BVR&MT – Vùng giáp ranh có địa hình phức tạp, hiểm trở, là nơi tập trung chủ yếu rừng tự nhiên với nhiều loại gỗ quý hiếm, có giá trị kinh tế cao. Dọc tuyến giáp ranh có nhiều đường mòn ra, vào rừng nên các đối tượng “lâm tặc” dễ xâm nhập để khai thác, vận chuyển trái phép lâm sản và động vật hoang dã, làm ảnh hưởng đến tài nguyên rừng, an ninh trật tự địa phương. Gác lại những nhu cầu hạnh phúc của bản thân, gia đình, lực lượng kiểm lâm địa bàn huyện Tân Sơn ngày đêm canh giữ những cánh rừng già, nỗ lực ngăn chặn “giặc lửa” và tình trạng xâm phạm “lá phổi xanh” của đại ngàn.
Bám địa bàn
Trong cái nắng gắt, chói chang của ngày Hè, chúng tôi theo chân lực lượng kiểm lâm thực hiện chuyến tuần tra, kiểm soát khu rừng sâu giáp ranh với tỉnh bạn. Sau gần 30 phút chạy xe chúng tôi đến điểm cuối cùng của khu Tân Hồi, xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn – nơi giáp ranh với xã Tân Pheo, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Hiện ra trước mắt chúng tôi là những cánh rừng xanh ngắt với bốn bề núi non trùng điệp.
Với tinh thần trách nhiệm cao, những người lính giữ rừng luôn tập trung cao độ, động viên nhau vượt qua những cung đường gập ghềnh, chênh vênh vách đá với độ dốc cao, vượt qua những khe suối, dòng nước chảy xiết từ thượng nguồn đổ về trên tuyến đường tuần tra, góp phần giữ vững màu xanh cho rừng.
Trên tuyến đường từ trung tâm xã Kim Thượng đến khu Tân Hồi, không khó để bắt gặp những cây gỗ nhiều năm tuổi đang vươn mình giữa đại ngàn. Gặp chúng tôi tại khu, thông tin đầu tiên mà ông Triệu Văn Xuân – Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng cộng đồng khu Tân Hồi chia sẻ: “Khu có gần 70 hộ dân, chủ yếu là đồng bào người Dao. Người Dao thường sinh sống ở vùng núi cao, cuộc sống phụ thuộc vào làm nương, nhưng với người Dao ở Tân Hồi, không vì mưu sinh mà phá rừng để làm nương. Người dân nơi đây quyết tâm giữ rừng và tìm mọi cách để bảo vệ những diện tích rừng sẵn có, đồng thời tích cực khoanh nuôi tái sinh và phát triển diện tích rừng trồng để nâng tỷ lệ che phủ rừng trong xã”.
Hiện nay, toàn xã Kim Thượng có hơn 7.600ha đất lâm nghiệp, trong đó đất rừng đặc dụng gần 4.000ha, đất rừng phòng hộ hơn 1.000ha, 12 khu dân cư. Với chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường, Dao trên địa bàn xã, họ coi trọng rừng như một phần thân thể của mình. Bởi lẽ, rừng không chỉ che chở, tránh thiên tai, lũ lụt, bảo vệ nguồn nước, tạo hệ sinh thái trong lành, mà còn góp phần tăng thêm nguồn thu nhập từ những cây trồng, lâm sản phụ dưới tán rừng và từ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Với những vai trò, tác dụng đó, bà con ở Kim Thượng đã tích cực bảo vệ rừng bằng nhiều cách.
Ở Kim Thượng, mỗi khu đều thành lập tổ, đội quản lý, bảo vệ riêng để tuần tra, bảo vệ rừng. Vào mùa mưa, các thành viên thực hiện tuần tra thường kỳ mỗi tuần một lần; còn những thời điểm có nguy cơ cháy rừng cao sẽ tăng cường thực hiện 2-3 lần/tuần. Thậm chí có những thời điểm, các tổ, đội quản lý, bảo vệ rừng luôn thường trực trên rừng nhằm kịp thời phát hiện và thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng. Nhờ tuần tra rừng đều đặn, tổ quản lý, bảo vệ rừng đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn các đối tượng ngoài địa bàn đến khai thác gỗ trái phép để bàn giao cho lực lượng chức năng xử lý. Về Tân Hồi vào mùa nào cũng cảm nhận được sự xanh mát của những cánh rừng. Đó là kết quả rất tích cực của bà con nơi đây trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Quyết tâm giữ rừng
Dẫu ngày hay đêm, giữa sâu thẳm trong những cánh rừng già nơi đại ngàn, bước chân tuần tra của những “chiến sĩ mang quân hàm xanh” vẫn miệt mài băng rừng, vượt những dãy núi đá tai mèo dựng đứng, giữ cho những cánh rừng thêm xanh.
Gian khổ và nguy hiểm là vậy, nhưng bảo vệ được màu xanh của đại ngàn là niềm vui chung của hầu hết kiểm lâm địa bàn. Anh Hà Sơn Bình, một kiểm lâm viên còn rất trẻ nói với chúng tôi rằng đã vào nghề là phải chấp nhận khó khăn.
