Trang ChủĐời sốngKhởi sắc Nà Nhạn – vùng cửa ngõ lòng chảo Mường Thanh
Khởi sắc Nà Nhạn – vùng cửa ngõ lòng chảo Mường Thanh
BVR&MT – Trải qua hơn 6 thập kỷ, vùng căn cứ địa cách mạng Nà Nhạn đã thay ra đổi thịt, bản làng đã khởi sắc, ấm no; kinh tế – văn hóa, xã hội… đạt những thành quả rất quan trọng.
Là xã vùng ngoài của lòng chảo Mường Thanh, Nà Nhạn (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) là vùng cửa ngõ của thành phố Điện Biên Phủ, nơi đây có Di tích đường kéo pháo và trận địa pháo của quân đội ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử năm 1954, nằm sát quốc lộ 279, thuộc địa phận bản Nà Nhạn 1.
Di tích đường kéo pháo và trận địa pháo là cụm di tích thuộc Quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ – một di sản quân sự tiêu biểu của cả nước (là một trong 10 di tích được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đợt 1 theo Quyết định số 1272/QĐ-TTg ngày 12/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ). Điểm bắt đầu của đường kéo pháo cách ngã ba lối rẽ đi Mường Phăng gần 1km.
Điểm cuối cùng của di tích đường kéo pháo được tôn tạo là nơi Anh hùng Tô Vĩnh Diện hy sinh. Điểm nhấn của toàn bộ tuyến đường kéo pháo là cụm tượng đài dài 24m, rộng 8m, cao 12,5 m, nặng 1.200 tấn, mô phỏng lại cảnh Trung đội pháo binh của Anh hùng Tô Vĩnh Diện đang kéo pháo bằng tay vào trận địa pháo phía Bắc chiến trường Điện Biên Phủ năm 1954.
Cả 29 nhân vật trong cụm tượng (gồm 21 nhân vật bán thân, 8 nhân vật toàn thân) được mô tả cân đối, hài hoà; khuôn mặt, dáng vẻ mỗi người một khác nhưng tư thế và ý chí đều thể hiện sự tập trung dồn tâm, dồn sức để kéo, chèn, quan trắc, đảm bảo cho khẩu pháo nặng hàng tấn vượt qua con dốc trơn, trượt an toàn. Trên đầu của trung đội là khoảng trời, với những tán cây rừng nổi bật trên những áng mây. Những khối hình được tạc bằng đá xanh Thanh Hóa, nhưng chân thực, nhẹ nhàng và thanh thoát.
Toàn bộ cụm tượng đặt theo thế tựa sơn, hướng thuỷ (dựa lưng vào triền đồi Bó Hôm, soi bóng xuống suối) tạo thế vững chắc, trường tồn. Điều đặc biệt, Cụm tượng được đặt chính trên con đường cách đây 63 năm, một trong những đơn vị pháo binh đầu tiên của quân đội ta, trong đó có Trung đội pháo 105 ly của Anh hùng liệt sỹ Tô Vĩnh Diện đã kéo pháo vào trận địa pháo phía Bắc của chiến trường Điện Biên Phủ. Cũng tại nơi đây, Tô Vĩnh Diện đã lấy thân mình chèn bánh cứu pháo và anh dũng hy sinh (ngày 01/2/1954 – trong lần kéo pháo ra) khi lấy thân chèn pháo, cứu không để pháo bị rơi xuống vực tại dốc Chuối.
Ngày nay, khi đi từ Tuần Giáo vào lòng chảo Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ và ngược lại, từ quốc lộ 279, mọi người đều quan sát được toàn bộ cụm tượng đài phía chính diện. Không chỉ mang vẻ đẹp, sự hoành tráng, cụm tượng đài còn chứa đựng sự gian khổ và ý chí, lòng quyết tâm chiến đấu và chiến thắng của những người lính trong trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ năm xưa.
