BVR&MT – Nghệ An là địa phương có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước. Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và chế biến gỗ đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân. Tuy vậy, ngành lâm nghiệp Nghệ An còn đối mặt nhiều khó khăn, thách thức để phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển bền vững ngành lâm nghiệp, gia tăng diện tích được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC)…
Tỉnh Nghệ An hiện có 228.435,38 ha rừng trồng; trong đó, rừng trồng đã thành rừng hơn 171.421 ha và rừng trồng chưa thành rừng hơn 57.013 ha. Toàn tỉnh có gần 25.000 ha diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ rừng trồng thâm canh gỗ lớn chiếm 30% diện tích rừng trồng.
Hiệu quả hơn “bán lúa non”
Năm 2018, Hợp tác xã Lâm nghiệp và dịch vụ tổng hợp xã Thanh Thủy (huyện Thanh Chương) được Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam hỗ trợ phát triển hai mô hình chuyển đổi từ mô hình rừng gỗ nhỏ sang mô hình rừng gỗ lớn theo phương pháp cắt tỉa hằng năm, 5 ha/mô hình. Từ những diện tích ban đầu, đến nay, diện tích đăng ký rừng trồng gỗ lớn của hợp tác xã đã lên đến 250 ha, với sự tham gia của 17 hộ thành viên; trong đó 70 ha cây từ bảy năm tuổi trở lên.
Theo ông Nguyễn Sỹ Bình, Giám đốc Hợp tác xã Lâm nghiệp và dịch vụ tổng hợp xã Thanh Thủy, nếu rừng keo trồng 5 năm mang về doanh thu từ 50-60 triệu đồng, thì rừng từ 10 năm tuổi trở lên, giá trị có thể lên đến 90-120 triệu đồng. Nhận thấy lợi ích của mô hình trồng rừng gỗ lớn, ngày càng có nhiều hộ dân đăng ký tham gia. Hợp tác xã có 1.600 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC. So với gỗ chưa có chứng chỉ, gỗ có chứng chỉ được nhà máy thu mua cả vỏ với giá cao hơn từ 10-12%.
Một trong những hộ dân tham gia mô hình trồng rừng gỗ lớn đầu tiên ở xã Thanh Thủy là gia đình ông Nguyễn Văn Vê. Cách đây ít tháng, gia đình ông thu hoạch đồi keo 35 ha sau hơn 12 năm trồng và chăm sóc, thu về lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.
Theo ông Vê, để đầu tư trồng mới 1 ha keo, trong ba năm đầu, người dân phải bỏ ra khoảng 30 triệu đồng (tiền mua cây giống, phân bón và nhân công trồng, chăm sóc). Nay, trồng rừng gỗ lớn, giảm được công chăm sóc, chi phí đầu tư, khai thác, mà sản lượng nhiều hơn, chất lượng tốt hơn, giá gỗ cao hơn.
Tại huyện Con Cuông bình quân mỗi năm toàn huyện trồng từ 1.500-1.800 ha rừng tập trung. Những năm gần đây, rừng sản xuất và rừng trồng cây gỗ lớn bản địa đang được nhiều đơn vị, hộ gia đình đầu tư mở rộng.
Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Con Cuông Nguyễn Ngọc Lam cho biết: Từ nhiều năm qua, phát triển rừng gỗ lớn là chủ trương được công ty chú trọng thực hiện. Đơn vị đang có 495 ha diện tích rừng trồng sản xuất là rừng trồng phát triển theo mô hình rừng gỗ lớn; trong đó 50 ha diện tích từ tám năm tuổi trở lên. Ngoài yếu tố giống, sản lượng gỗ tùy thuộc vào điều kiện địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng. Rừng trồng 5-6 năm cho năng suất bình quân 70-80 tấn/ha, nhưng nếu lưu cây thêm 3-5 năm nữa, có thể thu 130-150 tấn/ha. Không chỉ sản lượng tăng, giá gỗ keo trồng 5 năm là 800.000-1 triệu đồng/tấn, trong khi gỗ rừng già được thu mua với giá 1,5-1,7 triệu đồng/tấn, lại không phải bóc mà bán cả vỏ. Tính chung trên địa bàn huyện Con Cuông đang có khoảng 1.000 ha rừng gỗ lớn, tập trung ở các xã Đôn Phục, Mậu Đức, Bồng Khê…
Ông Lô Văn Lý, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, địa phương đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có từ 1.500 ha-2.000 ha diện tích rừng trồng gỗ lớn.
Tiên phong chuyển rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn, Công ty TNHH một thành viên Lâm Nông nghiệp Sông Hiếu (thị xã Thái Hòa) đang quản lý 6.700 ha rừng sản xuất; trong đó có hơn 1.500 ha rừng gỗ lớn (80% cây từ 10 năm tuổi trở lên).
Ông Nguyễn Ngọc Hoàng, Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty cho biết: “Nhờ bảo đảm nguồn giống, thực hiện tốt công tác chăm sóc cho nên 1 ha rừng trồng gỗ lớn của công ty cho sản lượng gỗ khoảng 250-300 tấn, doanh thu từ 280-350 triệu đồng, cao hơn rất nhiều so với rừng gỗ nhỏ. Nếu 1 ha rừng gỗ nhỏ, sản lượng gỗ chỉ đạt 120-150 tấn, doanh thu ở mức từ 120-160 triệu đồng”.
