BVR&MT – Malaysia đang lên kế hoạch triển khai chính sách “ngoại giao đười ươi”, tặng loài linh trưởng cho những quốc gia mua dầu cọ của nước này.
Tuy nhiên, ý tưởng đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ những nhà bảo tồn, khi họ cho rằng dầu cọ là một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến số lượng của đười ươi suy giảm.
Theo đài truyền hình CNN, dầu cọ là dầu thực vật được tiêu thụ phổ biến nhất thế giới, được dùng trong mọi loại sản phẩm, từ dầu gội, xà phòng cho đến những que kem. Việc khai thác đất để trồng cọ lấy dầu là một trong những nguyên nhân gây ra nạn chặt phá rừng và đe doạ tới môi trường sống của loài đười ươi. Malaysia đang là quốc gia xuất khẩu dầu cọ lớn thứ hai trên thế giới, chỉ đứng sau Indonesia.
Trong nhiều năm trở lại đây, hoạt động sản xuất dầu cọ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của Malaysia. Quan chức chính phủ cũng đã nỗ lực rất nhiều để bảo vệ và đổi mới thương hiệu của ngành bằng cách đưa ra các sáng kiến hỗ trợ tính bền vững, bao gồm cải thiện các hoạt động và cấp giấy chứng nhận xanh được chính phủ chứng thực cho các công ty đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững.
Tại hội nghị thượng đỉnh về đa dạng sinh học tổ chức tại thủ đô Kuala Lumpur ngày 8/5, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Trồng trọt và Hàng hóa Malaysia Johari Abdul Ghani đã công bố kế hoạch “ngoại giao đười ươi”, dựa theo chính sách ngoại giao gấu trúc của Trung Quốc. Theo đó, chính phủ Malaysia sẽ tặng đười ươi cho một số đối tác thương mại lớn nhất.
Bộ trưởng Ghani cho biết: “Đó là một chiến lược ngoại giao có lợi cho các đối tác thương mại và quan hệ đối ngoại, đặc biệt là ở các nước nhập khẩu dầu cọ lớn như EU, Ấn Độ và Trung Quốc”.
Mặc dù ông Ghani không cung cấp thêm thông tin chi tiết song hoan nghênh những tập đoàn dầu cọ lớn trong nước đã hợp tác với các nhóm môi trường địa phương để chăm sóc loài đười ươi đang có nguy cơ tuyệt chủng.
“Đây sẽ phản ánh cách Malaysia bảo tồn các loài động vật hoang dã và duy trì tính bền vững của các khu rừng, đặc biệt là trong ngành trồng dầu cọ”, Bộ trưởng Ghani nhấn mạnh.
Tuy nhiên, thông báo trên đã nhanh chóng thu hút phản ứng dữ dội từ các nhà bảo tồn. Ông Stuart Pimm, Chủ tịch Ngành Sinh thái bảo tồn tại Đại học Duke (Mỹ): “Hành động phá hủy các khu rừng nhiệt đới nơi đười ươi sinh sống, mang chúng đi và tặng chúng làm quà để lấy lòng các quốc gia khác là hoàn toàn đi ngược lại cách chúng ta cần bảo vệ loài động vật và hành tinh của chúng ta”.
Ông chỉ ra: “Có sự khác biệt rất lớn giữa những gì Malaysia đề xuất và những gì Trung Quốc đã làm đối với gấu trúc. Trung Quốc có cơ sở vật chất hiện đại dành cho gấu trúc và quan trọng hơn là đã thành lập các khu bảo tồn để bảo vệ quần thể gấu trúc hoang dã. Những gì chính phủ Malaysia đang đề xuất khó có thể so sánh được”.
Các nhóm môi trường và bảo tồn cũng phản đối mạnh mẽ ý tưởng này, kêu gọi các quan chức Malaysia thay vào đó hãy nỗ lực đảo ngược tỷ lệ phá rừng để trồng cọ.
Theo báo cáo năm 2022 của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), từ năm 2001 đến năm 2019, Malaysia đã mất hơn 8 triệu ha diện tích cây che phủ.
“Rừng gần như bao phủ toàn bộ diện tích bề mặt của Malaysia”, WWF cho biết trong báo cáo lâm nghiệp của mình, trong đó trích dẫn các mối đe dọa lâu dài như trồng cọ và khai thác gỗ không bền vững.
Theo báo cáo năm 2023 của cơ quan giám sát khí hậu Rimba Watch, hơn 2,3 triệu ha rừng ở Malaysia đã được dành để sản xuất dầu cọ.
Theo ông Heng Kiah Chun, chiến lược gia chiến dịch khu vực của Greenpeace Đông Nam Á, ngoại giao đười ươi sẽ không giải quyết được cuộc khủng hoảng phá rừng ở Malaysia.
Đười ươi là loài động vật sống trên cây lớn nhất và nơi sinh sống là dưới những tán rừng mưa nhiệt đới. Trí thông minh cũng loài này rất đáng kinh ngạc, với những kỹ năng tự điều trị vết thương, dùng công cụ để tách các loại hạt…
Theo báo cáo của WWF Malaysia, loài đười ươi này đang suy giảm số lượng đáng kể, đặc biệt là ở Borneo, nằm giữa Malaydia và Indonesia. Năm 1973, Borneo là nơi sinh sống của khoảng 288.500 con đười ươi. Đến năm 2012, số lượng đã giảm gần 2/3, xuống còn 104.700 và xu hướng này vẫn tiếp tục.