BVR&MT – Nhắc đến du lịch Tây Nguyên, thì vẻ đẹp mộng mơ Đà Lạt hay sự bình yên chân chất của Buôn Mê Thuột là thứ khiến ta dễ dàng nhớ đến. Nhưng sự mộng mơ và bình yên ấy cũng đang giảm dần bởi lượng du khách tìm đến ngày một nhiều. Chính vì thế mà Măng Đen – một nốt nhạc trầm giữa lòng Tây Nguyên, mảnh đất vừa mang vẻ đẹp hùng vĩ, nguyên sơ của núi rừng nhưng cũng mang vẻ đẹp dịu dàng như một nàng thơ.
Về với đại ngàn núi rừng
Nằm ở phía nam huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum), trên cao nguyên Măng Đen, ở độ cao khoảng 1200 mét so với mực nước biển, Măng Đen nằm ở bình nguyên giữa bạt ngàn rừng nguyên sinh bao bọc. Với diện tích rừng bao phủ 93,31% diện tích tự nhiên, trong đó rừng nguyên sinh chiếm hơn 75%. Mang trong mình đến tận 7 hồ, 3 thác với dòng nước xanh trong ngọt ngào quanh năm.
Đúng với cái tên ban đầu xuất phát từ tên T’măng Deeng của người Mơ Nâm, có nghĩa là vùng đất bằng phẳng và rộng lớn, cùng với việc được các dãy núi và quần hệ thực vật rừng nguyên sinh bao quanh, thị trấn có nền khí hậu miền núi ôn hòa mát dịu quanh năm. Bên cạnh thảm rừng nguyên sinh, cảnh quan thiên nhiên nơi đây còn thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và nông nghiệp cây xứ lạnh. Ngay từ những thập niên đầu thế kỷ 20, người Pháp đã đến Măng Đen khảo sát, đưa cây thông vào trồng với ý định xây dựng một trạm nghỉ dưỡng trên vùng đất này. Vì khí hậu và cảnh quan đặc biệt, có nhiều nét tương đồng với Đà Lạt nên nơi đây được ví như là “Đà Lạt của vùng Bắc Tây Nguyên”, và hiện được quy hoạch để trở thành Khu du lịch sinh thái quốc gia.
Trong mắt các du khách đã một lần đặt chân đến đây, Măng Đen lúc nào cũng đẹp. Đẹp ở cái nét mộng mơ như nàng thiếu nữ ở độ tuổi xuân thì, đẹp ở hình ảnh nắng vàng khẽ xuyên qua những tán thông già huyền ảo. Cung đường uốn lượn nhưng dễ đi, chạy qua cánh rừng thông nguyên sơ – Rừng thông tự nhiên tầm cỡ quốc gia. Măng Đen sở hữu diện tích rừng thông tự nhiên khá lớn, theo thống kê hiện nay có khoảng 4.200ha, là đô thị có diện tích rừng thông tự nhiên lớn thứ hai ở Việt Nam chỉ sau thành phố Đà Lạt; đô thị duy nhất ở Việt Nam có đường giao thông đi vào trung tâm huyện chạy qua rừng thông tự nhiên dày đặc 20km. Rừng thông nơi đây vẫn giữ được vẻ nguyên sơ của nó. Khu rừng được biết đến với hình ảnh những hàng thông cao vút, bạt ngàn. Nhờ sự cộng hưởng của ánh nắng mặt trời và vẻ đẹp trữ tình của rừng, khung cảnh tựa như một thế giới lãng mạn và yên bình. Đối với những tín đồ đam mê xê dịch, hình ảnh khu rừng hiện ra chắc chắn sẽ khiến tâm trí của bạn u mê quên lối về.
Măng Đen mùa nào cũng đẹp, đầu xuân du khách có thể được chiêm ngưỡng sắc xuân dịu dàng của những cánh hoa đào rợ rộ, nghiêng mình khỏe sắc bên hồ Đắc Ke – một trong những hồ nước nước nên thơ nhất giữa Tây Nguyên đại ngàn. Hồ có diện tích khoảng 3ha, nằm trong truyền thuyết 7 hồ 3 thác của người dân nơi đây. Sở hữu không gian hoang sơ, mặt hồ trong xanh phản chiếu những ngọn núi bao quanh, mang tơi một vẻ đẹp trầm mặc và yên ắng như chốn tiên cảnh.
