Trần Văn Tiến 1* , Nông Hoàng Anh 1 (Học viện Hành chính và Quản trị công)
Some solutions to strengthen state management in implementing the Net Zero commitment in Vietnam today.
Tran Van Tien 1* , Nong Hoang Anh 1
1 Academy of Public Administration and Governance
*Corresponding author: tientv@napa.vn
TÓM TẮT:
Mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) đang trở thành xu hướng toàn cầu, thể hiện qua cam kết của các quốc gia tại các hội nghị về biến đổi khí hậu. Tại COP27 (2022), Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) đã ban hành hướng dẫn toàn cầu nhằm đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0. Việt Nam, với cam kết Net Zero vào năm 2050 tại COP26 (2021), đã triển khai nhiều biện pháp như tham gia thực hiện UNFCCC và Nghị định thư Kyoto, xây dựng chính sách thúc đẩy tăng trưởng xanh và thực hiện các chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu. Trước áp lực từ các tiêu chuẩn môi trường ngày càng nghiêm ngặt, Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh quá trình chuyển đổi xanh. Để nâng cao hiệu quả
quản lý nhà nước trong thực hiện cam kết Net Zero, các giải pháp cần tập trung vào: (1) tuyên truyền nâng cao nhận thức; (2) triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính; (3) hoàn thiện khung pháp lý, thúc đẩy hợp tác công – tư; (4) xây dựng cơ chế quản lý hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải phù hợp với điều kiện quốc gia.
TỪ KHÓA: Net Zero, quản lý nhà nước, phát thải ròng, Việt Nam.
ABSTRACT:
The net-zero emissions target has become a global trend, as reflected in national commitments at climate change conferences. At COP27 (2022), the International Organization for Standardization (ISO) issued global guidelines aimed at achieving net-zero carbon emissions. Vietnam, having pledged to reach Net Zero by 2050 at COP26 (2021), has implemented various measures such as participation in the UNFCCC and the Kyoto Protocol, formulating policies to promote green growth, and executing national strategies on climate change.
Facing increasing pressure from stricter environmental standards, both the Vietnamese government and enterprises must accelerate the green transition. To enhance the effectiveness of state management in fulfilling the Net Zero commitment, solutions should focus on: (1) raising public awareness; (2) implementing greenhouse gas emission reduction measures; (3) improving the legal framework and promoting public-private partnerships; and (4) establishing a management mechanism for an emissions trading system that aligns with national conditions.
KEYWORDS: Net Zero, state management, net emissions, Vietnam.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng nghiêm trọng và là thách thức mang tính toàn cầu, mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) đã trở thành định hướng chiến lược tại nhiều quốc gia. Cam kết Net Zero không chỉ là yêu cầu nội tại của quá trình phát triển bền vững mà còn là điều kiện tiên quyết trong quan hệ hợp tác quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, đầu tư và công nghệ xanh. Tại Hội nghị COP26 diễn ra vào năm 2021, Việt Nam đã chính thức tuyên bố cam kết đạt được mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 – một cam kết thể hiện trách nhiệm quốc gia đối với cộng đồng quốc tế, đồng thời mở ra yêu cầu cấp bách đối với hệ thống quản lý nhà nước trong việc hoạch định chính sách và tổ chức thực thi các giải pháp giảm phát thải.
Sau khi đưa ra cam kết, Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách và chiến lược quan trọng như: Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Quy hoạch phát triển điện VIII, cùng các quy định hướng dẫn thực hiện cơ chế phát triển sạch (CDM), cơ chế giao dịch tín chỉ các-bon và lộ trình phát triển thị trường các-bon trong nước. Tuy nhiên, quá trình thực thi còn gặp nhiều khó khăn như: nhận thức xã hội chưa đồng đều, khung pháp lý chưa đồng bộ, cơ chế phối hợp giữa các bên còn hạn chế, và đặc biệt là thiếu các mô hình hiệu quả về huy động nguồn lực xã hội và hợp tác công – tư (PPP) cho quá trình chuyển đổi xanh.
Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu và đề xuất các giải pháp quản lý nhà nước nhằm hiện thực hóa cam kết Net Zero có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cả về mặt lý luận lẫn thực tiễn. Nghiên cứu này nhằm phân tích thực trạng chính sách, pháp luật và hoạt động thực thi của Việt Nam đối với mục tiêu Net Zero; đồng thời đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tạo tiền đề cho việc hoàn thành các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính đến năm 2050.
2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Nghiên cứu được thực hiện dựa trên phương pháp phân tích tổng hợp tài liệu thứ cấp và phương pháp định tính nhằm làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn cũng như đề xuất giải pháp quản lý nhà nước đối với việc thực hiện cam kết Net Zero tại Việt Nam. Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã tiến hành:
Thu thập, tổng hợp và phân tích tài liệu thứ cấp, bao gồm các văn bản pháp luật như Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, Luật Lâm nghiệp năm 2017, Nghị định số 06/2022/NĐ-CP về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, cùng các chiến lược quốc gia như Chiến lược Tăng trưởng Xanh, Chiến lược Biến đổi Khí hậu, Quy hoạch điện VIII và các báo cáo cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố. Ngoài ra, các tài liệu quốc tế như Hướng dẫn Net Zero của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO IWA 42:2022), các khuyến nghị từ IPCC và các nội dung thảo luận tại COP26, COP27 cũng được tham khảo nhằm đối chiếu với thực tiễn Việt Nam. Phân tích chính sách theo phương pháp GAP (Gap Analysis), qua đó xác định những khoảng trống trong cơ chế pháp lý, tổ chức thực hiện, khả năng điều phối liên ngành và các rào cản trong hợp tác công tư. Sử dụng phương pháp phân tích so sánh để đối chiếu một số kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng cơ chế quản lý Net Zero tại các quốc gia đang phát triển có điều kiện tương đồng, từ đó rút ra những hàm ý chính sách phù hợp cho Việt Nam. Phương pháp tổng hợp định tính được áp dụng để xây dựng hệ thống giải pháp trên cơ sở liên kết các yếu tố pháp luật, chính sách, tổ chức bộ máy, nguồn lực và cơ chế phối hợp, đảm bảo tính khả thi và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam giai đoạn hiện nay.
