BVR&MT – Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai vừa ban hành Quyết định số 1366/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Ban Quản lý rừng phòng hộ thị xã Sa Pa, giai đoạn 2022-2030.
Theo đó, tỉnh Lào Cai đặt ra chỉ tiêu thu hút được ít nhất 5 nhà đầu tư có đủ năng lực thuê môi trường rừng tại các điểm du lịch để thực hiện dự án đầu tư phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong các khu rừng phòng hộ thị xã Sa Pa, với diện tích 15.971,97 ha do Ban Quản lý rừng phòng hộ thị xã Sa Pa được giao, quản lý trong giai đoạn 2022 – 2030.

Trung bình hàng năm thu hút được 50.000 – 100.000 lượt khách du lịch; trong đó số lượng khách quốc tế tối thiểu chiếm 8%; tỷ lệ du khách ở lại lưu trú qua đêm chiếm trên 28% tổng; doanh thu thu từ hoạt động du lịch đạt ít nhất 780 tỷ đồng; trong đó nguồn thu từ hoạt động cho thuê môi trường rừng đạt ít nhất 780 triệu đồng. Đồng thời, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 800 lao động, các lao động được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ.
Bên cạnh đó, các điểm du lịch đạt tiêu chuẩn an toàn và tuân thủ tốt các quy định về bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên; Môi trường du lịch, an ninh, an toàn tại các điểm du lịch được kiểm soát.
Tại Đề án, tỉnh Lào Cai định hướng phát triển 3 loại hình du lịch gồm: Du lịch sinh thái; Du lịch nghỉ dưỡng – chăm sóc sức khỏe; Du lịch thể thao mạo hiểm.
Cùng với đó, tập trung phát triển các nhóm sản phẩm du lịch chính, tiêu biểu nhất của khu vực rừng phòng hộ thị xã Sa Pa như nhóm các sản phẩm du lịch mang tính giáo dục, diễn giải môi trường; nhóm các sản phẩm mang tính khám phá và trải nghiệm đường rừng; nhóm các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái; nhóm sản phẩm du lịch dã ngoại, cắm trại trong rừng; nhóm các hoạt động du lịch trên không (Aerial Route); nhóm các sản phẩm du lịch gắn với các hoạt động mua sắm đồ lưu niệm và hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa nông sản đặc trưng của cộng đồng địa phương và phát triển các nhóm sản phẩm du lịch bổ trợ.
Cũng theo đề án, 9 điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí được xác định thực hiện trong khu vực gồm: Điểm du lịch sinh thái Đồi Thông: Có vị trí thuộc Khoảnh 02, Tiểu khu 266A, phường Hàm Rồng; Quy mô diện tích gồm 59,46 ha (đất rừng 49,75 ha; đất chưa có rừng 9,71 ha); Điểm du lịch sinh thái Đồi Ly: Có vị trí thuộc Khoảnh 5, Tiểu khu 264; Khoảnh 02, Tiểu khu 269 A, phường Hàm Rồng; Quy mô, diện tích là 34,29 ha (đất rừng 19,36 ha; đất chưa có rừng 14,93 ha);
Điểm du lịch sinh thái Suối Để: Có vị trí thuộc Khoảnh 2, 3 Tiểu khu 269A, phường Phan Si Phăng. Quy mô, diện tích là 36,60 ha (đất có rừng 31,69 ha; đất chưa có rừng 4,91 ha); Điểm du lịch sinh thái Suối Hồ: Có vị trí thuộc Khoảnh 4, Tiểu khu 269A; Khoảnh 05, Tiểu khu 265, phường Phan Si Phăng. Quy mô, diện tích là 89,91 ha (đất có rừng 79,36 ha, đất chưa có rừng 9,55 ha); Điểm du lịch sinh thái Thác Bạc: Có vị trí thuộc Khoảnh 1, Tiểu khu 265; Khoảnh (1, 2, 3, 7), Tiểu khu 267 và Khoảnh 10, Tiểu khu 259, thuộc phường Ô Quý Hồ. Quy mô, diện tích: 355,55 ha (đất có rừng 266,26 ha; đất chưa có rừng 85,2 ha và diện tích mặt nước 4,09 ha);
Điểm du lịch sinh thái Đồi Cháy: Có vị trí thuộc Khoảnh 1, Tiểu khu 265, phường Ô Quý Hồ. Quy mô, diện tích là 78,99 ha (đất có rừng 56,4 ha; đất chưa có rừng 22,59 ha). Điểm du lịch sinh thái Núi Hàm Rồng: Có vị trí thuộc Khoảnh (5, 8), Tiểu khu 266B, thuộc phường Sa Pa. Quy mô, diện tích là 74,5 ha (đất có rừng 48,99 ha; đất chưa có rừng 25,51 ha); Điểm du lịch sinh thái Mường Hoa: Có vị trí thuộc Khoảnh (8, 9) Tiểu khu 266B, xã Mường Hoa. Quy mô, diện tích: 97,71 ha (đất có rừng 90,77 ha, đất chưa có rừng 6,94 ha); Điểm du lịch sinh thái Ngũ Chỉ Sơn có vị trí thuộc Khoảnh (20, 21) Tiểu khu 250, xã Ngũ Chỉ Sơn. Quy mô, diện tích là 131,75 ha (đất có rừng 124,33 ha; đất chưa có rừng 7,42 ha).
Quy định chung về quản lý xây dựng các công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí được quy định cụ thể như sau: Công trình xây dựng phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí bảo đảm không làm ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và cảnh quan tự nhiên của khu rừng; phù hợp với đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; Chỉ được xây dựng các công trình ở nơi đất trống, trảng cỏ, cây bụi; Ưu tiên xây dựng, lắp dựng công trình nghỉ dưỡng, lưu trú bằng vật liệu, cấu kiện lắp ghép, dễ tháo dỡ dưới tán rừng, đảm bảo không tác động tiêu cực đến sinh trưởng, phát triển và phục hồi tự nhiên của cây rừng, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên;
Tổng diện tích xây dựng công trình không vượt quá 5% diện tích trong hợp đồng hợp tác, liên kết hoặc cho thuê môi trường rừng. Trường hợp tổng diện tích xây dựng công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí vượt quá quy định này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tiễn và tính chất, quy mô dự án cụ thể có văn bản đề nghị, gửi Bộ Nông nghiệp và Môi trường để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận;
Đặc biệt, không làm mất quyền sở hữu của Nhà nước về rừng, tài nguyên thiên nhiên trên mặt đất và dưới lòng đất; Không làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử – văn hóa;
Chủ dự án chịu trách nhiệm bảo vệ, bảo tồn, phát triển tài nguyên rừng trên diện tích tổ chức hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; chịu sự hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của chủ rừng; Việc cấp giấy phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng các công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí thuộc dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng và lâm nghiệp.
Tại quyết định phê duyệt đề án, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai giao Ban Quản lý rừng phòng hộ thị xã Sa Pa chủ trì, phối hợp với tổ chức, cá nhân lập dự án đầu tư theo phương thức cho thuê môi trường rừng trình cấp thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện. Giúp đỡ các doanh nghiệp trong công tác quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng và thực hiện các giải pháp kỹ thuật lâm sinh. Giám sát các doanh nghiệp thi công các công trình trên diện tích được thuê môi trường rừng nhằm thực hiện đúng pháp luật của Nhà nước và những quy định của Ban Quản lý rừng phòng hộ Sa pa;
Chịu hoàn toàn trách nhiệm về công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, bảo tồn đa dạng sinh học trên diện tích cho thuê môi trường rừng; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng trong thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng.
Sơn Tinh