BVR&MT – Đó là một trong những đề nghị của đồng chí Hà Ngọc Chiến – Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc Quốc hội trong buổi giám sát thực hiện các chính sách pháp luật về giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2006-2016 tại tỉnh Lai Châu vừa qua (24/08).
Làm việc với Đoàn, về phía tỉnh Lai Châu có các đồng chí: Vũ Văn Hoàn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đỗ Ngọc An – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Tống Thanh Bình – Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành liên quan…
Lai Châu là tỉnh miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn với 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 265,095km đường biên giới giáp với Trung Quốc. Tỉnh có vai trò, vị trí hết sức quan trọng với hệ thống rừng phòng hộ đầu nguồn sông Đà, góp phần phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Sau 10 năm triển khai thực hiện chính sách pháp luật về giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số, miền núi, tỉnh Lai Châu đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo đó, tỉnh đã ban hành Quyết định số 1405/QĐ-UBND, ngày 9/10/2007 về việc phê duyệt kết quả rà soát, quy hoạch 3 loại rừng cùng nhiều văn bản khác nhằm triển khai, tổ chức và chỉ đạo thực hiện các chính sách pháp luật về giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình. Công tác phổ biến, tuyên truyền Luật Bảo vệ và phát triển rừng; các văn bản dưới luật cũng được tỉnh quan tâm, chỉ đạo thực hiện thường xuyên với nhiều hình thức đa dạng. Từ đó, nhận thức của cộng đồng dân cư, hộ gia đình trong bảo vệ và phát triển rừng được nâng lên rõ rệt.
Về kết quả giao đất, giao rừng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2006 – 2016: Tổng diện tích đất rừng của tỉnh tính đến hết ngày 31/12/2016 là 680.664,83ha, trong đó, đất có rừng là 389.266,57ha; đất không có rừng 291.389,26ha. Các loại đất rừng đã giao cho tổ chức, doanh nghiệp gồm: các Ban Quản lý dự án Rừng phòng hộ 316.541,33ha; UBND các xã quản lý 204.367ha; các tổ chức kinh tế 6.028,1ha; cộng đồng dân cư 89.540,44ha; hộ gia đình, cá nhân 64.187,96ha. Tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh trong giai đoạn 2006 – 2016 tăng từ 37,7% lên 46,8%, tăng 9,1%.
Công tác quản lý, bảo vệ rừng của các tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình được thực hiện tốt hơn sau khi nhận giao khoán. Góp phần tạo niềm tin của Nhân dân với Đảng, chính quyền các cấp; hạn chế tình trạng di dân tự do, sản xuất tự phát, manh mún, thay đổi tập quán canh tác của người dân. Tạo công ăn việc làm ổn định, nâng cao nhận thức của người dân về những tác dụng của rừng. Tỷ lệ che phủ rừng không ngừng được nâng lên, thực hiện mục tiêu phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, chống sạt lở đất, hạn chế xói mòn, rửa trôi; bảo vệ an toàn và tích nước cho các công trình thủy điện, thủy lợi và nguồn nước sinh hoạt của người dân.
Sau khi nghe báo cáo của tỉnh, các thành viên Đoàn giám sát đề nghị tỉnh làm rõ một số nội dung: Phân tích, đánh giá hiệu quả giao rừng cho các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp; số liệu trong báo cáo của huyện Sìn Hồ, Phong Thổ và của tỉnh có sự chênh lệch khá lớn. Qua thực tế giám sát, hầu hết đất rừng chủ yếu là rừng phòng hộ được giao cho các Ban Quản lý Rừng phòng hộ, chưa giao cho hộ gia đình, cá nhân, người dân chưa phải chủ rừng có ảnh hưởng gì đến công tác bảo vệ và phát triển rừng hay không; nguyên nhân một bộ phận người dân địa phương chưa thiết tha với việc trồng rừng; đánh giá hiệu quả việc giao đất, giao rừng của các Ban Quản lý Rừng phòng hộ và UBND các xã; 13 chốt bảo vệ rừng được xây dựng và hoạt động có trích từ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng hay không… Đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan đã giải đáp, làm rõ và cung cấp thêm thông tin cho Đoàn.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Đỗ Ngọc An – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: sau 10 năm thực hiện chính sách pháp luật về giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư, ý thức của người dân, cộng đồng được nâng lên rõ rệt, bằng chứng là tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh tăng đều qua các năm; đời sống của người dân được nâng cao, đặc biệt kể từ sau khi thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Thời gian tới, những nơi rừng có thể tái sinh, trồng được rừng, tỉnh sẽ tiếp tục có chính sách hỗ trợ người dân trồng rừng theo các quy định của nhà nước. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng kiến nghị với Đoàn: tăng phí chi trả dịch vụ môi trường rừng để nâng mức sống của người dân khu vực có rừng, tăng phí khoanh nuôi, bảo vệ, trồng rừng lên 1 triệu đồng/ha để khuyến khích người dân trồng rừng; có chính sách phù hợp vừa phát triển được rừng, vừa đảm bảo cuộc sống người dân.
Kết luận buổi giám sát, đồng chí Hà Ngọc Chiến – Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Uỷ viên Ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội đánh giá cao sự chuẩn bị của tỉnh và các huyện cho chương trình giám sát của Đoàn. Qua các buổi giám sát, đồng chí cũng cho rằng: Lai Châu có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh nguồn nước khu vực đầu nguồn cho đồng bằng sông Hồng, việc quy hoạch, bảo vệ rừng không chỉ cho tỉnh mà còn cho cả nước. Đồng chí cũng đề nghị, tỉnh cần nghiên cứu việc giao đất cho các hộ gia đình để đẩy mạnh việc trồng rừng, bảo vệ rừng, người dân hưởng lợi từ rừng theo đúng quy định; giải quyết dứt điểm các vụ việc liên quan đến giao đất, giao rừng trước thời điểm 2005; vấn đề tuyên truyền cần được thực hiện thường xuyên; tỉnh nên tổ chức Hội nghị tổng kết về giao đất, giao rừng, nhất là thời điểm chuẩn bị sửa đổi, bổ sung luật mới về bảo vệ và phát triển rừng; đẩy mạnh việc giao đất, giao rừng đến cộng đồng dân cư và hộ gia đình, nhất là đối với tỉnh có vị trí quan trọng về nguồn nước như Lai Châu.
Các ý kiến kiến nghị của tỉnh, Đoàn sẽ tiếp thu và kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan xem xét, giải quyết cho tỉnh.