3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
3.1. Thực trạng quản lý nhà nước đối với thực hiện cam kết Net Zero tại
Việt Nam hiện nay
3.1.1. Việt Nam đã triển khai các hoạt động tham gia thực hiện UNFCCC (Công ước Khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu – United Nation Framework Convention on Climate Change), Nghị định thư Kyoto Chính phủ Việt Nam chính thức tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC) thông qua việc ký kết vào ngày 11/6/1992 và hoàn tất quá trình phê chuẩn vào ngày 16/11/1994. Đồng thời, Việt Nam cũng ký kết Nghị định thư Kyoto vào ngày 03/12/1998 và phê chuẩn vào ngày 25/9/2002, thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc hợp tác với cộng đồng quốc tế để ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhằm triển khai thực hiện UNFCCC và Nghị định thư Kyoto, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quan trọng để hướng dẫn và điều phối các hoạt động liên quan. Chỉ thị số 35/2005/CT-TTg ngày 17/10/2005 đề ra các quy định về việc thực hiện Nghị định thư Kyoto trong phạm vi Công ước UNFCCC. Sau đó, Quyết định số 47/2007/QĐ-TTg ngày 06/4/2007 đã được ban hành nhằm phê duyệt Kế hoạch hành động giai đoạn 2007-2010 cho việc thực hiện Nghị định thư Kyoto. Đặc biệt, để thúc đẩy các dự án thuộc Cơ chế phát triển sạch (CDM), Chính phủ đã thông qua Quyết định số 130/2007/QĐ-TTg ngày 02/8/2007, trong đó đưa ra các chính sách và cơ chế tài chính hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, để tạo lập khung pháp lý cho các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước, cả khu vực nhà nước lẫn tư nhân trong quá trình triển khai CDM, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 10/2006/TT-BTNMT ngày 12/12/2006, hướng dẫn quy trình xây dựng dự án CDM theo yêu cầu của Nghị định thư Kyoto. Văn bản này sau đó đã được thay thế bằng Thông tư số 15/2014/TT-BTNMT ngày 24/3/2014, quy định chi tiết về việc lập hồ sơ, cấp Thư xác nhận và Thư phê duyệt cho các dự án thuộc Cơ chế phát triển sạch theo khuôn khổ của Nghị định thư Kyoto. Ngoài ra, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư liên tịch số 204/2010/TTLT-BTC-BTN&MT ngày 15/12/2010 nhằm điều chỉnh, bổ sung một số nội dung của Thông tư liên tịch số 58/2008/TTLT-BTC-BTN&MT ngày 04/7/2008 trước đó, nhằm hoàn thiện các quy định liên quan đến cơ chế tài chính và triển khai dự án giảm phát thải khí nhà kính. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành hướng dẫn chi tiết nhằm triển khai một số nội dung của Quyết định số 130/2007/QĐ-TTg ngày 02/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ, tập trung vào các chính sách và cơ chế tài chính hỗ trợ cho các dự án thuộc Cơ chế phát triển sạch (CDM). Từ năm 2012, Việt Nam đã tích cực tham gia ký kết nhiều thỏa thuận thương mại quốc tế quan trọng, bao gồm Hiệp định Đối tác Tự nguyện (VPA) trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do, cùng với Kế hoạch Hành động về Thực thi Luật Lâm nghiệp, Quản trị Rừng và Thương mại Lâm sản (FLEGT) theo sáng kiến của Liên minh Châu Âu. Những thỏa thuận này góp phần nâng cao năng lực quản lý tài nguyên rừng và thúc đẩy các chính sách thương mại bền vững. Nhờ sự triển khai hiệu quả các cơ chế liên quan, đến tháng 6/2015, Việt Nam đã có tổng cộng 254 dự án CDM được Ban Chấp hành quốc tế về Cơ chế phát triển sạch (EB) chính thức công nhận. Trong số này, các dự án năng lượng chiếm tỷ lệ lớn nhất với 87,6%, tiếp theo là các dự án xử lý chất thải (10,2%), trồng và phục hồi rừng (0,4%), trong khi các lĩnh vực khác chiếm 1,8%. Việt Nam xếp thứ tư trên thế giới về số lượng dự án CDM, với khả năng giảm phát thải ước tính khoảng 137,4 triệu tấn CO₂ tương đương trong giai đoạn tín dụng. Đồng thời, số chứng chỉ giảm phát thải do EB cấp đã vượt 12 triệu, đưa Việt Nam lên vị trí thứ 11 toàn cầu về số lượng chứng chỉ được xác nhận (tr.167, [1]). Cùng với xu hướng chung của nhiều quốc gia, Việt Nam đang nỗ lực thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Chính phủ đã công bố lộ trình thực hiện vào tháng 7/2022, trong đó xác định ba chiến lược trọng tâm: “chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu”, “cắt giảm phát thải khí nhà kính” và “tăng cường thể chế và huy động nguồn lực”. Bên cạnh đó, năm lĩnh vực ưu tiên cũng đã được xác định là trọng tâm can thiệp nhằm trực tiếp góp phần giảm phát thải khí nhà kính. Tại Hội nghị COP26 của Liên Hợp Quốc năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã chính thức tuyên bố cam kết đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Trong Quy hoạch điện VIII, Chính phủ đã đưa ra yêu cầu đối với các doanh nghiệp quy mô lớn thực hiện kiểm kê lượng khí thải nhà kính, nhằm thúc đẩy lộ trình giảm phát thải và tiến tới mục tiêu trung hòa carbon. Theo kế hoạch phát triển hệ thống điện quốc gia đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu kiểm soát lượng khí nhà kính phát thải trong khoảng 204-254 triệu tấn, với lộ trình giảm xuống còn khoảng 27-31 triệu tấn vào năm 2050. Dự báo mức phát thải sẽ đạt đỉnh không vượt quá 170 triệu tấn vào năm 2030, với điều kiện các cam kết tài trợ từ các đối tác quốc tế theo Cơ chế JETP được triển khai đầy đủ và hiệu quả. Bên cạnh đó, Việt Nam đang triển khai các chính sách nhằm khuyến khích người dân chuyển đổi sang các phương tiện giao thông có mức phát thải thấp, thân thiện với môi trường. Cụ thể, trong khoảng thời gian ba năm kể từ ngày 1/3/2022, lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô điện chạy bằng pin được miễn hoàn toàn (0%), nhằm đẩy mạnh quá trình sử dụng xe điện và góp phần cắt giảm khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông. Giai đoạn từ ngày 1/3/2025 đến 28/2/2027, mức lệ phí trước bạ đối với ô tô điện chạy bằng pin có sức chứa tối đa 9 chỗ ngồi sẽ được giảm xuống còn 50% so với mức lệ phí áp dụng cho các phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch có cùng số chỗ ngồi. Chính sách này hướng đến mục tiêu thúc đẩy việc thay thế các phương tiện truyền thống bằng xe điện, qua đó giảm tác động tiêu cực của giao thông đối với môi trường. Để thực hiện cam kết đưa ra tại Hội nghị COP26, Việt Nam sẽ không tiếp tục phê duyệt việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới sau năm 2030. Quyết định này nhằm hạn chế lượng phát thải carbon trong lĩnh vực năng lượng, đồng thời góp phần hiện thực hóa mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh cho giai đoạn 2021-2030, với tầm nhìn dài hạn đến năm 2050. Việc triển khai các chiến lược này thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc định hướng phát triển theo mô hình bền vững, đảm bảo tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. 3.1.2. Chính phủ Việt Nam xây dựng, ban hành chủ trương, chính sách, hoàn thiện tổ chức thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng xanh
