Thiện Kế (Sơn Dương – Tuyên Quang): Công trình xây dựng trái phép, xâm phạm đất rừng Quốc gia Tam Đảo

BVR&MT – Người dân thông tin tại xã Thiện Kế, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang thời gian qua xuất hiện tổ hợp công trình nhà sàn xây dựng trái phép trên đất rừng, xâm phạm vào đất vườn Quốc gia Tam Đảo. Cơ quan chức năng xã Thiện Kế đã tiến hành lập biên bản xử lý vi phạm nhưng đến nay chưa triệt để.

Chủ đầu tư mới chuyển mục đích sử dụng đất được 4.000m2. Một số công trình có dấu hiệu lấn vào đất rừng vườn Quốc gia Tam Đảo.

Phóng viên Tạp chí Bảo vệ Rừng và Môi trường nhận được thông tin từ phía người dân tại xã Thiện Kế, huyện Sơn Dương về việc một số khu vực đất rừng nằm trong ranh giới vườn Quốc gia Tam Đảo đang có dấu hiệu bị xâm phạm, thay đổi hiện trạng đất. Đáng chú ý, sự việc trên đã diễn ra trong suốt một thời gian dài mà không được ngăn chặn xử lý kịp thời khiến người dân lo ngại về nguy cơ mất rừng tại vườn Quốc gia Tam Đảo.

Phóng viên đã có mặt tại khu vực thôn Thai Bạ, xã Thiện Kế và nhận thấy một tổ hợp các công trình nhà sàn được xây dựng trên lưng chừng đồi, trên diện tích đất khoảng hơn 10ha, một phần có dấu hiệu xâm phạm vào đất vườn Quốc gia Tam Đảo. Quan sát kỹ tại khu vực này, có 4 căn nhà sàn được xây dựng khang trang đã hoàn thiện, có bể bơi, … ngoài ra còn nhiều công nhân đang tiến hành trồng cây, lát nền, tạo cảnh quan xung quanh, …

Vườn Quốc gia Tam Đảo được thành lập năm 1996 theo Quyết định số 136/QĐ-TTg chính phủ, Quyết định 418/QĐUB ngày 05/6/1997 của UBND tỉnh Tuyên Quang, về việc bàn giao lâm phần thuộc Vườn Quốc gia Tam Đảo, một phần nằm trên địa bàn xã Thiện Kế, Ngày 12/11//2002 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 155/2002/QĐ-TTg về việc điều chỉnh ranh giới vườn Quốc gia Tam Đảo tại vị trí trên một phần năm trên địa bàn xã Thiện Kế.

Được xây dựng thành khu nghỉ dưỡng hoành tráng.

Anh Sơn (trú xã Thiện Kế, huyện Sơn Dương) cho biết: ông chủ khu đất đang xây dựng này là người ở Vĩnh Phúc, xây dựng đã hơn một năm nay.

Theo một người dân khác cho hay: khi họ xây dựng nhà ở trong này có làm đường lấn chiếm ra một phần của dòng suối, làm thay đổi dòng chảy ảnh hưởng đến các hộ dân sinh sống lân cận và dưới hạ nguồn.

Người dân cho rằng chủ các công trình này có dấu hiệu lấn chiếm ra một phần của dòng suối.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hiếu, Chủ tịch UBND xã Thiện Kế cho biết: “Chính quyền xã đã nắm được thông tin về việc xây dựng công trình lấn vào đất vườn Quốc Gia Tam Đảo. Xã đã tiến hành lập biên bản kiểm tra, xử phạt và đã 03 lần báo cáo lên chính quyền huyện nhưng mới đây ngày 10/04 đoàn kiểm tra của huyện mới xuống kiểm tra.”

Vườn Quốc gia Tam Đảo có diện tích rộng lớn, trải dài 80km qua 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Thái Nguyên. Vườn có tổng diện tích gần 33.000 ha, chủ yếu là rừng nguyên sinh tự nhiên. Vườn Quốc gia Tam Đảo là kho tài nguyên quý giá, nơi lưu giữ sự đa dạng sinh học cao với nhiều loài động, thực vật đặc hữu quý hiếm.

