BVR&MT – Ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư đối với các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng được liệt kê dưới đây.
Các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng được Ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư
Nghị định 91/2024/NĐ-CP được ban hành ngày 18/7/2024 sửa đổi Nghị định 156/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Lâm nghiệp 2017, trong đó có sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ đầu tư.
Theo Điều 88 Nghị định 156/2018/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 91/2024/NĐ-CP), ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư đối với các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng như sau:
(1) Chuyển giao công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, khuyến lâm và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững
– Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới trong: thâm canh rừng trồng cung cấp gỗ lớn, trồng cây bản địa, trồng rừng hỗn loài; hiện đại hóa quy trình sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp, trồng, chăm sóc, bảo vệ, khai thác rừng; khai thác, vận chuyển, chế biến và bảo quản lâm sản; công nghiệp hỗ trợ trong chế biến lâm sản;
– Nghiên cứu đổi mới mô hình tổ chức sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi giá trị, gắn với phát triển rừng bền vững; phát triển mô hình sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp;
– Chuyển giao công nghệ và kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực lâm nghiệp vào sản xuất, kinh doanh, quản lý lâm nghiệp;
– Đào tạo, thử nghiệm, chuyển giao, vận hành công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, các hoạt động khuyến lâm;
– Xây dựng phương án, triển khai công tác quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng sản xuất.
(2) Phát triển kết cấu hạ tầng gắn với đầu tư phát triển, kinh doanh rừng sản xuất theo chuỗi giá trị
– Xây dựng trung tâm sản xuất giống cây rừng chất lượng cao, vườn ươm giống cây rừng;
– Xây dựng đường lâm nghiệp tại những khu vùng rừng sản xuất có quy mô tập trung từ 500 ha trở lên;
– Xây dựng các công trình bảo vệ rừng (chòi canh lửa, biển báo, đường băng cản lửa) tại những khu rừng sản xuất có quy mô tập trung từ 500 ha trở lên;
– Hỗ trợ đầu tư xây dựng và kinh phí vận chuyển cho các nhà máy chế biến gỗ rừng trồng tại các vùng kinh tế xã hội khó khăn.
(3) Hợp tác, liên kết bảo vệ và phát triển rừng của đồng bào dân tộc thiểu số, cộng đồng dân cư gắn với chương trình phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng nông thôn mới
– Trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ cho đối tượng là hộ nông dân tại các vùng miền núi, biên giới, hải đảo và vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn;
– Hỗ trợ khoán bảo vệ rừng tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; bảo vệ rừng và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng có trồng bổ sung đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên cho đối tượng là hộ gia đình, cộng đồng dân cư tại các vùng miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn;
– Hỗ trợ phát triển sinh kế, cải thiện đời sống người dân vùng đệm của các khu rừng đặc dụng và rừng phòng hộ;
– Hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình nghèo tại các vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn tham gia trồng rừng sản xuất được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định hiện hành;
– Hỗ trợ gạo cho hộ gia đình nghèo, hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số tại các vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện bảo vệ rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng có trồng bổ sung, trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ, trồng rừng phòng hộ, thực hiện trồng rừng thay thế nương rẫy để thay đổi tập quán canh tác du canh;
– Hỗ trợ xây dựng nhân rộng mô hình phát triển kinh tế lâm nghiệp hiệu quả, bền vững.
(4) Đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực cho chủ rừng
– Sản xuất, kinh doanh giống;
– Trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng;
– Khai thác, chế biến và thương mại lâm sản;
– Ứng dụng công nghệ viễn thám, công nghệ thông tin trong quản lý, bảo vệ và theo dõi diễn biến rừng;
– Phòng cháy và chữa cháy rừng; phòng trừ sâu bệnh hại rừng.
(5) Xúc tiến đầu tư, phát triển thị trường, thương mại trong hoạt động lâm nghiệp; mở rộng, tăng cường hợp tác quốc tế về lâm nghiệp
– Hoạt động xúc tiến đầu tư, phát triển thị trường, thương mại sản phẩm;
– Mở rộng, tăng cường hợp tác quốc tế về lâm nghiệp.
Hậu Thạch