3.1.2.1. Xây dựng, ban hành chủ trương, chính sách
– Xây dựng và ban hành chủ trương, chính sách về ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh Việt Nam đã từng bước xây dựng và triển khai một hệ thống chính sách và
khung pháp lý toàn diện nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý phát thải khí nhà kính và thúc đẩy tăng trưởng xanh. Những văn bản pháp luật, chiến lược và nghị quyết được ban hành không chỉ đặt nền tảng pháp lý mà còn góp phần quan trọng trong việc điều phối các hoạt động giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và phát triển bền vững. Trong đó, Quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 02/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc xác lập các mục tiêu và định hướng hành động nhằm thích ứng với các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Tiếp đó, Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 05/12/2011 phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, định hướng các giải pháp dài hạn, trung hạn và ngắn hạn để ứng phó với biến đổi khí hậu một cách hiệu quả. Đặc biệt, Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 15/9/2012 đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, nhấn mạnh tầm quan trọng của mô hình phát triển bền vững gắn với giảm phát thải khí nhà kính và sử dụng hiệu quả tài nguyên. Bên cạnh các chiến lược tổng thể, Việt Nam cũng ban hành nhiều đạo luật quan trọng để điều chỉnh các hoạt động liên quan đến môi trường và phát triển bền vững. Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14 ngày 15/11/2017 và Luật Bảo vệ Môi trường số 72/2020/QH14 ngày 17/11/2020 đã cung cấp cơ sở pháp lý quan trọng cho việc quản lý tài nguyên rừng, bảo vệ đa dạng sinh học và kiểm soát ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 quy định cụ thể về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, tạo điều kiện cho việc triển khai các cơ chế giám sát và thực hiện cam kết giảm phát thải. – Phát triển cơ chế quản lý phát thải khí nhà kính và thị trường carbon
Nhằm quản lý chặt chẽ lượng phát thải khí nhà kính và tham gia thị trường tín chỉ carbon toàn cầu, Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình và chính sách liên quan. Quyết định số 1775/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án quản lý phát thải khí nhà kính và hoạt động kinh doanh tín chỉ carbon trên thị trường thế giới, đặt nền móng cho việc hình thành thị trường carbon trong nước và thúc đẩy hợp tác quốc tế về giảm phát thải. Bên cạnh đó, Quyết định số 799/QĐ-TTg ngày 27/06/2012 đã thông qua Chương trình hành động quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính thông qua quản lý bền vững tài nguyên rừng và nâng cao trữ lượng carbon (REDD+) giai đoạn 2011 – 2020, giúp nâng cao năng lực giám sát và thực hiện các cơ chế tài chính liên quan đến bảo vệ rừng. Trong lĩnh vực lâm nghiệp, Chính phủ đã ban hành một loạt quyết định nhằm củng cố thể chế và tăng cường năng lực thực hiện chương trình REDD+. Quyết định số 39/QĐ-BNN-TCCB ngày 07/01/2011 đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện sáng kiến REDD+ tại Việt Nam, trong khi Quyết định số 1857/QĐ-TTg ngày 23/11/2017 thiết lập Văn phòng REDD+ Việt Nam để điều phối các hoạt động liên quan. Ngoài ra, Quyết định số 5337/QĐ-BNN-TCLN ngày 23/12/2015 đã phê duyệt Đề án thành lập Quỹ REDD+ Việt Nam, tạo cơ sở tài chính cho các chương trình bảo vệ và phát triển rừng bền vững. – Thúc đẩy phát triển lâm nghiệp bền vững và giảm phát thải trong lĩnh vực sử dụng đất Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển lâm nghiệp bền vững. Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 16/6/2017 đã phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 – 2020, trong đó nhấn mạnh đến việc bảo vệ, phát triển rừng và nâng cao giá trị của hệ sinh thái rừng trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Quyết định số 419/QĐ-TTg ngày 15/4/2017 tiếp tục mở rộng phạm vi của chương trình REDD+, hướng đến mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính thông qua bảo vệ và phát triển rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng và nâng cao trữ lượng carbon đến năm 2030. Bên cạnh đó, Quyết định số 594/QĐ-TTg ngày 15/4/2013 đã phê duyệt Dự án tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013 – 2016, giúp cung cấp dữ liệu chính xác về diện tích, chất lượng và trữ lượng carbon của hệ thống rừng tại Việt Nam. Đồng thời, Quyết định số 823/QĐ-BNN-TCCB ngày 08/3/2018 đã hợp nhất Ban Chỉ đạo Nhà nước về Kế hoạch Bảo vệ và Phát triển Rừng giai đoạn 2011- 2020 với Văn phòng REDD+ Việt Nam, nâng cao hiệu quả điều phối và thực hiện các chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững. – Hoàn thiện khung pháp lý và chiến lược dài hạn về lâm nghiệp Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh việc hoàn thiện hệ thống chính sách và quy hoạch ngành lâm nghiệp. Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư đã nhấn mạnh sự cần thiết của tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ việc khai thác gỗ từ rừng tự nhiên. Tiếp theo đó, Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 26/8/2016 đã phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu giai đoạn 2016 – 2020, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án phát triển bền vững trong ngành lâm nghiệp.
Gần đây nhất, Quyết định số 895/QĐ-TTg ngày 24/8/2024 đã phê duyệt Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đánh dấu bước đi quan trọng trong việc quản lý và sử dụng tài nguyên rừng một cách bền vững trong dài hạn.
3.1.2.2. Về tổ chức bộ máy thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng xanh
Dựa trên nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quốc gia về Biến đổi Khí hậu (Ủy ban Quốc gia) được quy định trong Quyết định số 43/QĐ- TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ủy ban này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ, đồng thời Chủ tịch Ủy ban Quốc gia, ban hành Quy chế làm việc của Ủy ban Quốc gia thông qua Quyết định số 25/QĐ-UBQGBĐKH ngày 20/3/2012. Đồng thời, danh sách các thành viên tham gia Ủy ban Quốc gia cũng đã được phê duyệt theo Quyết định số 26/QĐ-UBQGBĐKH cùng ngày. Theo Quy chế làm việc của Ủy ban Quốc gia, trên cơ sở chức năng và nhiệm vụ được giao cũng như yêu cầu thực tiễn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ký Quyết định số 626/QĐ-BTNMT vào ngày 04/5/2012 về việc thành lập Văn phòng Ủy ban Quốc gia nhằm hỗ trợ triển khai các hoạt động liên quan.