Những ngày đầu tham gia tuần tra giữa rừng như thế này, có lúc tưởng chừng phải bỏ nghề nhưng các anh em trong Trạm Kiểm lâm Xuân Đài động viên, khích lệ, anh lại có động lực để thực hiện ước mơ giữ rừng.
Trong những năm trở lại đây, theo tìm hiểu, dù đã có nhiều cải thiện đáng kể về vật chất cũng như tinh thần cho các trạm quản lý và các đội tuần tra bảo vệ rừng chuyên trách, nhưng so với nhiều ngành nghề khác thì quả thật đời sống của anh em kiểm lâm nơi rừng sâu này còn rất nhiều khó khăn. Đã có những phút giây trạnh lòng, băn khoăn với nghề… nhưng rồi họ lại vượt lên tất cả, bởi vẫn “nặng lòng” với rừng xanh.
Được biết, huyện Tân Sơn hiện có hơn 52.000ha rừng và đất lâm nghiệp, có nhiều khu vực giáp ranh, ngoài giáp ranh với các xã thuộc huyện Thanh Sơn, Yên Lập của tỉnh, huyện còn một số khu vực tiếp giáp với huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình; huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La; huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.
Các khu vực giáp ranh chủ yếu là đồi núi cao, địa hình chia cắt, hẻo lánh, ít người qua lại và là khu vực có nguồn tài nguyên rừng phong phú, nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm. Người dân tại các khu vực này chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức còn hạn chế, đời sống chủ yếu phụ thuộc vào rừng, vì vậy áp lực lên công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản cũng như công tác phòng cháy, chữa cháy rừng là rất lớn.
Để công tác quản lý và bảo vệ rừng đạt hiệu quả, chính quyền các xã đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, thực hiện ký cam kết giữa xã với các khu dân cư và giữa các khu với từng hộ dân về công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhất là các hộ sống gần rừng. Hạt Kiểm lâm huyện đẩy mạnh triển khai đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phù hợp với trình độ của đồng bào các dân tộc trên địa bàn như phát tờ rơi, lắp đặt các pa nô, biển, bảng tại các khu vực trọng điểm, tuyên truyền qua hệ thống thông tin đại chúng.
Đồng thời, huyện triển khai rà soát lại toàn bộ diện tích rừng hiện có, đẩy mạnh việc giao khoán bảo vệ rừng cho các hộ dân và chính quyền quản lý. Hạt Kiểm lâm Tân Sơn phối hợp với các ngành chức năng của huyện, tham mưu với cấp ủy, chính quyền xây dựng quy ước phối hợp quản lý rừng vùng giáp ranh với các địa phương tỉnh bạn, các đơn vị lâm nghiệp trên các lĩnh vực quản lý địa giới hành chính, bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, xây dựng khối đại đoàn kết, tương trợ nhau.
Bên cạnh đó, 17 xã đều có Ban Chỉ đạo phát triển lâm nghiệp bền vững, mỗi khu hành chính có 1 tổ phòng cháy, chữa cháy rừng và 1 tổ phòng cháy, chữa cháy rừng của dân quân tự vệ. Song song với đó là việc nâng cao nhận thức cho người dân cũng được đặc biệt quan tâm ngay từ đầu mùa khô.
Theo đó, từ đầu năm đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện đã phối hợp với hệ thống chính trị các xã tổ chức 8 buổi tuyên truyền về các quy định bảo vệ rừng, trồng rừng, chăm sóc rừng trồng, phòng cháy chữa cháy rừng với hơn 300 lượt người dân. Nhờ đó, tình trạng xâm hại tài nguyên rừng trên địa bàn huyện đã được kịp thời phát hiện và ngăn chặn có hiệu quả; số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp được kéo giảm đáng kể. Xử phạt 4 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp, trong đó có 2 vụ phá rừng trái pháp luật, 1 vụ vận chuyển lâm sản trái pháp luật, 1 vụ lấn chiếm rừng.
Đồng chí Nguyễn Đức Vinh- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tân Sơn cho biết: Địa phương đã giao khoán bảo vệ 319 lô rừng cho 260 hộ, tổ bảo vệ rừng trên địa bàn. Việc khoán bảo vệ những diện tích rừng này được giao trực tiếp cho người dân nhằm tạo sinh kế tăng thu nhập cho họ, đặc biệt là ưu tiên cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng để phát huy hiệu quả giữ rừng. Ngoài việc phối hợp với các ngành chức năng quyết liệt tổ chức tuần tra truy quét, việc giao khoán này rất thiết thực, bởi những diện tích rừng đã giao được người dân bảo vệ nghiêm rất ngặt. Mọi tác động đến rừng đều được người dân kịp thời phát hiện và ngăn chặn.
Chia tay những cánh rừng ở Kim Thượng, chúng tôi tin tưởng rằng, thời gian tới với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ xã đến khu dân cư, nhất là phát huy ý thức bảo vệ rừng của mỗi người dân, những cánh rừng nơi đây tiếp tục không xảy ra cháy rừng, không có tình trạng khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản trái quy định và sẽ mãi xanh tươi.