Theo thống kê, vườn Quốc gia Tam Đảo có 1.141 loài động vật (39 loài đặc hữu), 1.436 loài thực vật (68 loài đặc hữu), 1 số loài quý hiếm như cá cóc, lan hài, hoàng thảo, dẻ tùng sọc trắng…

Khí hậu VQG Tam Đảo có độ ẩm cao, nhiệt độ mát mẻ, thảm thực vật luôn xanh tốt quanh năm.

 

Phớt lờ chính quyền, liên tiếp vi phạm

Theo hồ sơ cơ quan chức năng, khu đất được UBND xã Thiện Kế giao đất từ năm 1994 cho ông Nguyễn Văn Tư để trồng rừng, đến tháng 04/2022 chuyển nhượng lại cho ông Nguyễn Văn Tân.

Khu vực xây dựng được cho là lấn vào đất rừng Quốc gia Tam Đảo nhưng chủ đầu tư vẫn ngang nhiên cho xây dựng.

Ngày 07/10/2024 UBND xã Thiện Kế nhận được báo cáo số 10/BC-TrKL về việc dựng nhà sàn trên đất do Vườn Quốc gia Tam Đảo quản lý.

Vào hồi 17 giờ Ngày 07/10/2024 Tổ kiểm tra UBND xã đã phối hợp với Trạm Kiểm lâm Sơn Nam, Trạm kiểm lâm xã Thiện Kế tiến hành kiểm tra tại hiện trường ông Bùi Sỹ Cường có hộ khẩu thường trú tại xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc đang thực hiện việc dựng nhà sàn cụ thể diện tích đã dựng có chiều dài 14,75 m, chiều rộng 8,8 m tổng diện tích là 129,8 m2, nền được lát bằng gạch men.

Tổ công tác đã dùng máy GPS định vị bốn góc nhà có tọa độ. Tại vị trí 1 X: 00446542, Y: 02388257, Vị trí 2 X: 00446555, Y: 02388248, Vị trí 3 X: 00446565, Y: 02388259, Vị trí 4 X: 00446547, Y: 02388268,.

Đối với phần diện tích trên đã được UBND xã Thiện kế giao đất từ năm 1994 cho ông Nguyễn Văn Tư với diện tích là 14 ha. Đề trồng rừng, đến năm tháng 04/2022 diện tích đất trên đã chuyển nhượng lại cho ông Nguyễn Văn Tân địa chỉ tại xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, một phần diện tích đó đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất trồng cây lâu năm cho hộ gia đình tại khu vực trên năm 2018, một số diện tích còn lại nằm trong diện tích được quy hoạch cho vườn Quốc gia Tam Đảo.

Theo ông Hiếu Chủ tịch UBND xã Thiện Kế, “toàn bộ diện tích khu đất này bên chủ xây dựng mới chuyển đổi mục đích sử dụng đất được 4.000m2. Xã nhiều lần lập biên bản, đặc biệt ngày 16/07/2024 UBND xã ra quyết định sử phạt số 60/QĐ-XPHC về hành vi hủy hoại đất đối với ông Bùi Sỹ Cường. Tuy nhiên, chủ công trình này không chấp hành mà còn ngang nhiên tiếp tục xây dựng.”

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Chủ tịch UBND xã Thiện Kế trao đổi với phóng viên.

Vấn đề này, phóng viên cũng đã đặt lịch làm việc với UBND huyện Sơn Dương để làm rõ thông tin và đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Tuyên Quang cần kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng liên quan khu đất và các công trình xây dựng trên. Đặc biệt, tình trạng xâm lấn vào đất rừng Quốc gia Tam Đảo…

Tội hủy hoại rừng bị xử lý thế nào?
Theo Điều 20 Nghị định 35/2019/NĐ-CP, phá rừng trái pháp luật là hành vi chặt, đốt, phá cây rừng, đào, bới, san ủi, nổ mìn; đắp đập, ngăn dòng chảy tự nhiên, xả chất độc hoặc các hành vi khác gây thiệt hại đến rừng với bất kỳ mục đích gì mà không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Theo pháp luật hiện hành, tội hủy hoại rừng được quy định tại Điều 243 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) người nào đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng trong đó có Rừng đặc dụng có diện tích 5.000 mét vuông (m2) trở lên có thể bị xử lý với mức hình phạt lên đến 15 năm tù.

 

Phóng viên BVR&MT