Nhằm đáp ứng yêu cầu công tác trong nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIII, đồng thời đảm bảo chức năng của Cơ quan thường trực thuộc Ủy ban Quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 21/2013/NĐ-CP ngày 04/3/2013. Văn bản này quy định về chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm nâng cao hiệu quả quản lý trong lĩnh vực khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu.
Trên cơ sở quy định tại Nghị định số 21/2013/NĐ-CP, chức năng, nhiệm vụ của Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu đã được rà soát và hoàn thiện. Theo đó, ngày 31/7/2013, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ký ban hành Quyết định số 1269/QĐ-BTNMT nhằm quy định lại cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu, thay thế Quyết định số 997/QĐ-BTNMT ban hành ngày 12/5/2008, nhằm tăng cường năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
3.1.3. Thực hiện các Chương trình, Chiến lược, Kế hoạch quốc gia về biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng xanh
3.1.3.1. Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH Việc triển khai từng bước Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, tăng cường năng lực thích ứng trước những tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời định hướng giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới phát triển nền kinh tế các-bon thấp. Chiến lược này cũng thể hiện sự tham gia chủ động của Việt Nam trong các nỗ lực toàn cầu nhằm bảo vệ hệ thống khí hậu của Trái Đất.
Một số mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu đã được triển khai thí điểm tại Quảng Nam và Bến Tre với sự hỗ trợ từ Chính phủ Đan Mạch, bao gồm các công trình như nhà tránh bão lũ đa chức năng, hệ thống kè kết hợp với giao thông và thủy lợi, cùng với nhà máy xử lý nước nhiễm mặn thành nước ngọt. Các dự án này đã mang lại lợi ích rõ rệt cho cộng đồng địa phương, đồng thời nhận được sự ủng hộ và đánh giá tích cực từ phía người dân.
Ngoài ra, Việt Nam đã đầu tư xây dựng 226 trạm đo mưa tự động tại các khu vực miền Trung, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. Hệ thống này góp phần đáng kể vào việc nâng cao năng lực dự báo, từng bước hoàn thiện hệ thống cảnh báo sớm về thiên tai và lũ lụt trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp (tr.170-172, [1]).
3.1.3.2. Triển khai Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP- RCC)
Trong hai chu kỳ hoạt động từ năm 2009 đến 2015, hơn 300 chính sách liên quan đến biến đổi khí hậu đã được xây dựng và thực thi, góp phần quan trọng trong việc huy động khoảng 1 tỷ USD vào ngân sách nhà nước nhằm phục vụ các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chương trình đã nhận được sự hỗ trợ từ nhiều đối tác quốc tế quan trọng, bao gồm Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Cơ quan Phát triển Quốc tế Canada (CIDA), Ngân hàng Thế giới (WB), Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) cùng Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (K-Eximbank). Trong nước, chương trình có sự hợp tác chặt chẽ với 10 bộ, ngành gồm Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cùng Bộ Y tế. Các dự án thuộc khuôn khổ SP-RCC đã được triển khai trên diện rộng, bao phủ hầu hết
các tỉnh, thành trên toàn quốc.
Sau năm 2015, Chương trình SP-RCC tiếp tục chú trọng vào công tác xây dựng chính sách, huy động vốn đầu tư, nâng cao năng lực thích ứng và thúc đẩy nghiên cứu khoa học nhằm tăng cường khả năng đối phó với biến đổi khí hậu, đồng thời hướng đến phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh. Chương trình cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu cắt giảm từ 8% đến 25% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường (BAU) vào năm 2030, tùy thuộc vào mức độ hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế.
3.1.3.3. Triển khai thực hiện Đề án “Quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính; quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ carbon ra thị trường thế giới” Bộ Tài nguyên và Môi trường, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, đã xây dựng Đề án “Quản lý phát thải khí nhà kính và kinh doanh tín chỉ carbon trên thị trường quốc tế”. Đề án này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1775/QĐ-TTg ngày 21/11/2012. Nhằm triển khai thực hiện, trên cơ sở phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, ngày 17/9/2013, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 1725/QĐ-BTNMT về việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto, đồng thời giao nhiệm vụ trực tiếp giám sát việc triển khai Đề án.
Ban Chỉ đạo đã xây dựng kế hoạch chi tiết nhằm đảm bảo thực hiện các nội dung đề ra một cách hiệu quả.
Bộ Công Thương đã ban hành các quy định và hướng dẫn nhằm thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đáng chú ý, Thông tư số 07/2012/TT- BCT ngày 04/4/2012 quy định về việc dán nhãn năng lượng đối với các thiết bị và phương tiện tiêu thụ điện năng; trong khi đó, Thông tư số 09/2012/TT-BCT ngày 20/4/2012 hướng dẫn lập kế hoạch, báo cáo kết quả sử dụng năng lượng tiết kiệm và triển khai hoạt động kiểm toán năng lượng. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2012-2015, được thông qua theo Quyết định số 1427/QĐ-TTg ngày 02/10/2012.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản quan trọng liên quan đến phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có Thông tư số 32/2012/TT-BCT ngày 12/11/2012, quy định chi tiết về cơ chế phát triển điện gió và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện gió. Đồng thời, Bộ đã công bố các quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo theo từng khu vực, bao gồm Quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo khu vực Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn 2030 (Quyết định số 5133/QĐ-BCT ngày 05/9/2012) và Quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ đến năm 2020, tầm nhìn 2030 (Quyết định số 8217/QĐ-BCT ngày 28/12/2012). Hiện nay, Bộ Công Thương đang trình Thủ
tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Quy hoạch phát triển điện gió quốc gia cho giai đoạn đến năm 2020, với định hướng dài hạn đến năm 2030.
3.1.3.4. Triển khai Chương trình Giảm phát thải khí nhà kính thông qua các nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, bảo tồn và nâng cao trữ lượng carbon từ rừng (REDD+) Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, phối hợp với các chuyên gia của Liên Hợp Quốc, đã xây dựng và triển khai Chương trình “Giảm phát thải khí nhà kính thông qua các giải pháp hạn chế suy thoái và mất rừng tại Việt Nam” (UN- REDD Việt Nam). Chương trình này nhận được sự tài trợ từ Chính phủ Na Uy thông qua cơ chế hỗ trợ của Liên Hợp Quốc, với mục tiêu tăng cường quản lý rừng bền vững và giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 799/QĐ-TTg ngày 27/6/2012, chính thức phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về REDD+ giai đoạn 2011-2020. Chương trình này được triển khai nhằm đẩy mạnh các biện pháp bảo vệ tài nguyên rừng, phát triển rừng bền vững, cũng như hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện cam kết về giảm phát thải khí nhà kính. Trên cơ sở định hướng này, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính thông qua kiểm soát suy thoái rừng, bảo tồn, nâng cao trữ lượng carbon và quản lý rừng một cách bền vững (REDD+), với mục tiêu kéo dài đến năm 2030. Chương trình này được chính thức thông qua theo Quyết định số 419/QĐ-TTg ngày 05/4/2017, tạo nền tảng pháp lý cho các hoạt động quản lý và bảo vệ rừng, đồng thời góp phần quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam.
