BVR&MT – Việt Nam nằm ở cuối nguồn con sông Mê Kông. Do đó, các hoạt động phát triển có tác động lên dòng chảy của con sông này ở các quốc gia thượng nguồn đều có tác động lên môi trường và kinh tế – xã hội của chúng ta. Bên cạnh các dự án đập thủy điện, các dự án chuyển nước, khai thác nước và kênh đào của các quốc gia trong lưu vực đã và đang tạo ra nhiều thay đổi có thể quan sát được lên hệ sinh thái sông Mê Kông. Bài viết sau đây phản ánh góc nhìn từ phía các quốc gia phía thượng nguồn đối với các quan ngại của Việt Nam. Tác giả Sothearak Sok là Nghiên cứu viên tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á và là Giảng viên tại Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chính sách Công, Đại học Hoàng gia Phnôm Pênh, Campuchia.
Kênh đào Funan Techo được đề xuất nhằm kết nối bờ biển của đất nước Campuchia với sông Mê Kông thông qua hệ thống âu tàu.
Ngày 11 tháng 12 năm 2023, Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã gặp Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính trong chuyến thăm chính thức thủ đô Hà Nội của Việt Nam. Trong chuyến thăm kéo dài hai ngày, hai bên đã thảo luận về các vấn đề như quốc phòng, biên giới, thương mại và giáo dục, đồng thời ký kết các thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực khoa học và thương mại.
Trong cuộc hội đàm với ông Hun Manet, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ quan ngại về dự án kênh đào Funan Techo của Campuchia sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và hệ thống nước sông Mê Kông, đặc biệt là dòng chảy xuống hạ lưu từ Campuchia về Việt Nam. Đáp lại, Thủ tướng Hun Manet trấn an rằng các nghiên cứu sơ bộ về dự án chỉ ra rằng tác động môi trường đối với Việt Nam sẽ ở mức tối thiểu.
Dự án Funan Techo, ước tính trị giá khoảng 1,7 tỷ USD, là một kênh đào nhân tạo nối các cảng biển của Campuchia ở phía Tây Nam với sông Mê Kông. Con kênh dài 180 km sẽ nối tỉnh ven biển Kep với kênh Takeo hiện có của sông Mê Kông thông qua hệ thống âu tàu. Điều này về cơ bản sẽ tạo ra một tuyến đường thủy nối thủ đô Phnom Penh với bờ biển và quan trọng hơn là cảng nước sâu duy nhất của Campuchia tại Sihanoukville. Dự án lớn này nằm trong số các dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên được chính phủ Hun Manet ban hành kể từ khi nhậm chức vào tháng 8 năm 2023. Nghiên cứu khả thi của dự án hiện đã được thực hiện và chính phủ Campuchia ước tính sẽ mất 4 năm để hoàn thành. Nếu thành công họ sẽ giảm được chi phí vận chuyển hàng hóa từ cảng nước sâu về thủ đô và ngược lại.
Những lo ngại mà Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ đã bị nhiều nhà bình luận và nhân vật chính trị Campuchia nhìn nhận một cách tiêu cực. Họ cho rằng mối quan ngại của ông không thực tế và mang tính chính trị – kinh tế hơn là môi trường. Đài Phát thanh tiếng Khmer, Radio France Internationale, dẫn lời một số nhà bình luận chính trị và xã hội Campuchia nói rằng Việt Nam không hài lòng với việc Campuchia thúc đẩy dự án. Đề cập đến những lo ngại cũ về ảnh hưởng quá mức của Việt Nam đối với Đảng Nhân dân Campuchia của Thủ tướng Hun Manet, một số người cho rằng Campuchia, với tư cách là “quốc gia khách hàng” của Việt Nam, cần phải thông báo và “xoa dịu” Việt Nam bằng cách thông báo cho nước này về từng bước của kế hoạch. Một nhà bình luận khác còn đi xa hơn khi cho rằng Việt Nam lo lắng Trung Quốc có thể sử dụng kênh đào này để thúc đẩy tham vọng quân sự của mình trong khu vực.
Ngược lại với những tuyên bố này, trên thực tế lại có vẻ không như thế: Mối quan ngại của Việt Nam đối với dự án kênh đào lớn của Campuchia chủ yếu mang tính chất kinh tế. Trước hết, có thể dự án sẽ gây ra các vấn đề môi trường ở hạ lưu cho Việt Nam, ảnh hưởng đến nghề cá và nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long. Mặt khác, kênh đào Funan Techo sẽ làm giảm sự phụ thuộc của Campuchia vào Việt Nam về vận tải hàng hải. Năm 2016, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản công bố một báo cáo cho biết Phnom Penh dựa vào các cảng của Việt Nam để vận chuyển hàng may mặc xuất khẩu và nhập khẩu nguyên liệu thô.
Campuchia có hai cảng quan trọng: Cảng Sihanoukville ở phía Tây Nam và Cảng Phnom Penh trên sông Mê Kông. Hai cảng nối với nhau qua Quốc lộ 4 (và Đường cao tốc E4 mới được xây dựng) và tuyến đường sắt Tây Nam đã xuống cấp. Tuy nhiên, chưa có tuyến đường thủy nối hai cảng và hiện nay hàng hóa phải vận chuyển từ Phnom Penh về Cảng Sihanoukville và ngược lại bằng đường bộ, đường sắt, gây tốn kém và chậm chạp. Đó lại là cơ hội cho Việt Nam. Phnom Penh là nơi có một nửa số nhà máy trong ngành may mặc của Campuchia – ngành sản xuất quan trọng nhất của nước này.
Thành phố Phnom Penh có kết nối đường thủy với các cảng của Việt Nam qua sông Mê Kông. Vì vậy, hàng may mặc xuất khẩu thường được vận chuyển bằng sà lan có động cơ từ Cảng Phnôm Pênh đến các cảng xung quanh Thành phố Hồ Chí Minh (thường là cảng Cát Lái và Cảng Cái Mép). Tương tự như vậy đối với việc nhập khẩu nguyên liệu thô cho ngành may mặc của Phnom Penh. Vận chuyển hàng hóa qua Việt Nam đến Phnom Penh sẽ rẻ hơn so với vận chuyển bằng đường sắt hoặc đường bộ từ Sihanoukville.
Việc vận chuyển giữa Campuchia và Việt Nam qua sông Mê Kông và các nhánh của nó được tạo điều kiện thuận lợi nhờ Hiệp ước Vận tải Đường thủy mà hai quốc gia đã ký năm 2009, trong đó trao cho tàu thuyền của nhau quy chế “tối huệ quốc”. Điều này đã đơn giản hóa các thủ tục nhập cảnh và hải quan nhưng cũng làm sâu sắc thêm sự phụ thuộc kinh tế của Campuchia vào Việt Nam.
Kênh Funan Techo về cơ bản sẽ đóng vai trò tuyến nối còn thiếu giữa Phnom Penh và Cảng Sihanoukville. Điều này sẽ cho phép việc vận chuyển hàng hóa dễ dàng giữa hai cảng ở Phnom Penh và Sihanoukville, đồng thời giảm sự phụ thuộc của Campuchia vào các cảng của Việt Nam. Đây là điều mà ông Hun Manet gần đây gọi là “thở bằng chính mũi của chúng ta”. Khi kênh đào Funan Techo hoàn thành, Việt Nam chắc chắn sẽ mất đi những lợi ích kinh tế và ảnh hưởng mà mình đã có được – và điều này rất có thể giải thích cho những lo ngại của Thủ tướng Việt Nam.
PV (Nguồn: The Diplomat)