BVR&MT – Đóng góp vào thành công chung của ngành nông nghiệp địa phương không thể không kể đến vai trò của hệ thống trung tâm khuyến nông các cấp, đơn vị gắn bó trực tiếp với bà con nông dân. Tuy nhiên, bên cạnh một số kết quả đạt được, công tác khuyến nông tại Sơn La còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, cần được cải thiện mạnh mẽ.
Những năm qua, hệ thống khuyến nông tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều mô hình, chương trình khuyến nông theo hướng ứng phó với biến đổi khí hậu như: mô hình canh tác ngô, sắn bền vững trên đất dốc; mô hình thâm canh lúa cải tiến theo RSI; mô hình tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel cho cà phê, cây ăn quả, rau hoa; mô hình 3 giảm 3 tăng trên cây lúa; mô hình phục tráng các giống cây trồng đặc sản bản địa (Nếp Tan lo, nếp tan Ngọc Chiến, nếp tan Mường Chanh…); mô hình thâm canh và cải tạo vườn quýt Chiềng Cọ; mô hình trồng cây gỗ và lâm sản dưới tán rừng; xử lý phế phẩm nông nghiệp làm phân bón hữu cơ vi sinh… Các mô hình không chỉ giúp nông dân tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận mà còn tạo thói quen cho bà con trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón theo hướng an toàn, tiết kiệm hơn. Đặc biệt, nhiều mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cũng được triển khai, giúp nông dân làm quen với phương thức sản xuất cây thực phẩm theo hướng sản xuất an toàn, hiệu quả và theo chuỗi giá trị. Riêng trong chăn nuôi, các đơn vị khuyến nông đã chuyển giao các mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học như: mô hình nuôi lợn, gà theo quy trình chăn nuôi kép kín trên nền đệm lót sinh học; chăn nuôi kết hợp xây dựng hầm biogas… Trong nuôi trồng thuỷ sản, địa phương cũng đưa vào các đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế như: mô hình cá Tầm, cá Lăng, cá Nheo theo chuỗi giá trị và theo VietGAP…
Song song với việc thúc đẩy các mô hình sản xuất thân thiện, Trung tâm Khuyến Nông Sơn La cũng phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức lồng ghép đưa nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất đặc biệt, hàng năm đều tổ chức tập huấn tự nguyền, triển khai xây dựng các mô hình khuyến nông tự nguyện, duy trì sinh hoạt các câu lạc bộ khuyến nông và nhóm sở thích để xã hội hóa hoạt động khuyến nông. Đáng chú ý là tỉnh Sơn La cũng đầu tư xây dựng Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao để thực hiện chuyển giao một số giống mới và các mô hình nông nghiệp công nghệ cao để áp dụng tại địa phương.
Bên cạnh một số kết quả đã đạt được trong công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, công tác khuyến nông vẫn còn một số hạn chế, tồn tại như: Hệ thống tổ chức khuyến nông chưa đồng bộ từ tỉnh đến xã, bản; sự phối kết hợp giữa các tác nhân tham gia công tác khuyến nông có lúc, có nơi chưa chặt chẽ; nguồn lực đầu tư cho chương trình khuyến nông còn hạn chế; cơ sở vật chất cho hoạt động nghiệp vụ khuyến nông còn thiếu; phụ cấp cho cán bộ khuyến nông cấp xã thấp so với mặt bằng xã hội và nhu cầu sinh hoạt tối thiểu; trình độ nhận thức của một bộ phận đồng bào dân tộc thiếu số không đồng đều đã ảnh hưởng đến khả năng tiếp nhận và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; nông dân vùng Tây Bắc chủ yếu sản xuất trên đất dốc???; quy hoạch đất ở địa phương hiện vẫn còn mang tính tự phát, chưa tính đến những yếu tố nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu hoặc nhằm giảm phát thải khí nhà kính; vấn đề duy trì và tăng độ phì nhiêu của đất, chống rửa trôi xói mòn chưa được nhiều người dân quan tâm, chú trọng. Chương trình khuyến nông một vài nơi còn chưa mang tính bền vững; dạy nghề cho lao động nông thôn, vốn vay giải quyết việc làm còn chưa đáp ứng so với yêu cầu; cơ sở hạ tầng còn thiếu và yếu so với nhu cầu thực tế của địa phương; công tác lồng ghép nguồn lực đầu tư từ các chương trình, dự án và các chính sách hỗ trợ, phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn và chưa đạt hiệu quả cao.
Nhằm khắc phục một số hạn chế, tồn tại nêu trên, góp phần nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông, cần tiếp tục phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung phù hợp với nhu cầu thị trường và điều kiện sinh thái của từng tiểu vùng; mở rộng các hình thức liên kết giữa doanh nghiệp với hộ nông dân, tạo quỹ đất tập trung, thúc đẩy việc hình thành và phát triển các vùng chuyên canh với quy mô thích hợp; nâng cao công tác tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGAP, trước mắt là VietGAP trên rau, quả (nhãn, xoài, chuối, cam, bưởi …) chè. Đặc biệt, cần đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó trọng tâm là mô hình thâm canh lúa cải tiến SRI; canh tác ngô, sắn biền vững trên đất dốc; phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng an toàn sinh học; hướng dẫn bà con phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, chú trọng cả khâu thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch, thu mua, sơ chế; tham gia xây dựng thương hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý, trước mắt là sản phẩm chủ lực như cà phê, nhãn, xoài…; khuyến khích trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng, từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế rừng.
Bên cạnh đó, chính quyền các cấp, các ngành cần có những chính sách xã hội hóa các nguồn vốn đầu tư cho công tác khuyến nông để người dân có điều kiện áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đổi mới công tác thông tin tuyên truyền có trọng tâm, đẩy mạnh hoạt động đào tạo huấn luyện theo hướng hiện trường, xuất phát từ nhu cầu của người nông dân và định hướng phát triển của tỉnh, của ngành.
Võ Thị Vân Anh, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La