3.1.3.5. Tham gia đàm phán quốc tế về biến đổi khí hậu
Việt Nam đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung và triển khai hiệu quả các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 19 của Công ước khung Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (COP19), diễn ra tại Warsaw, Ba Lan. Hội nghị này được xem là một dấu mốc quan trọng trong lĩnh vực tài chính khí hậu, tuy nhiên, mặc dù đạt được một số kết quả nhất định, tiến trình vẫn còn nhiều hạn chế. Các cam kết về cắt giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp tài chính và chuyển giao công nghệ từ một số quốc gia phát triển trong giai đoạn 2013-2020 và giai đoạn sau năm 2020 vẫn còn thấp, chưa đảm bảo tính minh bạch và đồng nhất trong thực hiện.
Đoàn đại biểu Việt Nam đã chủ động tham gia vào các hoạt động chính của hội nghị, đồng thời tổ chức và thực hiện nhiều cuộc tiếp xúc song phương, đa phương nhằm nhấn mạnh những nỗ lực của Việt Nam trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời kêu gọi sự hợp tác và hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế. Đại diện Việt Nam cũng tích cực tham gia và trình bày tại các hội thảo bên lề liên quan đến xây dựng dự án và phương pháp luận trong Cơ chế tín chỉ chung (JCM), nâng cao năng lực thực hiện JCM, giới thiệu các quy định và hướng dẫn áp dụng JCM, cũng như hội thảo về chuẩn bị triển khai NAMAs và các hành động khí hậu nhằm hướng đến nền kinh tế phát thải thấp. Trưởng đoàn Việt Nam cũng tham gia Phiên tọa đàm cùng Bộ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản và các đại diện cấp cao đến từ bảy quốc gia đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác về JCM với Nhật Bản.
Trong khuôn khổ Kế hoạch hành động ASEAN về Biến đổi Khí hậu, dựa trên Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo ASEAN do Việt Nam đề xuất năm 2010 khi giữ vai trò Chủ tịch ASEAN, Trưởng ban công tác đàm phán về biến đổi khí hậu của Việt Nam đã tích cực thúc đẩy sự liên kết giữa các quốc gia ASEAN trong tiến trình đàm phán quốc tế về biến đổi khí hậu. Trước thềm hội nghị, Việt Nam, với sự hỗ trợ từ UNDP và Chính phủ Vương quốc Anh, đã tổ chức một chương trình cập nhật thông tin dành cho các cán bộ đàm phán ASEAN. Đầu tháng 3/2014, Việt Nam, với sự phối hợp của UNEP, sẽ tổ chức một hội nghị để đánh giá kết quả của COP19 và thảo luận về kế hoạch triển khai các nội dung phù hợp tại từng quốc gia thành viên.
Những nỗ lực của Ban công tác đàm phán về biến đổi khí hậu của Việt Nam, cùng với các chính sách ứng phó hiệu quả, đã giúp nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong lĩnh vực này.
Hội nghị COP22, diễn ra vào năm 2016, được tổ chức sau thành công quan trọng của COP21 vào năm 2015, nơi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu toàn cầu đã được chính thức thông qua. Đến thời điểm diễn ra hội nghị COP22, có 100 quốc gia, bao gồm Việt Nam, đã hoàn tất quá trình phê chuẩn Thỏa thuận Paris, giúp thỏa thuận này có hiệu lực từ ngày 4/11/2016, ngay trước thời điểm diễn ra hội nghị. Hội nghị COP22 đã đạt được nhiều kết quả đáng chú ý với việc thông qua 35 quyết định, trong đó có 25 quyết định từ Hội nghị COP22, 8 quyết định từ Hội nghị CMP12 và 2 quyết định từ Hội nghị CMA1, cùng với Tuyên bố hành động Marrakesh về khí hậu và phát triển bền vững.
3.1.3.6. Tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút nguồn lực đầu tư
Năm 2013, Việt Nam tiếp tục nhận được sự quan tâm và hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế trong các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngoài các đối tác phát triển chính thức tham gia Chương trình SP-RCC như Nhật Bản, Pháp, Ngân hàng Thế giới, Hàn Quốc và Úc, Việt Nam cũng mở rộng hợp tác với nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế khác. Những đối tác này bao gồm Vương quốc Anh, Đan Mạch, Hà Lan, Canada, Na Uy, Phần Lan, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) cùng nhiều tổ chức khác. Sự hợp tác này đã góp phần thúc đẩy các hoạt động thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
Cùng trong năm 2013, với sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ký kết Thỏa thuận hợp tác với Nhật Bản về triển khai Cơ chế tín chỉ chung (JCM). Đây là một cơ chế do Nhật Bản đề xuất nhằm thay thế Cơ chế phát triển sạch (CDM) thuộc Nghị định thư Kyoto, sau khi Nhật Bản rút khỏi CDM. Tại thời điểm đó, 10 quốc gia đã ký kết hợp tác JCM với Nhật Bản, và số lượng này dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng, khi Nhật Bản đang tích cực thúc đẩy việc công nhận JCM như một cơ chế chính thức trong khuôn khổ Công ước khung Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC).
JCM được xem là một công cụ quan trọng giúp huy động tài chính nhằm hỗ trợ việc chuyển giao công nghệ phát thải carbon thấp từ Nhật Bản sang các quốc gia đối tác. Các tín chỉ carbon thu được từ cơ chế này sẽ được ghi nhận trong nỗ lực cắt giảm phát thải khí nhà kính của Nhật Bản, qua đó góp phần thực hiện các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu. Để triển khai JCM, Ủy ban Hỗn hợp giữa Việt Nam và Nhật Bản đã được thành lập, tổ chức phiên họp đầu tiên vào tháng 10/2013 tại Việt Nam, và phiên họp thứ hai vào ngày 17/02/2014 tại Nhật Bản, nhằm thảo luận về các kế hoạch thực hiện cơ chế này.
3.2. Đánh giá chung
3.2.1. Kết quả đạt được
Thứ nhất, hệ thống chính sách và pháp luật của Việt Nam về ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh đã được xây dựng và triển khai một cách tương đối toàn diện. Hiện nay, Việt Nam đã ban hành các Nghị quyết của Đảng, Chiến lược quốc gia, cùng với hàng loạt Chương trình hành động từ cấp Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương nhằm thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu. Ngoài ra, nhiều văn bản quy phạm pháp luật và quy định liên quan đến công tác ứng phó sớm được ban hành và đưa vào thực hiện. Một số chiến lược và kế hoạch của các Bộ, ngành, địa phương đã tích hợp nội dung về biến đổi khí hậu vào quá trình hoạch định chính sách nhằm đảm bảo tính bền vững trong phát triển kinh tế – xã hội. Thứ hai, công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực biến đổi khí hậu đã được chú trọng, bao gồm việc xây dựng các kịch bản dự báo về tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đồng thời triển khai các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia. Những nghiên cứu này đã góp phần cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn để các Bộ, ngành, địa phương xây dựng và triển khai các biện pháp ứng phó một cách hiệu quả.
