BVR&MT – Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, đến năm 2036, Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ dân số già, với hơn 21 triệu người cao tuổi, chiếm 19,48% tổng dân số.
Tuổi thọ bình quân của Việt Nam những năm gần đây tăng lên, nhưng số năm trung bình sống khỏe mạnh chỉ đạt 64 tuổi. Việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi luôn được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng ở nhiều cấp chính quyền, địa phương.
Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
Nhiều mô hình chăm sóc sức khỏe cộng đồng cho người cao tuổi được tổ chức nhằm mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, nâng cao nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Thành phố Hà Nội đã triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện hiệu quả mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng, phát huy vai trò của người cao tuổi trong gia đình và xã hội, mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng.
Năm 2023, Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội đã xây dựng và hướng dẫn triển khai, duy trì mô hình dân số tại 30/30 quận, huyện, thị xã; trong đó có 86 mô hình chăm sóc người cao tuổi ở cộng đồng, 40 câu lạc bộ người cao tuổi tự chăm sóc sức khỏe, 24 mô hình tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn, 18 mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên/thanh niên.
Tỉnh Thái Bình có khoảng trên 300.000 người cao tuổi, chiếm trên 18% dân số. Dự án hỗ trợ dự phòng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ứng phó với già hóa dân số áp dụng mô hình Tsuyama do JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản) tài trợ được triển khai tại xã Thụy Liên (huyện Thái Thụy) từ năm 2022. Đây là một trong những địa phương của 5 tỉnh, thành phố trên cả nước được dự án hỗ trợ. Qua 3 năm triển khai, cùng với việc đẩy mạnh công tác truyền thông vận động chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, việc luyện tập của người cao tuổi được duy trì thực hiện hiệu quả ở 8 thôn với 8 điểm. Các điểm luyện tập đều được trang bị thiết bị âm thanh, tivi, ghế, tạ tập, máy đo huyết áp, nhiệt kế, sổ theo dõi sức khỏe… Tính đến hết tháng 3/2024, đã có hơn 620 buổi tập với các bài thể dục tránh ngã được thực hiện. Ngoài luyện tập hằng ngày, các thành viên còn thực hiện đo huyết áp, ghi chỉ số vào sổ theo dõi sức khỏe…
Những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo và tăng cường sự tham gia, đồng hành của các cấp, ngành, tổ chức xã hội và cộng đồng trong công tác chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi, để người cao tuổi luôn sống vui, sống khỏe. Hội Người cao tuổi các cấp đã tích cực phối hợp với các cấp ủy, ngành chức năng để thực hiện các chính sách và chương trình nhằm nâng cao vai trò, bảo vệ người cao tuổi. Các hoạt động chú trọng vào việc cải thiện sức khỏe, đời sống vật chất và tinh thần, khuyến khích người cao tuổi tiếp tục đóng góp, lao động và phát triển kinh tế phù hợp với nhu cầu và tình trạng sức khỏe của mỗi người.
Về công tác chăm sóc sức khỏe lâu dài cho người cao tuổi, Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Thanh Bình cho biết, Trung ương Hội sẽ xây dựng chương trình hành động cùng với các giải pháp thiết thực để chỉ đạo hướng dẫn các cấp Hội triển khai thực hiện với quyết tâm, hiệu quả cao nhất. Đồng thời, kịp thời cụ thể hóa, phổ biến sâu rộng nội dung Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong cán bộ, hội viên, người cao tuổi; giúp người cao tuổi tiếp tục nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong tổ chức triển khai thực hiện các văn kiện Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, góp phần đưa nghị quyết sớm đi vào cuộc sống.
Mở rộng đối tượng thụ hưởng trợ cấp hưu trí
Có thể nói, trong bối cảnh già hóa dân số đang diễn ra hiện nay, công tác chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi đang ngày càng được Đảng, Nhà nước quan tâm. Hoạt động bảo vệ, chăm sóc người cao tuổi được lồng ghép trong nhiều chương trình, nhiệm vụ của Bộ, ngành, địa phương. Người cao tuổi được tạo điều kiện để tích cực tham gia các phong trào xây dựng nông thôn mới, bảo vệ an ninh Tổ quốc, trật tự an toàn xã hội, văn hóa, thể dục, thể thao… tại địa bàn, khu dân cư.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, trong cuộc họp với Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam ngày 12/3 đã đề nghị các cấp, ngành, các đoàn thể và toàn xã hội tiếp tục quan tâm, ưu tiên thực hiện công tác này, tạo điều kiện cho người cao tuổi phát huy vai trò, thêm nhiều đóng góp cho xã hội. Các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục bảo đảm tổ chức thực hiện tốt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021-2030, Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 và các chế độ, chính sách, chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ về người cao tuổi.
Trong bối cảnh sự gia tăng nhanh chóng của dân số cao tuổi, khi tỷ lệ người lao động giảm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã đề xuất bổ sung các biện pháp hỗ trợ bảo hiểm xã hội trong dự án Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi). Đề xuất này bao gồm việc cung cấp trợ cấp hưu trí xã hội cho công dân Việt Nam từ độ tuổi 75 trở lên, nhất là đối với những người không có nguồn thu nhập ổn định từ lương hưu. Qua đó, giảm bớt sự phụ thuộc vào gia đình và xã hội, cũng như giúp người cao tuổi duy trì cuộc sống ổn định. Đề xuất đã nhận được sự ủng hộ từ các chuyên gia và cộng đồng, đặc biệt là từ người cao tuổi, đồng thời thể hiện rõ sự quan tâm và chăm sóc của Đảng và Nhà nước đối với vấn đề an sinh xã hội của người cao tuổi.
Theo các nhà chuyên môn về an sinh xã hội, việc nhận lương hưu đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cuộc sống ổn định cho mọi người khi về già, từ đó tránh sự phụ thuộc vào gia đình và tránh tình trạng trở thành gánh nặng cho xã hội. Việc điều chỉnh tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội để phù hợp với tốc độ già hóa dân số là cần thiết. Điều này không chỉ có ý nghĩa lớn trong việc thể hiện sự quan tâm và chăm sóc thực tế của Đảng, Nhà nước đối với người cao tuổi trong vấn đề an sinh xã hội, còn mở ra cơ hội cho một lượng lớn người cao tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và bảo hiểm y tế. Theo tính toán của Chính phủ, việc giảm tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống còn 75 tuổi có thể mở rộng đối tượng hưởng trợ cấp này lên khoảng 800.000 đến 1 triệu người cao tuổi.