Ông Hồ Đức Đàn, Giám đốc Xí nghiệp chế biến nông lâm sản Sông Hiếu cho biết, rừng gỗ lớn cho từ 50-60% lượng gỗ để sản xuất gỗ xẻ, ghép thanh, còn phần ngọn chế biến dăm. Cây càng lâu năm, lượng gỗ càng lớn, chất lượng gỗ càng cao. Bởi vậy, diện tích rừng trồng gỗ lớn tăng sẽ là điều kiện để thúc đẩy ngành chế biến gỗ phát triển.
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An cho thấy, đến nay, diện tích rừng trồng nguyên liệu gỗ lớn trên địa bàn tỉnh đạt hơn 32.000 ha, chiếm gần 20% diện tích rừng trồng của cả tỉnh. Cùng với đó, tỉnh Nghệ An đã xây dựng một số mô hình trình diễn về trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn.
Việc trồng rừng gỗ lớn không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng rừng gỗ nhỏ, mà còn góp phần quan trọng trong bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó, giảm tác hại của biến đổi khí hậu, thời tiết, bão lũ ngày càng có những diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là ở các huyện miền núi cao, nơi thường xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét…
Cần chính sách hỗ trợ đủ mạnh
Thời gian qua, với việc thực hiện các cơ chế, chính sách và sự đôn đốc, khuyến khích người dân trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã đạt những kết quả tích cực. Tuy nhiên, so với tiềm năng của địa phương và mục tiêu đề ra thì kết quả này còn khiêm tốn. Mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ rừng trồng thâm canh gỗ lớn chiếm 30% diện tích rừng trồng cả tỉnh, song đến nay, mới chỉ đạt gần 20%.
Ông Nguyễn Danh Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, một số nguyên nhân chính như: Diện tích đất sản xuất lâm nghiệp chủ yếu ở các huyện miền núi, nơi có điều kiện kinh tế-xã hội còn khó khăn, lâu nay vẫn quen sản xuất chu kỳ ngắn. Nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số trình độ nhận thức còn hạn chế, thiếu vốn để đầu tư chu kỳ trồng dài. Tiến độ thực hiện công tác giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chậm. Bên cạnh đó, công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng chưa được đầu tư phát triển, thiếu các nhà máy chế biến sâu, sản phẩm gỗ xuất khẩu còn qua nhiều khâu trung gian, thị trường gỗ lớn chưa thật sự phát triển, do vậy người dân chưa thấy rõ được lợi ích to lớn từ việc trồng rừng sản xuất, kinh doanh gỗ lớn và trồng rừng thâm canh…
Ông Nguyễn Sỹ Bình, Giám đốc Hợp tác xã Lâm nghiệp và dịch vụ tổng hợp xã Thanh Thủy cho biết: “Trồng rừng gỗ nhỏ sau 5 năm đã cho thu hoạch, còn trồng rừng gỗ lớn thì cần gấp đôi. Trong khoảng thời gian này, tiền để con cái ăn học, trang trải sinh hoạt gia đình là cả một vấn đề lớn với các hộ gia đình, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, nhiều hộ đành phải “bán lúa non”, bán gỗ nguyên liệu ván ép, bột giấy. Đó là chưa kể thời gian trồng kéo dài, nguy cơ rủi ro về thiên tai, dịch bệnh và mật độ trồng cũng thưa hơn…”.
Ông Nguyễn Ngọc Hoàng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên Lâm Nông nghiệp Sông Hiếu cho rằng: Nghệ An là địa phương có diện tích đất rừng lớn, thuận lợi để thực hiện chủ trương trồng rừng gỗ lớn. Bên cạnh việc làm tốt công tác quy hoạch vùng trồng; nâng cao nhận thức của người dân; đẩy mạnh liên doanh, liên kết giữa người dân và doanh nghiệp; đầu tư hạ tầng trong các vùng nguyên liệu để giảm chi phí khai thác; đẩy mạnh nghiên cứu và nhân rộng các mô hình kinh tế dưới tán rừng nhằm giúp người dân “lấy ngắn nuôi dài”… thì giải pháp hết sức quan trọng là Nhà nước cần có chính sách tín dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp theo chu kỳ cây trồng. Người dân, doanh nghiệp khi vay trồng rừng gỗ lớn có thể trả tiền lãi một lần sau khi khai thác.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An cho biết, tại kỳ họp thứ 21 vừa qua, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An đã thông qua dự thảo đồ án và đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành lập Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ với diện tích 618 ha, bao gồm ba phân khu chức năng chính, gồm: Trung tâm sản xuất giống cây lâm nghiệp; khu sản xuất chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ và sàn giao dịch kết hợp triển lãm giới thiệu gỗ nguyên liệu và các sản phẩm chế biến từ gỗ và lâm sản ngoài gỗ.
Khi đi vào hoạt động, Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao được được kỳ vọng sẽ là cơ sở để tỉnh Nghệ An thu hút các doanh nghiệp lớn trong ngành công nghiệp chế biến, đặc biệt là các doanh nghiệp chế biến ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.