Thứ ba, năng lực dự báo và cảnh báo thiên tai đã được quan tâm đầu tư và từng bước phát huy hiệu quả, giúp nâng cao khả năng chủ động trong công tác phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Các hệ thống cảnh báo sớm, thiết bị quan trắc và công nghệ hiện đại đã được ứng dụng nhằm hỗ trợ việc dự báo chính xác hơn, giúp các địa phương kịp thời triển khai phương án ứng phó.
Thứ tư, các hoạt động thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu tại Việt Nam không ngừng được mở rộng và phát triển theo hướng chuyên sâu. Việc chủ động tham gia vào các cuộc đàm phán quốc tế về biến đổi khí hậu đã góp phần nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời thể hiện cam kết mạnh mẽ của quốc gia trong nỗ lực chung nhằm bảo vệ hệ thống khí hậu toàn cầu.
3.2.2. Hạn chế và nguyên nhân
Mặc dù Chính phủ Việt Nam đã tích cực triển khai nhiều chính sách và chương trình hành động nhằm thực hiện cam kết Net Zero đến năm 2050, song trên thực tế, quá trình thực thi vẫn còn tồn tại một số hạn chế đáng kể cả về thể chế, tổ chức và nguồn lực.
Thứ nhất, nhận thức về Net Zero và phát triển bền vững trong bộ máy hành chính các cấp và cộng đồng doanh nghiệp còn chưa đồng đều. Tại nhiều địa phương, việc lồng ghép mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính vào quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội vẫn mang tính hình thức, thiếu tính cụ thể trong phân bổ trách nhiệm và nguồn lực thực hiện.
Thứ hai, khung pháp lý hiện hành tuy đã có tiến bộ nhưng vẫn chưa đầy đủ và đồng bộ. Một số văn bản quy phạm pháp luật chưa có quy định rõ ràng về trách nhiệm pháp lý của các bên liên quan trong thực hiện kiểm kê phát thải, giảm thiểu và loại bỏ khí nhà kính. Bên cạnh đó, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về carbon, công nghệ xanh và cơ chế định giá carbon còn thiếu và chưa theo kịp thực tiễn quốc tế.
Thứ ba, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong thực hiện chiến lược Net Zero còn rời rạc, thiếu tính tích hợp và liên ngành. Các chương trình hành động thường được xây dựng riêng biệt theo từng lĩnh vực (năng lượng, nông nghiệp, công nghiệp, giao thông…), dẫn đến chồng chéo trong tổ chức thực hiện, lãng phí nguồn lực và giảm hiệu quả quản trị.
Thứ tư, nguồn lực đầu tư cho quá trình chuyển đổi xanh còn hạn chế. Ngân sách nhà nước chưa đủ mạnh để hỗ trợ các hoạt động giảm phát thải ở quy mô lớn, trong khi việc huy động khu vực tư nhân và nguồn tài chính quốc tế còn nhiều vướng mắc, đặc biệt là thiếu các cơ chế bảo lãnh rủi ro và ưu đãi đầu tư phù hợp.
Những hạn chế trên bắt nguồn từ các nguyên nhân cơ bản sau: Thứ nhất, năng lực thể chế và quản trị nhà nước trong lĩnh vực biến đổi khí hậu còn ở mức trung bình, đặc biệt ở cấp địa phương. Hệ thống cơ quan chuyên trách còn phân tán, thiếu nguồn nhân lực có chuyên môn sâu và kinh nghiệm trong điều phối chính sách môi trường và giảm phát thải.
Thứ hai, mức độ gắn kết giữa chiến lược phát triển kinh tế – xã hội với mục tiêu giảm phát thải chưa cao. Nhiều địa phương vẫn đặt nặng mục tiêu tăng trưởng nhanh trong ngắn hạn mà chưa chú trọng đúng mức đến yếu tố bền vững và trung hòa carbon trong dài hạn.
Thứ ba, hệ thống thông tin, dữ liệu phục vụ cho việc theo dõi, đánh giá và ra quyết định trong quản lý phát thải còn thiếu tính đồng bộ và cập nhật, gây khó khăn trong việc xây dựng kế hoạch và báo cáo theo yêu cầu của các cam kết quốc tế.
3.3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quảquản lý nhà nước đối với thực hiện cam kết Net Zero tại Việt Nam hiện nay
3.3.1. Chính phủ cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về biến đổi khí hậu và mục tiêu Net Zero
Truyền thông đại chúng đóng vai trò quan trọng trong việc lan tỏa thông điệp về Net Zero đến mọi tầng lớp trong xã hội. Những chiến dịch truyền thông hiệu quả có thể giúp nâng cao nhận thức cộng đồng, đồng thời thúc đẩy sự thay đổi hành vi nhằm giảm thiểu lượng khí nhà kính phát thải. Chẳng hạn, các chương trình tuyên truyền về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, khuyến khích phương tiện giao thông công cộng và giảm thiểu rác thải nhựa đã mang lại những kết quả tích cực đáng kể.
Bên cạnh đó, việc tổ chức các chương trình giáo dục cộng đồng về Net Zero là một giải pháp quan trọng nhằm tăng cường hiểu biết của người dân và khuyến khích sự tham gia vào các hoạt động giảm phát thải. Những chương trình này có thể được triển khai thông qua hội thảo, khóa học trực tuyến hoặc các buổi trao đổi tại các trung tâm cộng đồng, giúp phổ biến kiến thức và thúc đẩy sự tham gia tích cực của người dân vào các sáng kiến bảo vệ môi trường. Việc nhận thức rõ ràng về Net Zero không chỉ giúp hạn chế tác động tiêu cực đến hệ sinh thái mà còn tạo động lực để các cá nhân đóng góp vào các chương trình phát triển bền vững.
Giáo dục đóng vai trò nòng cốt trong việc nâng cao ý thức về Net Zero, đặc biệt thông qua hệ thống giáo dục chính quy và đội ngũ giảng viên. Việc tích hợp các nội dung liên quan đến Net Zero vào chương trình học của các môn khoa học tự nhiên, địa lý và công nghệ có thể giúp học sinh tiếp cận với các vấn đề môi trường một cách hệ thống. Giáo viên có thể tổ chức các hoạt động thực tiễn như hội thảo, nghiên cứu chuyên đề hoặc dự án ngoại khóa để nâng cao nhận thức về phát triển bền vững. Đồng thời, nhà trường có thể tạo điều kiện cho học sinh tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường như trồng cây xanh, tái chế rác thải và sử dụng năng lượng tái tạo, từ đó hình thành thói quen sinh hoạt thân thiện với môi trường ngay từ sớm.
