BVR&MT – Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Trước mắt để cải thiện thu nhập cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, Sở đã kiến nghị UBND tỉnh xem xét hỗ trợ thêm kinh phí để đảm bảo điều kiện sống tối thiểu, giúp lực lượng này an tâm công tác.
Thời gian qua, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách đóng vai trò nòng cốt trong việc đấu tranh ngăn chặn phá trừng, tuần tra kiểm soát ngày đêm giữ từng cây rừng quý giá cho tỉnh Bình Thuận. Tuy nhiên, do còn nhiều bất cập về chế độ, chính sách lại luôn đối diện với hiểm nguy nên lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách trên địa bàn tỉnh Bình Thuận không còn thiết tha với nghề, nhiều người xin nghỉ, trong khi việc tuyển dụng mới gặp rất nhiều khó khăn.
Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận cho thấy, toàn tỉnh hiện có hơn 347.620 ha rừng. Trong đó, hơn 34.800 ha được giao cho 2 Khu bảo tồn thiên nhiên, hơn 261.000 ha được giao cho 15 Ban quản lý rừng phòng hộ, hơn 30.000 ha được giao cho 2 Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên lâm nghiệp, còn lại là diện tích thuộc các lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp và UBND cấp xã quản lý.
Theo Quyết định của UBND tỉnh giao biên chế, số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên của 15 Ban quản lý rừng phòng hộ và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách thì viên chức của 2 khu bảo tồn thiên nhiên là 527 người. Tuy nhiên, hiện nay lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng chỉ có 464 người, còn thiếu 63 người.
Qua báo cáo của các đơn vị chủ rừng, tình hình xin nghỉ việc của lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách tiếp tục diễn ra, song việc tuyển dụng mới gặp nhiều khó khăn do không có người tham gia vì áp lực công việc cao nhưng thu nhập quá thấp. Cụ thể, thời gian hoạt động bảo vệ rừng và trực trạm từ 15 – 20 ngày/tháng, hoạt động 24/24 giờ bao gồm cả ngày lễ, Tết, không kể ngày đêm, mưa, nắng trên địa hình đồi núi hiểm trở, xa dân cư.
Lực lượng bảo vệ phải thường xuyên đi kiểm tra rừng (chủ yếu là đi bộ và xe máy) để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng …; phải nằm đêm tại các tuyến đường mòn trong rừng để ngăn chặn việc vận chuyển lâm sản trái phép; mai phục ngày và đêm tại những vị trí xảy ra vi phạm để phát hiện, bắt giữ đối tượng vi phạm. Đây là lực lượng bảo vệ rừng tận gốc nên thường xuyên trực tiếp đối đầu với các đối tượng vi phạm pháp luật có sử dụng vũ khí, hung khí, sẵn sàng tấn công, uy hiếp, tính mạng bị đe dọa…
Theo phản ánh của các lực lượng bảo vệ rừng, trong khoản 4 Điều 14 Nghị định 01/NĐ-CP của Chính phủ quy định: “Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng thì lực lượng bảo vệ rừng phải lập biên bản kiểm tra ban đầu, bảo vệ hiện trường, bảo quản tang vật vi phạm, kịp thời báo cáo với người, cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật”. Quy định này gây nhiều khó khăn, bất trắc cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, vì các hành vi vi phạm hầu hết xảy ra ở khu vực rừng, núi, xa địa bàn dân cư, các đối tượng vi phạm thường manh động, vì vậy việc bảo vệ hiện trường trong thời gian chờ cơ quan chức năng xử lý là rất khó khăn, nguy hiểm. Bên cạnh đó, việc sinh hoạt, ăn ở của lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách cũng hết sức khó khăn. Các chốt bảo vệ rừng không có điện, nước, sóng điện thoại; khoảng cách đường đi lại để mua lương thực, thuốc men từ trạm đến khu dân cư xa xôi, bất tiện, khi có mưa còn bị tắc đường giữa chừng do nước lũ ở các khe sông, suối…
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận, hiện nay lực lượng bảo vệ rừng của các Ban quản lý rừng phòng hộ chưa được xếp vào các mã số (theo khoản 2, Điều 3, Thông tư số 18/2020/TT-BNNPTNT ngày 18/12/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành khuyến nông, chuyên ngành quản lý bảo vệ rừng) để tính lương vì chưa phải là viên chức. Theo cách vận dụng tại các đơn vị thì đa phần lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách tại các Ban quản lý rừng phòng hộ hiện nay đều hưởng ngạch “Nhân viên kỹ thuật” nên mức lương hằng tháng rất thấp. Cụ thể, nhân viên bảo vệ rừng mới nhận nhiệm vụ nếu làm việc tại Trạm bảo vệ rừng thuộc vùng đồng bằng thì tiền lương sau khi trừ các khoản còn lại khoảng 2,8 triệu đồng/tháng; nếu làm việc tại khu vực miền núi thì tiền lương gần 3,2 triệu đồng/tháng; đối với người có 10 năm trong nghề thì mức thu nhập chỉ từ 4-5 triệu đồng/tháng.
Ngoài tiền lương, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách không còn các khoản phụ cấp, chính sách, chế độ ưu đãi nào khác, kể cả công tác phí (dù phải đi rừng từ 15-20 ngày/tháng), tiền làm thêm ngoài giờ vào các ngày lễ, Tết hoặc thứ Bảy, Chủ nhật… Với chính sách hiện nay, số lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách làm việc lâu năm còn cố gắng cầm cự được với khoảng lương từ 4-5 triệu đồng, nhưng người mới được tuyển dụng thì chính sách này chưa đáp ứng được nhu cầu đời sống tối thiểu.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Trước mắt để cải thiện thu nhập cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, Sở đã kiến nghị UBND tỉnh xem xét hỗ trợ thêm kinh phí để đảm bảo điều kiện sống tối thiểu, giúp lực lượng này an tâm công tác, tránh tình trạng xin nghỉ việc và khó tuyển dụng như hiện nay. UBND tỉnh cho phép khoán (hằng tháng) tiền công tác phí, tiền cước điện thoại phù hợp để lực lượng chủ động phục vụ việc đi lại, thông tin liên lạc vì hoạt động ở vùng sâu, vùng xa; có chế độ trực đêm tại các trạm, chốt quản lý bảo vệ rừng. UBND tỉnh cho phép rà soát lại lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách chưa đáp ứng về trình độ chuyên môn, đào tạo, chuẩn hóa về bằng cấp; tạo điều kiện mở lớp đào tạo, bồi dưỡng cho người lao động chuyển sang viên chức để hưởng các chế độ chính sách theo quy định.
Về lâu dài, cơ quan chức năng xem xét chuyển lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách sang viên chức quản lý bảo vệ rừng; vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, nguy hiểm theo các quy định để được hưởng ưu đãi về chế độ nghỉ phép, nghỉ hưu…; được hưởng phụ cấp và chính sách như lực lượng Kiểm lâm (phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp độc hại, thương binh, liệt sĩ…); giảm tuổi nghỉ hưu vì áp lực, điều kiện và môi trường làm việc ở trong vùng sâu, vùng xa, đồi núi hiểm trở, đi lại khó khăn. Thực tế hiện nay cũng cho thấy, đa phần những người trên 55 tuổi, không đủ sức khỏe để đáp ứng nhiệm vụ thường xuyên đi kiểm tra, tuần rừng theo kế hoạch.