BVR&MT – Đến Võ Nhai bây giờ, trước mắt chúng tôi là màu xanh bát ngát của rừng trồng và cây ăn quả, ruộng nương cũng xanh màu ngô, lúa. Điều đó cho thấy, địa phương vùng cao này đã có những bước phát triển, khẳng định vai trò quan trọng của sản xuất nông, lâm nghiệp trong phát triển kinh tế – xã hội. Nhưng để các loại nông sản của huyện thực sự trở thành hàng hóa, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, thì vẫn cần thêm giải pháp khả thi.
Đặc điểm riêng có
Võ Nhai là huyện vùng cao duy nhất của tỉnh, có độ cao trung bình so với mực nước biển từ 100-800m. Địa hình của huyện chủ yếu là đồi, núi chia làm 3 vùng rõ rệt. Vùng núi cao gồm 6 xã (Nghinh Tường, Sảng Mộc, Thượng Nung, Vũ Chấn, Thần Sa, Cúc Đường) với tổng diện tích gần 44.000ha, chiếm tới 52,15% tổng diện tích đất tự nhiên của huyện. Vùng này chủ yếu là đất rừng đặc dụng, phòng hộ, với nhiều núi đá vôi hiểm trở nên việc đi lại, giao thương gặp nhiều khó khăn. Chưa kể, dân cư sinh sống không tập trung, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số (Mông, Dao, Tày, Nùng…), trình độ dân trí không đồng đều, số hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao (có xóm, bản, số hộ nghèo chiếm trên 90%).
Hai vùng còn lại là vùng thấp gồm 4 xã, thị trấn (Phú Thượng, Lâu Thượng, La Hiên, Đình Cả) và vùng gò đồi gồm 5 xã (Tràng Xá, Liên Minh, Phương Giao, Dân Tiến, Bình Long), có điều kiện tự nhiên thuận lợi hơn, nhiều đồi bát úp, nhiều khe, suối đan xen thuận lợi cho việc canh tác lúa nước, hoa màu, trồng rừng và cây ăn quả… nhưng người dân chưa mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế nên chất lượng nông sản còn thấp, ít sản phẩm hàng hóa có thương hiệu nổi bật trên thị trường; hiệu quả sử dụng đất đai, tài nguyên chưa cao. Dẫn đến sản xuất nông, lâm nghiệp của huyện còn nhỏ lẻ, manh mún, dễ bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, biến động thị trường; liên kết trong sản xuất thiếu tính ràng buộc; quy mô, phạm vi liên kết còn ở dạng mô hình…
Qua phân tích cho thấy, huyện Võ Nhai có đất sử dụng cho mục đích nông nghiệp không lớn, nhưng bù lại, đất xám bạc màu và đất đỏ lại chiếm khoảng 75% diện tích. Loại đất này rất phù hợp với trồng cây ăn quả, cây dược liệu; trên địa bàn huyện có sông Nghinh Tường và sông Dong với nhiều khe suối nhỏ, tạo nên nguồn nước mặt, nước ngầm phong phú, thuận lợi cho việc tưới tiêu, sản xuất nông, lâm nghiệp và sinh hoạt.
Khai thác lợi thế, xác định cây trồng chủ lực
Đối với những xã vùng thấp, tuy diện tích đất tự nhiên chỉ hơn 14.000ha (chiếm 16,69% tổng diện tích đất tự nhiên) nhưng địa hình khá bằng phẳng, được tạo nên bởi nhưng thung lũng chạy dọc Quốc lộ 1B, hai bên là những dãy núi cao có độ dốc lớn, đan xen nhiều khe suối; có hệ thống giao thông, thủy lợi, nguồn điện lưới quốc gia thuận lợi… phù hợp cho phát triển nông nghiệp hàng hóa.
Thời gian qua, huyện Võ Nhai chỉ đạo các xã thuộc vùng này tập trung đưa giống lúa, ngô, cây màu cho năng suất, chất lượng cao vào gieo trồng. Đồng thời tích cực xây dựng các mô hình mới như trồng ớt ngọt, ngô ngọt, dưa bao tử… để tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp trên 1ha đất.
Vùng gò đồi, có diện tích hơn 26,000ha (chiếm 31,16%) thuận lợi cho canh tác lúa nước, hoa màu, trồng rừng và cây ăn quả…, huyện tích cực vận động người dân mở rộng diện tích trồng na, bưởi, ổi, cam, thanh long… Còn vùng núi cao, tuy núi non hiểm trở nhưng đất rừng đa dạng, nhiều loại cây, con phong phú tạo nên cảnh đẹp tự nhiên hữu tình… thuận lợi cho phát triển lâm nghiệp (trồng keo, bạch đàn), cây dược liệu (quế), chăn nuôi đại gia súc và du lịch sinh thái…
Đến nay, Võ Nhai đã xác định được 25 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, trong đó có 9 sản phẩm OCOP, như: trà móc câu, trà tôm nõn, mật ong mè, trà hoa đu đủ đực, trà giảo cổ lam, nấm hương, măng mai sấy khô, đỗ tương bản địa…
Thực hiện tốt các giải pháp
Sau khi rà soát, xác định được những thuận lợi, khó khăn, những yếu tố chủ quan, khách quan, Võ Nhai đã tập trung xây dựng Đề án Phát triển nông – lâm nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đồng chí Hà Thị Bích Hồng, Bí thư Huyện ủy, cho biết: Đề án góp phần xác định quan điểm, mục tiêu phát triển, các nội dung cần làm, lộ trình và giải pháp phù hợp với phát triển nông nghiệp, nông thôn của huyện; khai tác tối đa tiềm năng lợi thế, nguồn lực, tạo động lực mới có tính đột phá trong phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Võ Nhai phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất ngành Nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt hơn 1.167 tỷ đồng, tăng bình quân hằng năm 5,5%; giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt đạt 105 triệu đồng trở lên…
Trong 5 năm, huyện phấn đấu trồng mới, trồng thay thế 150ha chè, nâng tổng diện tích chè toàn huyện lên 1.400ha; diện tích trồng mới và nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ tại các vùng cây ăn qủa tập trung là 1.500ha, trong đó 1.000ha đạt tiêu chuẩn VietGAP, 500ha đạt tiêu chuẩn hữu cơ; tổng diện tích rừng gỗ lớn và cấp chứng chỉ rừng đến năm 2026 là 1.000ha, duy trì độ che phủ của rừng trên địa bàn huyện đạt trên 70%…
Để đạt được mục tiêu trên, huyện Võ Nhai đã, đang chỉ đạo các cấp, ngành chức năng của huyện tăng cường công tác vận động, tuyên truyền, tích cực triển khai thực hiện Đề án bằng những việc làm cụ thể. Hằng năm, huyện trồng trồng mới, trồng thay thế từ 30-40ha chè; đẩy mạnh kỹ thuật canh tác lúa cải tiến (SRI), sản xuất cánh đồng một giống, kết hợp bảo tồn các giống lúa đặc sản của địa phương; trồng mới, trồng thay thế trên 100ha cây ăn quả là những giống đem lại giá trị kinh tế cao (na, bưởi, cam…); tuyên truyền mở rộng quy mô trồng cây dược liệu ở các xã phía Bắc.
Huyện phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất nông, lâm nghiệp; nghiên cứu ứng dụng chuyển giao công nghệ cao, công nghệ an toàn, chê biến sâu, chế biến tinh trong sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp thế mạnh. Xây dựng các mô hình sản xuất, kênh tiêu thụ, kết nối cung – cầu giữa vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với hệ thống phân phối ở trong ngoài địa bàn…