Đến thăm Măng Đen mà bỏ qua Thác Pa Sỹ sẽ là một điều đáng tiếc. Thác Pa Sỹ là một trong những thác nước mang vẻ đẹp hùng vĩ và quang đãng. Đây là ngọn thác nước nằm trong khu du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng làng đồng bào dân tộc Kon Tu Rằng. Điểm đến này còn được biết đến với tên gọi khu du lịch Thác Pa Sỹ. Ban ngày, thác Pa Sỹ như một tấm lụa trắng tinh thả mình xuống dòng nước giữa cánh rừng nguyên sinh. Nằm ở độ cao 1.500m, mang vẻ đẹp nguyên thủy từ thuở sơ khai, thác được tạo thành bởi 3 dòng suối lớn nhất Măng Đen. Nhưng điều đặc biệt là thác Pa Sỹ không dữ dội như các ngọn thác nổi tiếng khác, mà dịu dàng như mái tóc của người thiếu nữ.
Nếu là người thích sự dịu dàng của hoa đào thì đầu xuân sẽ là thời điểm phù hợp nhất, thích cảm giác se se lạnh và tận hưởng mùi thơm của hoa rừng, lá thông, tháng 4, 5 chắc chắn là lúc bạn không thể bỏ qua. Hay tháng 10 đến tháng 12 sẽ là thời điểm lý tưởng nhất để ngắm nhìn những cánh đồng lúa chín vàng, những thửa ruộng bậc thang màu mỡ.
Chị Phương Yến (Kom Tum) chia sẻ: “Đây là điểm du xuân lý tưởng không chỉ gia đình tôi và rất nhiều người lựa chọn khu du lịch sinh hái Măng Đen là đểm đến. Giao thông rất thuận tiện và tôi không nghĩ cảnh ở đây lại đẹp và nên thơ đến vậy. Ngoài việc được hòa mình vào núi rừng, đây cũng là nơi để tôi tìm hiểu rõ hơn về nét văn hóa của người Mơ Nâm”.
Bên cạnh việc được đắm chìm trong thiên nhiên với không khí trong lành, du khách còn được trai nghiệm những nét văn hóa độc đáo về nhà rông hay du lịch tâm linh,…. Đặc biệt là trai nghiệm ẩm thực Măng Đen với cơm lam, heo quay,…
Sáng sớm ở Măng Đen, khi những làn sương mỏng còn đọng trên lá cây, du khách dễ dàng cảm nhận được vẻ thanh bình, tinh khôi tại đây. Dạo bước trên những con đường đổ dốc – đặc trưng của địa hình ở Tây Nguyên, đi bộ dưới tán thông xanh mát, ngắm nhiều loại hoa rừng đua nở rực rỡ…, mọi mệt mỏi gần như tan biến. Đó là lý do, Măng Đen đang là điểm du lịch hấp dẫn du khách nghỉ dưỡng nhiều năm nay.
Viên ngọc quý của Tây Nguyên
Khác biệt hoàn toàn khi tưởng tượng đến vùng đất Kon Tum đầy nắng và gió, Măng Đen được ví như vùng đất thần tiên với hệ sinh thái đa dạng, bầu không khí trong lành không hề thua kém các điểm du lịch như Đà Lạt, Sa Pa. Với vẻ đẹp thuần khiết có phần đơn sơ, mộc mạc cùng với sự quan tâm đầu tư của Đảng, nhà nước và chính quyền địa phương đây là vùng tiềm năng bậc nhất của khu vực Tây Nguyên.
Nói đến Măng Đen là nhắc tới nguồn gốc người Mơ Nâm ngày nay vẫn nhiều điều bí ẩn đối với các nhà nghiên cứu dân tộc học, có nhiều giả thuyết, song chưa đủ tư liệu chứng minh một cách đầy đủ và khoa học hiểu về họ. Các dấu tích và hiện vật khảo cổ về thời kỳ tiền sử vẫn chưa phát hiện; các công trình nghiên cứu về các dân tộc ở Kon Tum và Tây Nguyên chỉ giới thiệu sơ lược, chưa có tính hệ thống, cụ thể về người Mơ Nâm. Đó là đề tài còn biết bao điều hấp dẫn để các nhà khoa học nghiên cứu về văn hoá trong và ngoài nước; đồng thời khai thác, phát huy giá trị văn hoá độc đáo của người Mơ Nâm nói riêng và nguồn gốc và văn hoá độc đáo về dân tộc gốc Tây Nguyên nói chung. Đây là điều cực kỳ quan trọng trong quá trình phát triển bền vững.