3.3.2. Thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính tại Việt Nam
Một số biện pháp để giảm phát thải khí nhà kính tại Việt Nam bao gồm: – Tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng ưu tiên các ngành có mức phát thải carbon thấp và thúc đẩy tăng trưởng xanh. Quá trình chuyển đổi này bao gồm việc điều chỉnh cơ cấu kinh tế nhằm khuyến khích các lĩnh vực thân thiện với môi trường, đồng thời hạn chế sự phát triển của những ngành có nguy cơ cao gây ô nhiễm, suy thoái môi trường và tiêu tốn nhiều năng lượng. Bên cạnh đó, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng và khung pháp lý nhằm hỗ trợ sự phát triển của nền kinh tế xanh. Việc nghiên cứu, xây dựng và áp dụng bộ tiêu chí đánh giá kinh tế xanh cùng với các chính sách khuyến khích và hỗ trợ khu vực kinh tế xanh là cần thiết để đảm bảo quá trình chuyển đổi bền vững.
– Xây dựng lộ trình rõ ràng cho quá trình chuyển đổi năng lượng từ mô hình “nâu” (sử dụng năng lượng hóa thạch có tác động tiêu cực đến môi trường) sang mô hình “xanh”(ứng dụng các nguồn năng lượng sạch và tái tạo). Đẩy mạnh việc sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên thông qua việc áp dụng công nghệ hiện đại, ít phát thải. Đồng thời, triển khai các mô hình kinh tế tuần hoàn nhằm tối ưu hóa nguồn lực và giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường.
– Bảo vệ và phát triển rừng bền vững nhằm gia tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính và bảo tồn đa dạng sinh học. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trồng rừng, tái tạo rừng, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực trồng rừng kinh tế. Ngoài ra, cần triển khai các chương trình bảo vệ và quản lý bền vững diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất hiện có nhằm duy trì hệ sinh thái rừng ổn định.
– Thiết lập và triển khai các mô hình phát triển đô thị theo hướng bền vững, bao gồm khu đô thị xanh, đô thị thông minh và khu dân cư thân thiện với môi trường tại nhiều địa phương trên cả nước.
– Chuyển đổi phương thức sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng bền vững và thân thiện hơn với môi trường, góp phần thúc đẩy nền kinh tế xanh và giảm thiểu tác động tiêu cực từ hoạt động sản xuất nông nghiệp đối với hệ sinh thái.
3.3.3. Tạo hành lang pháp lý cởi mở, thúc đẩy hợp tác công – tư trong thực hiện cam kết Net Zero
Sự phối hợp giữa các cơ sở giáo dục, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước giữ vai trò then chốt trong việc xây dựng và triển khai các chương trình giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về Net Zero theo hướng bền vững và hiệu quả. Các cơ sở giáo dục có trách nhiệm cung cấp nền tảng tri thức khoa học, giúp định hướng tư duy và hình thành ý thức bảo vệ môi trường cho thế hệ trẻ. Trong khi đó, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc áp dụng thực tiễn các giải pháp công nghệ và sáng kiến giảm phát thải khí nhà kính, góp phần tạo ra mô hình kinh tế xanh. Cơ quan quản lý nhà nước có chức năng xây dựng chính sách, điều phối hoạt động và thúc đẩy việc lồng ghép nội dung về Net Zero vào các chương trình giáo dục chính quy và đào tạo nghề. Sự phối hợp chặt chẽ giữa ba bên sẽ tạo ra một hệ sinh thái giáo dục linh hoạt, vừa đáp ứng nhu cầu thực tế của nền kinh tế, vừa nâng cao nhận thức cộng đồng về trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính. Bên cạnh đó, việc tăng cường hợp tác giữa các cơ quan quản lý, tổ chức quốc tế và các tổ chức trong nước là yếu tố quan trọng để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các công cụ và phương pháp kiểm kê, giảm thiểu khí nhà kính một cách hiệu quả. Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ, dữ liệu và nguồn tài chính để thực hiện các giải pháp giảm phát thải. Do đó, cần có các cơ chế hỗ trợ từ chính phủ, bao gồm việc cung cấp thông tin về lộ trình thực hiện Net Zero, xây dựng các chính sách khuyến khích tài chính như ưu đãi thuế, tín dụng xanh và hỗ trợ kỹ thuật. Đồng thời, các tổ chức quốc tế có thể đóng góp bằng cách chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp các tiêu chuẩn đánh giá và hỗ trợ chuyên môn, giúp nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong việc thực hiện các cam kết về phát triển bền vững.
Hoạt động hợp tác với các tổ chức phi chính phủ (NGOs) là một phương thức quan trọng để triển khai hiệu quả các chiến dịch truyền thông và các chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng về Net Zero. Với chuyên môn sâu rộng, kinh nghiệm thực tiễn và khả năng tiếp cận các nhóm cộng đồng đa dạng, các tổ chức phi chính phủ có thể đóng vai trò cầu nối giữa chính phủ, doanh nghiệp và người dân, giúp phổ biến thông tin và thúc đẩy sự tham gia tích cực của toàn xã hội vào quá trình chuyển đổi xanh. Các chương trình do NGOs tổ chức, chẳng hạn như hội thảo, diễn đàn, sự kiện truyền thông đa phương tiện và các sáng kiến cộng đồng, có thể giúp nâng cao hiểu biết về Net Zero, đồng thời khuyến khích thay đổi hành vi theo hướng bền vững. Việc tận dụng hiệu quả sự hợp tác này không chỉ góp phần thực hiện các mục tiêu giảm phát thải mà còn tạo động lực xã hội để thúc đẩy một
nền kinh tế phát triển theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường.
3.3.4. Chính phủ đẩy mạnh xây dựng phương án thiết kế và quản lý đối với hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải để phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất
nước
Để xây dựng và triển khai một hệ thống quản lý hiệu quả cho cơ chế trao đổi hạn ngạch phát thải, Việt Nam cần tiến hành đánh giá toàn diện về tác động của hệ thống giao dịch hạn ngạch khí nhà kính và tín chỉ carbon trong bối cảnh quốc gia. Việc phân tích này cần bao gồm các yếu tố về tác động kinh tế, tính khả thi trong thực tiễn, khả năng tương thích với hệ thống pháp luật hiện hành, cũng như sự phù hợp với các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu. Hệ thống giao dịch hạn ngạch phát thải không chỉ là một công cụ kinh tế giúp kiểm soát lượng khí nhà kính mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới công nghệ và khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình phát triển bền vững.
