết hợp với các tổ chức thiện nguyện, khuyên góp, ủng hộ những gia đình còn gặp khó khăn, các cụ già neo đơn và các hộ gia đình có công với cách mạng trên địa bàn xã Vĩnh Chân và các xã lân cận, tổ chức trao tặng những phần quà vật chất và tinh thần cho con em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập trên địa bàn, qua đó khuyến khích, động viên các em cố gắng vươn lên trong học tập, trong cuộc sống, từ đó giúp ích cho cộng đồng, xã hội…
Theo đại đức Thích Tuệ Đăng, cách báo hiếu không phải là gì đó xa vời với mỗi cá nhân, mà đơn giản chỉ là những tình cảm chân thành của mỗi bậc làm con thành kính đối với các đấng sinh thành đã sinh ra mình. Chỉ là việc lo cho cha mẹ được ăn, uống, ngủ, nghỉ, thành kính, lễ phép…những việc làm tưởng chừng như đơn giản nhưng lại bao hàm giá trị nhân văn cao quý mà nhiều người con trong cuộc sống thường nhật đã “vô tình” bỏ quên đối với những người đã dứt ruột sinh dưỡng ra bản thân mình.
“Báo hiếu bậc trung là làm hài lòng, mãn ý, thỏa được mong ước của cha mẹ về con. Báo hiếu bậc thượng là hướng cho cha mẹ đi theo đường lành, quy y tam bảo, giữ gìn ngũ giới, để đời này và đời sau được an vui cho cha mẹ…” đại đức Thích Tuệ Đăng chia sẻ.
Là một trong những truyền thống tôn giáo tốt đẹp, trải qua hàng nghìn năm lịch sử, Phật giáo đã luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, cùng vận động trong dòng chảy của lịch sử văn hóa dân tộc, văn hóa Phật giáo đã hoàn quyện với văn hóa bản địa. Là động lực thúc đẩy sự giao lưu, tiếp biến văn hóa, tạo ra những giá trị nhân văn, góp phần giáo dục mỗi người chúng ta về tinh thần từ bi hỷ xả, sống lành mạnh, tốt đời ,đẹp đạo, hướng tới Chân – Thiện – Mỹ.
Lễ Vu Lan báo hiếu giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn, biết tri ân tổ tiên, ông bà cha mẹ, cầu cho quốc thái dân an, nhân dân ấm no, hạnh phúc, thái bình, thịnh vượng…Hơn nữa là bảo vệ những giá trị văn hóa tốt đẹp của đời sống xã hội, bảo vệ truyền thống văn hóa của Việt Nam nói chung và của Phật giáo nói riêng.
Sơn Vĩ – Đặng Tiến