Măng Đen có độ cao khoảng 1.200 m so với mực nước biển; là vùng sinh thái có khí hậu ôn đới nên quanh năm mát mẻ, nhiệt độ ôn hoà chỉ giao động trung bình từ 16-22 độ C, biên độ nhiệt trong ngày lớn do đó tạo nên khí trời se se lạnh vào buổi sáng và buổi chiều; lượng mưa khá lớn, trung bình 2.310mm, điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, khai thác du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch khám phá thiên nhiên. Bên cạnh đó, còn có rừng sim quốc gia: Măng Đen sở hữu diện tích sim rừng (Rhodomyrtus tomentosa Wight) khoảng 1.000 ha, trong đó tập trung khoảng 400 ha, đứng đầu cả nước; đây là tiềm năng rất lớn để khai thác chế biến rượu vang.
Hơn hết là “mỏ vàng” du lịch trọng tâm của cả nước. Tây Nguyên được xác định là một trong 7 vùng du lịch đặc thù của Việt Nam trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. Trong đó, khu du lịch Măng Đen là một trong 31 khu vực có quy mô và tiềm năng du lịch đặc biệt nổi trội ở Việt Nam được Nhà nước ưu tiên đầu tư để phát triển thành khu du lịch quốc gia. Hiện Măng Đen đang trên hành trình xây dựng và phát triển thành trung tâm du lịch của cả nước và đã đạt được những kết quả phấn khởi, khi đạt mốc 1 triệu lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng năm 2023. Xuất phát từ việc coi trọng giá trị nguyên sơ, hoang dã là “của quý” không chỉ riêng của Măng Đen, của Tây Nguyên, mà là sự “hiếm có” của Việt Nam trong bối cảnh đô thị hóa hiện nay. Từ nhu cầu du lịch sinh thái đang ngày càng phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới, tỉnh Kon Tum đã và đang hướng đến xây dựng Măng Đen thành một vùng nghỉ dưỡng, chữa bệnh, tham quan, giải trí… đúng với ý nghĩa đích thực của du lịch sinh thái.
Quan điểm phát triển đối với khu du lịch sinh thái Măng Đen là mong muốn có một sản phẩm đặc thù, một thương hiệu độc đáo và hình ảnh riêng biệt cho Măng Đen, đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của khách du lịch hiện đại. Chính quyền cũng như người dân đang chú trọng trong việc xây dựng, phát triển gắn với bảo tồn, giữ gìn thiên nhiên. Nêu cao vai trò của cộng đồng trong việc phát triển du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch thân thiện, gần gũi thiên nhiên và hệ sinh thái tự nhiên.
Việc được quan tâm phát triển du lịch cũng kéo theo sự đầu tư về hệ thống giao thông vận tải, kết hợp với sản xuất sẽ góp phần đảy mạnh giao thương, rút ngắn thời gian, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế -xã hội nói chung và du lịch nói riêng. Bên cạnh đó cũng không thể phủ nhận vai trò điều tiết nước, khí hậu và bảo vệ đất của những cánh rừng nơi đây.
Có thể nói Măng đen có rất nhiều lợi thế để phát triển đa dạng các ngành nghề. Việc bảo tồn và khai thác giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên không chỉ giúp tạo ra thu nhập cho cộng đồng dân cư địa phương mà còn đóng góp vào việc bảo vệ môi trường sinh thái và thúc đẩy nhận thức về bảo tồn bền vững. Sự hợp tác giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư địa phương là yếu tố quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội ở. Thông qua việc khai thác hợp lý và bảo vệ di sản văn hóa và di sản thiên nhiên, Măng Đen sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách và các nhà đầu tư chiến lược đóng góp vào sự phát triển bền vững của địa phương hiện tại và tương lai.
Hà Linh