BVR&MT – Trong mỗi làng người Xê Đăng Tơ-đrá tại tỉnh Kon Tum có một vùng đất thiêng để tổ chức Lễ Bắn. Vùng đất này rộng khoảng 100 – 200 m2, được rào lại bằng tre, nứa theo diện tích khoanh tròn của cột gỗ.
Theo lệ làng, để chọn đúng vùng đất thiêng, già làng lấy củ cây thuốc thiêng bí truyền cạo sạch vỏ, chẻ làm đôi, đánh dấu 1 mặt úp, 1 mặt ngửa như đồng tiền xu, đặt trên cây giáo, cây mác chặt tre, nứa của làng rồi cho rơi xuống một cái nia. Già làng vừa khấn Giàng vừa làm như thế 3 lần, nếu thả 3 lần đều ra mặt khác nhau, làng sẽ đi chọn vùng đất khác, còn nếu kết quả cây thuốc thiêng cho từ 2 lần mặt úp hoặc 2 lần mặt ngửa trở lên thì khu vực đó được chọn làm vùng đất thiêng của làng.
Ở chính giữa vùng đất thiêng, ngay cạnh cây Lung Pliang, già làng chọn ra một khoảnh đất nhỏ, được gọi là “đất thiêng nhất trong vùng đất thiêng” dành để trồng cây thuốc thiêng, thuốc bí truyền của dân tộc Xê Đăng Tơ-đrá. Khoảnh “đất thiêng nhất trong vùng đất thiêng” này là nơi bất khả xâm phạm, chỉ duy nhất già làng mới được vào trong và chỉ có già làng mới được trồng và nhổ cây thuốc bí truyền trồng trong đó để gieo quẻ cho làng.
Cây thuốc bí truyền của người Xê Đăng là một loại cây dây leo, mùa hạn trông cây như đã chết khô nhưng thực tế củ của nó có sức sống mãnh liệt, nằm yên dưới đất đợi mưa xuống rồi vươn cành, đâm chồi nảy lộc phát tán. Cứ thế, cây thuốc sống quanh năm không cần tưới nước. Khi làng có Lễ Bắn, già làng lại đào củ cây thuốc thiêng lên về gieo quẻ làm lễ cầu Giàng.
Vùng đất thiêng là nơi tuyệt đối không được canh tác hay làm nhà, sinh hoạt trên đó. Theo tục lệ, một năm chỉ được lên vùng đất thiêng một lần để rào lại khu vực trồng thuốc bí truyền và phát cây, dọn rác, rào lại vùng đất thiêng.
Đặc biệt, vùng đất thiêng chỉ để sử dụng trong ngày tổ chức Lễ Bắn. Những gia đình đứng ra tổ chức Lễ Bắn tập trung những con vật tế linh lên vùng đất thiêng, cột vào cây Lung Pliang, tiếp theo chủ hộ khấn Giàng, cầm nỏ bắn vào những con vật tế linh trong tiếng cổ vũ của dân làng. Sau đó, họ lấy máu của con vật tế linh nhờ già làng rưới lên khu vực trồng thuốc thiêng để cúng Giàng. Người dân làm thịt những con vật tế linh ngay trên vùng đất thiêng, sau đó mới mang thịt về nhà rông chế biến với ý nghĩa để hồn những con vật tế linh ấy ở lại trên vùng đất thiêng, canh giữ cây thuốc thiêng cho làng.
Thời điểm rào lại lãnh thổ vùng đất thiêng tùy mỗi làng quy định, như Kon Rôn và Đăk Phía lấy ngày 30/4 hay 1/5 dương lịch; làng Kon Brai lấy ngày 25/5 dương lịch. Mỗi người trong làng lên rừng chặt một cây nứa, tre, lồ ô hay trụ gỗ nhỏ để góp vào cùng rào lại vùng đất thiêng.
Sau khi rào lại vùng đất thiêng, già làng lấy củ thuốc thiêng gieo quẻ xin Giàng báo trước về tình hình chung của làng trong năm tới, vừa khấn Giàng, già làng vừa gieo 3 lần rồi tế Giàng bằng máu gà. Kết quả quẻ gieo về tình hình sức khỏe, mùa màng của làng trong năm đó sẽ được già làng thông báo khi dân làng tập trung về nhà rông làm Lễ Bắn.
Vùng đất thiêng được coi như là khu vực bất khả xâm phạm của mỗi làng. Ngày trước vùng đất thiêng được chọn là khu vực đầu làng, nơi cửa ngõ vào làng. Mỗi lần có khách vào làng, khách phải đứng đợi ở vùng đất thiêng đó, người dân chạy đi tìm già làng thông báo, già làng có trách nhiệm ra vùng đất thiêng tiếp chuyện hoặc đón khách vào làng. Nhưng ngày nay, vì nhiều lý do mà vùng đất thiêng được chuyển về phía trên đồi cao, cách nhà rông chừng 50 – 100m nhưng vẫn giữ được sự linh thiêng như bản chất và tên gọi của nó.