BVR&MT – Từ ngày 26 – 27.7, thành phố Đà Nẵng đang diễn ra hội thảo “Bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên lần thứ V ”.
Hội thảo năm nay do Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật thành phố Đà Nẵng kết hợp cùng trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng và Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (Green Việt) đồng tổ chức với chủ đề “ Bảo tồn biển”.
Tham dự hội thảo có Ông Nguyễn Đình Phúc, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Tp Đà Nẵng, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Đại biểu Quốc hội khóa XV; Ông Lê Trần Nguyên Hùng, Trưởng phòng Bảo vệ & Phát triển nguồn lợi thuỷ sản, Cục Kiểm ngư, Bộ NN&PTNT; Ông Nguyễn Thành Vĩnh, Trưởng phòng Quản lý Di sản thiên nhiên, Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Bộ TN&MT; PGS.TS Võ Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, đại diện các tổ chức bảo tồn thiên nhiên Quốc tế ( IUCN), Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc với các dự án bảo tồn biển ở Việt Nam, các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý trong lĩnh vực nghiên cứu về biển và bảo tồn biển…
Hội thảo là diễn đàn cùng kết nối chia sẻ và hành động góp phần hiện thực hóa Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 (trong đó có mục tiêu đến năm 2030 phát triển diện tích các khu bảo tồn biển đạt tối thiểu 6%), và Quyết định số 389/QĐ –TTg ngày 09 tháng 5 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 ( trong đó có mục tiêu thành lập và hoạt động hiệu quả 27 khu bảo tồn biển với tổng diện tích khoảng 463.587 ha, chiếm khoảng 0,463% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia; 149 khu vực ở vùng biển được khoanh vùng bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống của các loài thủy sản).
Đối với phát triển bền vững kinh tế biển miền Trung còn có vai trò quyết định đối với phát triển kinh tế biển cả nước, bởi đây là khu vực có 14/28 tỉnh, thành phố giáp biển của cả nước, với bờ biển dài gần 2.000 km, chiếm hơn 55% bờ biển của cả nước ( 3.260 km). Với 14 tỉnh, thành phố giáp biển, khu vực duyên hải miền Trung có nhiều bãi biển, vùng biển và hải đảo đẹp, cùng với nhiều tài nguyên thiên nhiên quý và hệ sinh thái đa dạng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế biển, du lịch, vận tải có tiềm năng trong việc phát triển các cảng biển lớn, điện gió. Tập trung nhiều khu kinh tế ven biển quan trọng như Nghi Sơn, Vũng Tàu, Chu Lai, Dung Quất; có nhiều cảng biển nước sâu như: Chân Mây, Tiên Sa, Kỳ Hà, Chu Lai, Dung Quất, Quy Nhơn.
Báo cáo tại hội thảo, Ông Lê Trần Nguyên Hùng, Trưởng phòng Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thuỷ sản, Cục Kiểm ngư, Bộ NN&PTNT cho biết: Việt Nam có bờ biển trải dài trên 3.260km, với 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ và 02 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Số liệu thống kê đến nay cho thấy, biển Việt Nam nằm trong vùng có tính đa dạng sinh học (ĐDSH) khá cao, xếp thứ 16 trong số các quốc gia có ĐDSH cao nhất trên thế giới với khoảng hơn 11.000 loài sinh vật biển đã được phát hiện. Trong đó, có khoảng 6.000 loài động vật đáy, 2.038 loài cá, 225 loài tôm biển, 15 loài rắn biển, 12 loài thú biển, 5 loài rùa biển và 43 loài chim nước, 653 loài rong biển, 657 loài động vật phù du; 94 loài thực vật ngập mặn,14 loài cỏ biển, khoảng hơn 400 loài san hô. Các loài này cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, có năng suất sinh học cao và quyết định toàn bộ năng suất sơ cấp của toàn vùng biển. Các đặc trưng nêu trên tạo nên tính đa dạng về cảnh quan tự nhiên, sinh thái và nguồn lợi hải sản, có vai trò vô cùng quan trọng cho phát triển bền vững ngành kinh tế biển Việt Nam. Là chỗ dựa sinh kế quan trọng cho khoảng 20 triệu người dân ven biển, là tiền đề để Việt Nam phát triển một nền kinh tế biển mạnh và bền vững.
Các hệ sinh thái biển, ven biển đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học, cung cấp nguồn lợi hải sản, điều hòa thời tiết khí hậu và là “cơ sở hạ tầng” tự nhiên chống đỡ thiên tai và biến đổi khí hậu. Đặc biệt, các hệ sinh thái này đã tạo nên tiềm năng bảo tồn thiên nhiên biển rất to lớn và cung cấp các dịch vụ quan trọng để phát triển các ngành, nghề kinh tế biển theo hướng bền vững như nghề cá, nuôi trồng, du lịch biển.
Tài nguyên biển Việt Nam có tầm quan trọng đối với đời sống chính trị, kinh tế và văn hoá của đất nước. Trong những năm qua, ngành thủy sản đã có những bước phát triển mạnh mẽ, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đứng đầu về xuất khẩu thủy sản trên thế giới. Năm 2023 kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành Thủy sản ước đạt khoảng 9,2 tỷ USD, giảm 16,36% so với cùng kỳ năm 2022 (11 tỷ USD). Trong đó kim ngạch xuất khẩu: Tôm nước lợ đạt khoảng 3,45 tỷ USD; Cá tra đạt 1,9 tỷ USD; Nhuyễn thể khoảng 0,8 tỷ USD; Cá ngừ khoảng 0,9 tỷ USD. Ước tính đến hết tháng 12/2023: Tổng sản lượng thủy sản đạt 9,269 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2022 (9,087 triệu tấn). Trong đó: Sản lượng khai thác thủy sản đạt 3,861 triệu tấn, tương đương với năm 2022; Sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt hơn 5,408 triệu tấn, tăng 3,5% so với năm 2022 (5,224 triệu tấn). Sự phát triển của ngành thủy sản đã góp phần quan trọng vào mục tiêu xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho cộng đồng người dân, bảo đảm an ninh lương thực, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Ngành thuỷ sản được Đảng và Nhà nước xác định là một trong năm ngành kinh tế biển then chốt tại Nghị quyết số 36-NQ/TW.