Ông Quàng Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên cho biết: Xã Nà Nhạn nằm cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ 25km. Dân số toàn xã hiện có gần 1.050 hộ với gần 5.200 người, trong đó tỷ lệ dân tộc Mông chiếm hơn 70%, dân tộc Thái chiếm 28%. Lợi thế của địa phương là có quốc lộ 279 chạy qua. Đặc biệt, với Di tích đường kéo pháo và trận địa pháo, nơi thể hiện ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa đã tiếp thêm động lực, niềm tin để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn đã đoàn kết, chung tay xây dựng quê hương.
Trở lại Nà Nhạn, so với những năm trước, bản làng nay đã có sự đổi thay, ấm no hơn. Những cái tên như Pá Khôm, Nà Nọi, Tẩu Pung, Nà Pen, Huổi Hẹ, Nà Ngám, Huổi Chổn… đã khoác lên mình một sự đổi thay, sắc diện rõ rệt.
Tẩu Pung và Nà Pen 1, Nà Pen 2 là các bản thuộc 9 bản vùng cao của xã Nà Nhạn. Tại đây, nhiều năm qua, người dân tộc Thái, Mông đã thay đổi tư duy sản xuất, bỏ vốn đầu tư, vươn lên thoát nghèo, làm giàu với nghề nuôi cá thương phẩm như cá trắm, mè, trôi, rô phi đơn tính. Người dân đã tận dụng nguồn nước mặt của những hố trũng; ngăn dòng khe, suối, chia nhau diện tích để nuôi cá.
Đến nay, diện tích ao, hồ ở các bản này đã có lên đến gần 20 ha trong tổng diện tích nước mặt 37ha của toàn xã; năng suất khai thác cá ở các bản này đạt từ 1,4 – 1,6 tấn/ha, sản lượng đạt trên 10 tấn/năm/bản. Từ mô hình nuôi các, nhiều hộ dân thu lãi từ 60 triệu đồng đến 100 triệu đồng/năm.
Còn tại 14 bản vùng thấp, phát huy thế mạnh nằm sát, hoặc gần trục đường quốc lộ 279, nhiều bản đã phát triển kinh tế dịch vụ, sản xuất hàng hóa. Đặc biệt là trồng lúa nước, ngô, lạc, sắn, cây ăn quả, rau xanh, rong riềng và chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Đến nay, kinh tế Nà Nhạn có khoảng 230 ha lúa mùa, 200 ha lúa nương, 200 ha rong riêng; gần 6.000 gia súc, hơn 31.000 con gia cầm các loại. Mạng lưới giao thông liên thôn, bản đấu nối với trục đường quốc lộ 279 được duy trì và đáp ứng phục vụ việc đi lại, thông thương hàng hóa của người dân.
Trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế xã Nà Nhạn cũng có nhiều khởi sắc: Năm 2017 có 500/1048 hộ đạt gia đình văn hóa; toàn xã có 5 trường thuộc các cấp Mầm non, Tiểu học, THCS đạt chuẩn quốc gia mức độ I; Y tế luôn chủ động, bám sát cơ sở để chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đăc biệt là việc thực hiện tốt các chính sách liên quan đến trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa; cấp thẻ bảo hiểm xã hội cho hơn 4.100/5.180 người.
Theo ông Quảng Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2017-2020, xã Nà Nhạn đã được 7/19 tiêu chí. Đến cuối năm nay, xã phấn đấu đạt thêm 4 tiêu chí mới nữa.
Đến Nà Nhạn hôm nay, du khách dễ dàng bắt gặp bạt ngàn những diện tích rong riềng tốt tươi nằm hai bên đường quốc lộ 279; trên nhiều đoạn tuyến của quốc lộ 279 huyết mạch nhiều làng bản sầm uất được dựng xây; trên các ngả đường về bản là tiếng xe máy thồ hàng, chở nông sản ngược xuôi; nhiều tốp học sinh nhộp nhịp trên đường tới lớp; ở các bản vùng cao, những nếp nhà sàn, nhà gỗ trệt quần tụ như những chiếc bát úp… Tất cả như minh chứng một điều, Nà Nhạn đã và đang từng ngày đổi thay.