Các cơ quan quản lý có trách nhiệm tổ chức, giám sát và điều phối chặt chẽ các hoạt động liên quan đến giao dịch, thu hồi, hoàn trả và vay mượn hạn ngạch nhằm đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả và công bằng trong thị trường carbon tại Việt Nam. Việc xây dựng một cơ chế vận hành phù hợp sẽ giúp doanh nghiệp chủ động trong việc điều chỉnh chiến lược phát triển, đồng thời tạo động lực thúc đẩy các sáng kiến giảm phát thải trong dài hạn. Đặc biệt, cần có các quy định cụ thể về trách nhiệm và quyền lợi của các bên tham gia, bao gồm doanh nghiệp, tổ chức tài chính, các cơ quan quản lý và tổ chức trung gian, nhằm tránh các rủi ro liên quan đến thao túng thị trường, gian lận tín chỉ carbon hoặc sự mất cân đối trong phân bổ hạn ngạch phát thải.
Việc xác định các cơ chế quản lý tối ưu đối với tín chỉ carbon và hạn ngạch phát thải khí nhà kính là yếu tố then chốt để hỗ trợ quá trình xây dựng khung pháp lý quốc gia cho thị trường carbon. Một hệ thống giám sát, báo cáo và kiểm tra (MRV – Measurement, Reporting, and Verification) cần được thiết lập nhằm đảm bảo tính chính xác, minh bạch và nhất quán của các giao dịch phát thải. Đồng thời, cần triển khai cơ chế định giá carbon dựa trên các tiêu chí kinh tế và môi trường, giúp thiết lập mức giá hợp lý cho khí nhà kính và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Việc liên kết thị trường carbon nội địa với các hệ thống giao dịch quốc tế sẽ mở ra cơ hội thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các công nghệ giảm phát thải tiên tiến, đồng thời thúc đẩy sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân vào quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon
thấp.
4. KẾT LUẬN
Việc thực hiện cam kết phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) đến năm 2050 không chỉ là một tuyên bố mang tính chính trị tại các diễn đàn quốc tế, mà còn là bước chuyển quan trọng trong định hướng phát triển bền vững của Việt Nam.
Trong những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, chiến lược và chương trình hành động nhằm hiện thực hóa mục tiêu này. Việt Nam đã thể hiện rõ quyết tâm thông qua việc tham gia các cam kết quốc tế như UNFCCC, Nghị định thư Kyoto, thực hiện các dự án CDM và xây dựng lộ trình phát triển thị trường các-bon.
Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức, trong đó đáng chú ý là nhận thức chưa đồng đều, khung pháp lý chưa hoàn chỉnh, cơ chế phối hợp liên ngành còn yếu và nguồn lực tài chính còn hạn chế. Những hạn chế này bắt nguồn từ cả yếu tố thể chế, tổ chức và năng lực thực thi ở các cấp chính quyền.
Trước bối cảnh đó, để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với thực hiện cam kết Net Zero, cần đồng bộ hóa các giải pháp từ hoàn thiện pháp luật, thúc đẩy truyền thông – nâng cao nhận thức, phát triển thị trường các-bon, đến đổi mới cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan. Đặc biệt, việc huy động sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân, cộng đồng và các tổ chức quốc tế là yếu tố then chốt nhằm tạo lập hệ sinh thái chính sách hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh một cách bền vững và thực chất.
Kết quả nghiên cứu không chỉ góp phần hệ thống hóa những vấn đề lý luận và thực tiễn trong quản lý nhà nước đối với thực hiện cam kết Net Zero ở Việt Nam, mà còn cung cấp những luận cứ khoa học quan trọng cho việc hoàn thiện chính sách, hướng đến phát triển kinh tế các-bon thấp và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu trong dài hạn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ban Bí thư (2017), Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư tháng ngày 12/01/2017 về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nhằm ngăn chặn việc khai thác gỗ rừng tự nhiên trên toàn quốc.
2. Bộ Tài nguyên và Môi trường (Năm 2020), Kịch bản biến đổi khí hậu, NXB Tài nguyên Môi trường & Bản đồ Việt Nam, Hà Nội.
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2022), Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật năm 2022.
4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn(2018), Quyết định số 823/QĐ-BNN-TCCB của Bộ NN&PTNT ngày 08/3/2018 về Thành lập Văn phòng Ban Chỉ đạo Nhà nước về Chương trình Mục tiêu Phát triển Lâm nghiệp Bền vững giai đoạn 2016-2020 và thực hiện REDD+ trên cơ sở hợp nhất Ban Chỉ đạo Nhà nước về Kế hoạch Bảo vệ và Phát triển Rừng giai đoạn 2011-2020 và Văn phòng REDD+ Việt Nam.
5. Chính phủ (2022), Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone.
6. Chính phủ (2022), Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050, ban hành kèm Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021.
7. Chính phủ (2022), Lộ trình triển khai cam kết Net Zero với ba chiến lược trọng tâm và năm lĩnh vực ưu tiên.
8. Chính phủ (2024), Quyết định số 895/QĐ-TTg ngày 24/8/2024 về Phê duyệt Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050.
9. COP26 (2021), Tuyên bố của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về cam kết Net Zero tại Hội nghị COP26.
10. COP27 (2022), Các nội dung cam kết và hướng dẫn thực hiện Net Zero do ISO công bố tại COP27.
11. Cục khí tượng thuỷ văn và biến đổi khí hậu (Năm 2018), Biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, NXB Tài nguyên Môi trường & Bản đồ Việt Nam, Hà Nội.
12. Quốc hội (2017), Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14 ngày 15/11/2017.
13. Quốc hội (2020),Luật Bảo vệ Môi trường số 72/2020/QH14 ngày 17/11/2020.
14. Thủ tướng Chính phủ (2017),Quyết định 1857/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 23/11/2017 về Thành lập Văn phòng REDD+ Việt Nam.
15. Thủ tướng Chính phủ (2017), Quyết định số 886/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 16/6/2017 phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 – 2020.
16. Thủ tướng Chính phủ (2017), Quyết định 419/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 15/4/2017 phê duyệt chương trình quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất và suy thoái rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng các bon và quản lý bền vững tài nguyên rừng (Chương trình REDD+) (REDD+) đến năm 2030. 17. Thủ tướng Chính phủ (2017), Quyết định số 1857/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 23/11/2017 về việc thành lập Ban Chỉ đạo nhà nước về Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 – 2020 ban hành tháng 11/2017.
18. Thủ tướng Chính phủ (2024), Quyết định số 895/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 24/8/2024 Phê duyệt Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Người phản biện:1. TS. Chu Đức Hà – chuyên ngành Sinh học, Đại Học công nghệ, ĐH Quốc Gia HN; 2. TS. Lương Văn Liệu – chuyên ngành Luật, Đại học Lao động Xã hội.
Ngày phản biện:05/03/2025;
Ngày biên tập duyệt đăng: 15/03/2025.