Kết quả này đã đóng góp quan trọng đối với phục hồi và phát triển kinh tế đất nước, cải thiện sinh kế, ổn định đời sống, tạo công ăn việc đối với cộng đồng dân cư sống phụ thuộc vào nguồn lợi thủy sản ở các tỉnh ven biển và trong nội địa. Trong đó, đa dạng sinh học, trọng tâm là các hệ sinh thái có vai trò hết sức quan trọng. Vì vậy công tác bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản – vì ngành thủy sản xanh và phát triển bền vững là một nhiệm vụ hết sức quan trọng không chỉ giới hạn trong phạm vi một quốc gia, vùng lãnh thổ mà đã trở thành vấn đề thời sự nóng bỏng, là nhiệm vụ chung của toàn thế giới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Thủy sản đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Khai thác quá mức, khai thác bằng các ngư cụ trái phép; ô nhiễm môi trường trong nuôi trồng thủy sản; “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu đối với sản phẩm thủy sản khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định; tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo tồn biển ngày càng tinh vi và chưa được giải quyết triệt để; tổ chức bộ máy quản lý khu bảo tồn biển chưa thống nhất giữa các địa phương; nguồn nhân lực và kinh phí đầu tư cho các khu bảo tồn biển còn hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu thực tế; thiếu các định mức kinh tế kỹ thuật về nuôi cấy, phục hồi rạn san hô và định mức đầu tư xây dựng hạng mục hạ tầng thiết yếu cho các khu bảo tồn biển; rào cản kỹ thuật của một số nước nhập khẩu làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu… và đặc biệt là sự suy giảm nguồn lợi thủy sản.
Các hệ sinh thái biển đang đứng trước nhiều nguy cơ đe dọa và rủi ro ngày càng tăng từ các hoạt động phát triển của con người như: San lấp, lấn biển, để xây dựng các khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, khách sạn tại các khu vực ven biển, ven đảo; phá rừng ngập mặn để nuôi trồng thủy sản, xây dựng cơ sở du lịch, khu công nghiệp; phát triển du lịch biển tự phát không theo quy hoạch, không gắn kết với bảo vệ môi trường, bảo tồn các hệ sinh thái biển, khai thác tài nguyên thiên nhiên trái phép trong khu bảo tồn biển; sử dụng ngư cụ khai thác có tính hủy diệt…
Phát triển xanh là mục tiêu của kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững trên cơ sở tận dụng các nguồn chất thải, duy trì sử dụng lâu dài các nguồn tài nguyên thiên nhiên, tái tạo các hệ sinh thái tự nhiên. Là chu trình sản xuất khép kín, các chất thải trở thành nguyên liệu cho sản xuất, giảm tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người. Phát triển xanh nhằm bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, nâng cao hiệu quả cạnh tranh, tạo các thị trường mới, tạo công ăn việc làm, gia tăng giá trị xã hội. Do đó, phát triển kinh tế xanh là một xu thế tất yếu, vừa đảm bảo mục tiêu hiện đại hóa nền kinh tế, vừa phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong một thế giới chuyển đổi xanh với vai trò to lớn của biển và đại dương, các quốc gia biển trong đó có Việt Nam phải thay đổi tư duy phát triển và đổi mới công nghệ để hướng đến một nền kinh tế biển xanh, một ngành thuỷ sản xanh phát triển bền vững và hiệu quả.
Nhận thức rõ vai trò của biển đối với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ các quyền và lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông, ngày 22/10/2018, Hội nghị lần thứ 8 BCH TW Đảng Khóa VII đã ban hành Nghị quyết số 36- NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với quan điểm “Phát triển bền vững kinh tế biển là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là quyền và nghĩa vụ của mọi tổ chức,doanh nghiệp và người dân Việt Nam; Phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hòa giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển, phát huy tiềm năng, lợi thế của biển, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước” và mục tiêu cụ thể là “Quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo; tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia”. Nghị quyết là cơ sở quan trọng để các địa phương ven biển lãnh đạo, chỉ đạo phát triển bền vững kinh tế biển hiệu quả hơn, đồng bộ hơn.
Để thực hiện các chủ trương và mục tiêu Nghị quyết 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội ban hành và tổ chức thực hiện hệ thống các quy định về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tại Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành. Bộ NN&PTNT cũng đã tham mưu trình Chính phủ phê duyệt và ban hành Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thuỷ sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành chương trình Chương trình điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loại thủy sản; Chương trình quốc gia về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030. Hiện nay, Bộ đang tiếp tục chỉ đạo, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án mở rộng, thành lập mới các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, phục hồi các hệ sinh thái biển đến năm 2030 để đảm bảo diện tích các vùng biển, ven biển đạt 6% diện tích tự nhiên vùng biển Việt Nam với mục tiêu “Quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo; tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt khoảng 3% vào năm 2025 và 6% vào năm 2030 diện tích tự nhiên vùng biển Việt Nam, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng, bảo đảm tính toàn vẹn và mối quan hệ tự nhiên giữa các hệ sinh thái đất liền và biển; chủ động ứng phó với biển đổi khí hậu và nước biển dâng; phát triển bền vững kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển”.
Hồng Sơn