BVR&MT – Ngày 31/12, Ông Đặng Hoàng Lam – Giám đốc Đài khí tượng thủy văn Bến Tre cho biết, xâm nhập mặn hiện nay có diễn biến bất thường, độ mặn tăng nhanh trên sông Cửa Đại, Hàm Luông, xâm nhập sâu vào đất liền, nội đồng hơn 40 km chủ yếu là do thiếu hụt nguồn nước ngọt từ thượng nguồn đổ về khiến nước mặn từ biển lấn vào sâu trong đất liền.
Theo đó, từ ngày 26/12, Trên sông cửa Đại khu vực Giao Hoà (xã Giao Hoà, huyện Châu Thành) cách cửa sông 39 km, độ mặn xâm nhập sâu nhất, lớn nhất ở mức sâu hơn so với tuần trước đạt 9,6 phần nghìn và cao hơn so với cùng kỳ năm 2023 (2,8 phần nghìn). Độ mặn 4 ‰ xâm nhập đến xã Quới Sơn (huyện Châu Thành), cách cửa sông 44,5km. Độ mặn 1 ‰ xâm nhập đến Ấp 2, xã Quới Sơn (huyện Châu Thành), cách cửa sông 47,4km.
Trên sông Hàm Luông độ mặn 4 ‰ xâm nhập đến Ấp Hưng Phú B, xã Thạnh Phú Đông (huyện Giồng Trôm) – Ấp Phước Tân, xã Bình Khánh (huyện Mỏ Cày Nam), cách cửa sông 36,2km. Độ mặn 1 ‰ xâm nhập đến Ấp Mỹ Hòa, xã Sơn Đông (Tp. Bến Tre) – Ấp Thanh Sơn 4, xã Thanh Tân (huyện Mỏ Cày Bắc), cách cửa sông 52,6km.
Đến nay, trên sông Cửa Đại, độ mặn 4 ‰ xâm nhập đến Ấp 5, xã Quới Sơn (huyện Châu Thành), cách cửa sông 45,6km. Độ mặn 1 ‰ xâm nhập đến Ấp 2, xã Quới Sơn (huyện Châu Thành), cách cửa sông 48,0km; trên sông Hàm Luông, độ mặn 4 ‰ xâm nhập đến Ấp Hòa Chánh, xã Sơn Hòa (huyện Châu Thành) – Ấp Thanh Xuân 1, xã Thanh Tân (huyện Mỏ Cày Bắc), cách cửa sông 53,3km. Độ mặn 1 ‰ xâm nhập đến Ấp Khánh Hội Đông, xã Tiên Thủy (huyện Châu Thành) – Ấp Lân Bắc, xã Phú Sơn (huyện Chợ Lách), cách cửa sông 62,7 km.
Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre, tình hình xâm nhập mặn trên các sông chính tiếp tục tăng đến đầu năm 2025 sau đó sẽ giảm. Bên cạnh đó, Đài khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre cũng khuyến cáo các địa phương cách cửa sông từ 48 km đến 63 km trở xuống thường xuyên theo dõi và kiểm tra độ mặn để vận hành cống hợp lý. Người dân có phương án trữ ngọt phục vụ sản xuất khi mặn xâm nhập sâu vào đất liền.
Nước mặn xâm nhập nhanh, đến sớm hơn năm trước gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Ông Nguyễn Văn Tâm, xã Giao Long, huyện Châu Thành cho hay, mặc dù có trữ nước chuẩn bị ứng phó hạn mặn tuy nhiên mặn đến sớm, xâm nhập nhanh nên ông Tâm lo lắng. Theo ông Tâm tuần trước nước mặn còn thấp hơn 2‰ , hiên nay tăng lên gần 10‰, không kịp bơm vào vườn để trữ tưới cho cây. Bên cạnh đó, nguồn nước máy sinh hoạt hiện nay bị nhiễm mặn không thể sử dụng được. Hầu hết người dân đều sử dụng nước máy từ một nhà máy nước Châu Thành cung cấp, lấy nước thô từ vàm Giao Hòa nên độ mặn rất cao.
Ông Tâm nhận định, năm nay nước mặn vô sơm hơn 1 tháng so với năm trước, kèm theo đó độ mặn tăng cao. Nếu tình hình mặn tăng cao như hiện nay, thì các tháng tiếp theo độ mặn tiếp tục tăng cao hơn nữa người dân sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới. Bản thân ông Tâm trữ nước ngọt sử dụng khoảng 2-3 tháng nếu tình trạng kéo dài thời gian tới gia đình không đủ nước để sử dụng. Ông Tâm mong muốn nhà máy cung cấp nước sinh hoạt cho người dân có phương án cung cấp nước ngọt để người dân sử dụng, nhiều năm qua người dân phải sử dụng nước mặn kéo dài.
Ông Nguyễn Anh Quốc – trưởng phòng Nông nghiệp huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre cho hay, năm nay mặn tăng cao và vào sớm hơn khoảng 1 tháng so với những năm trước. Xâm nhập mặn năm nay tăng cao và xâm nhập sâu một cách bất thường. Hiện ngành chức năng đã báo động đến các đơn vị liên quan để vận hành công ngăn mặn, đồng thời tuyên truyền khuyến cáo đến người dân chủ động đắp các đập nhỏ trong mương vườn để trữ nước phòng, chống hạn mặn. Khuyến cáo người dân thường xuyên theo dõi diễn biến mặn để trữ nước sử dụng cho sản xuất và sinh hoạt. Riêng các công ty nước, họ cũng sẽ lựa thời điểm độ mặn giảm để lấy nước thô đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân.