BVR&MT – Đà Lạt – Trung tâm sản xuất hoa lớn nhất Đông Dương, được Chính phủ công nhận “Thành phố Festival Hoa Việt Nam”. Nơi đây, ngoài sản xuất hoa thương phẩm (3 tỷ cành hoa các loại/năm), còn có 5 loài hoa thân Gỗ luân phiên nở suốt 4 mùa, trang điểm nhan sắc Đà Lạt, luôn làm ngất ngây người dân và du khách thập phương.
1. Hoa Anh Đào: Tên khoa học Prunus Cesacoides, nở chi chít hoa từ gốc đến ngọn, rực hồng phố núi, báo hiệu xuân về. Đây là loài hoa bản địa, được trồng nhiều quanh hồ Xuân Hương, Tuyền Lâm, đèo Prenn, đường Trần Hưng Đạo, Lê Đại Hành, các Công viên Trường học… “Ai lên xứ hoa đào đừng quên mang về một cành hoa…”. Hoa Anh Đào đã góp phần làm nên “Thương hiệu Đà Lạt”.
2. Phượng Tím: Nguồn gốc từ Nam Mỹ, du nhập vào Đà Lạt năm 1962. Kỹ sư Lương Văn Sáu (du học tại Pháp) mang hạt về ươm, nhưng chỉ sống được 2 cây (Khách sạn TTC và Vườn hoa Bích Câu). Năm 1995, Tiến sĩ Hà Ngọc Mai mang hạt Phượng Tím từ Úc về ươm, được hơn 5.000 cây “phủ sóng” khắp phố phường Đà Lạt. Cứ mỗi độ xuân về Phượng Tím nở “tím trời” Đà Lạt, đẹp đến nao lòng.
3. Mimosa: Tên khoa học Mimosaceae, du nhập vào Đà Lạt gần 100 năm nay, nở hoa vào mùa khô, hoa hình cầu vàng óng như tơ, nở hết đợt này đến đợt khác. Ở Đà Lạt, có 1 con đường mang tên Mimosa, đó là đèo Mimosa dài 10km (song song với đèo Prenn). Mimosa, được trồng nhiều ven đường Mimosa, trong các Công viên, Khu du lịch, Dinh thự, Trường học.
4. Chuông Vàng: Tên khoa học Spathodea Campanulata Bean, du nhập vào Đà Lạt năm 1960, nguồn gốc từ châu Phi, cây đầu tiên được trồng tại chùa Quán Thế Âm. Từ năm 1996, Công ty Đô thị Đà Lạt nhập giống mới, trồng nhiều hai bên đường Lê Hồng Phong, Phan Đình Phùng, công viên Ánh sáng… Hoa màu vàng cam (tựa quả chuông), nở thành chùm suốt 4 mùa, rất ấn tượng. 5. Vông Kê: Nguồn gốc từ Trung Đông, tên khoa học Erythrina cristagalli, du nhập vào Đà Lạt năm 1960. Hai cây đầu tiên, do KS Lương Văn Sáu trồng ở Khách sạn Palace. Đến nay, đã thành cổ thụ (cao 13m), thân-cành xù xì mốc meo, nở hoa quanh năm màu đỏ cam, rất bắt mắt. Từ năm 1993, Đà Lạt nhập loài Vông Kê mới (Osaka), được trồng nhiều trong các công viên, khu du lịch.
Hà Hữu Nết