BVR&MT – Chưa đầy 10 tháng từ ngày triển khai, hệ sinh thái nơi khoanh nuôi cánh rừng Net Zero Vinamilk tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau đã tái sinh một cách kì diệu. Bên trong hàng rào bảo vệ 25ha rừng, hơn 71.000 cây mắm con đã cao 40-50cm, trở thành bãi sinh sản cho tôm cá, thu hút những đàn chim cót, chim nhàn… trở về làm tổ.
Nằm sâu trong khu vực lõi Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, cánh rừng Net Zero Vinamilk do Vinamilk đồng hành cùng Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau triển khai khoanh nuôi xúc tiến tái sinh từ tháng 8/2023. Dự án có diện tích 25 hecta, với mục tiêu tái sinh 100.000-250.000 cây xanh trong 6 năm (2023-2029).
Chưa đầy 9 tháng kể từ ngày dựng hàng rào khoanh nuôi, cánh rừng đã đón hơn 71.000 “cư dân” đầu tiên. Đó là những cây mắm đen nảy mầm từ hạt của những cây mắm “mẹ” rụng hồi tháng 8 năm ngoái. Với hệ rễ phổi độc đáo – mọc ngược từ dưới lên, cây mắm được ví như những “người lính” quả cảm, giúp cố định đất bùn tạo điều kiện cho các loài cây khác như đước, sú, vẹt… lấn về phía biển. Mỗi năm, vùng đất bãi bồi có thể lấn ra biển gần 100m.
Đến thời điểm hiện nay, hơn 71.000 cây mắm con đã mọc lên, cao 40-50cm. Ông Nguyễn Văn Sự, Trưởng phòng Khoa học Kĩ thuật và Hợp tác Quốc tế Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau cho biết, mật độ cây mắm tái sinh tại cánh rừng Net Zero Vinamilk khá dày. “Với tốc độ phát triển như hiện nay, chúng tôi tin rằng 25ha rừng hợp tác tái sinh với Vinamilk sẽ sớm được phủ xanh, nhanh hơn mục tiêu đề ra ban đầu”, ông cho biết.
Đi thuyền từ xa, đã có thể dễ nhận ra khu vực cánh rừng Net Zero Vinamilk nhờ những đàn chim nhạn, chim cót… hàng trăm con bay lượn, náo nhiệt cả một khu vực. Theo kinh nghiệm khoanh nuôi rừng ngập mặn nhiều năm qua, bà Huyền Đỗ – Nhà sáng lập kiêm Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia cho biết, đây là tín hiệu rất vui. Bởi các đàn chim, cò tìm về cho thấy thảm thực vật và hệ sinh vật rừng đang phát triển tốt.
Nhờ được bảo vệ, vô vàn thủy – hải sản đã tìm đến cánh rừng Net Zero Vinamilk để sinh sản. Thoăn thoắt trên bãi bồi là các loài cá thòi lòi, cá bống sao, cua, ba khía, ốc… đang tìm thức ăn.
Điều đặc biệt là, xung quanh những cây mắm đã vươn cao, còn có vô số hạt mắm trắng đang nẩy mầm. Theo bà Huyền Đỗ – Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Gaia – đây là điều khá lạ, khi mùa mắm rụng hạt, tái sinh ở Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau thường là khoảng tháng 8 – tháng 10 hàng năm.
“Đây là tín hiệu rất đáng mừng, khi những hạt mắm trắng rụng vào khoảng tháng 5 vừa rồi cũng đã trụ lại và nảy mầm. Nhiều năm xúc tiến tái sinh rừng ngập mặn, chúng tôi hiếm thấy hạt mắm tháng 5 nảy mầm nhiều như vậy”, bà Huyền cho biết.
Khu vực hiện nay còn là bãi đất trống sẽ dần được lấp đầy bởi màu xanh của những cây mắm, cây đước… trong vài năm nữa, góp phần mở rộng những cánh rừng ngập mặn, lấn biển, giữ đất.
Hàng năm, Vinamilk, Gaia và Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau sẽ cùng triển khai các công tác như gia cố hàng rào khoanh nuôi, theo dõi sát sự phát triển của cây, phòng ngừa các rủi ro như dịch bệnh, thời tiết bất lợi… để đảm bảo sự tái sinh của cánh rừng đạt được mục tiêu đề ra sau 6 năm.
Với khả năng hấp thụ carbon hiệu quả gấp 4-10 lần so với rừng trên cạn, cánh rừng Net Zero Vinamilk được triển khai với mục tiêu xây dựng một “bể” chứa có dung lượng 17.000-20.000 tấn carbon, tương đương 62.000-73.000 tấn CO2e. Đây là một trong những hành động cụ thể của Vinamilk nhằm hướng đến mục tiêu đạt Net Zero vào năm 2050.
Ban biên tập