BVR&MT – Với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã bầu bà Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội.
Chiều 6/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết bầu bà Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội.
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Phó Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026 đối với bà Nguyễn Thị Thanh bằng hình thức biểu quyết điện tử.
Với kết quả 467 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 95.89% tổng số ĐBQH), trong đó có 465 đại biểu tán thành (bằng 95.48% tổng số ĐBQH), có 1 đại biểu không tán thành (bằng 0.21% tổng số ĐBQH); có 1 đại biểu không biểu quyết (bằng 0.21% tổng số ĐBQH).
Bà Nguyễn Thị Thanh sinh ngày 10/2/1967; quê quán xã Yên Nhân, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình; Trình độ chuyên môn Thạc sĩ Quản trị kinh doanh, Đại học Thanh vận, Cử nhân Luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh từng có nhiều năm công tác tại tỉnh Ninh Bình, trải qua các chức vụ: Phó Chánh Văn phòng Tỉnh đoàn Ninh Bình; Chánh Văn phòng Tỉnh đoàn, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh; Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Đồng đội tỉnh; Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh; Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Ninh Bình; Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh; Bí thư Huyện ủy Yên Khánh; Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa 13 tỉnh Ninh Bình…
Tháng 4/2020, bà được điều động, bổ nhiệm làm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Như vậy lãnh đạo Quốc hội hiện nay gồm: Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và 4 Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Đức Hải, Nguyễn Khắc Định, Trần Quang Phương và Nguyễn Thị Thanh.
Theo quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Quốc hội bầu Phó chủ tịch Quốc hội trong số các đại biểu Quốc hội theo danh sách đề cử của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Các Phó Chủ tịch Quốc hội giúp Chủ tịch Quốc hội làm nhiệm vụ theo sự phân công của Chủ tịch. Khi Chủ tịch Quốc hội vắng mặt, một Phó Chủ tịch Quốc hội được Chủ tịch ủy nhiệm thay mặt thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Quốc hội.