BVR&MT – Theo Ủy ban sông Mekong Việt Nam, xâm nhập mặn đang tiến mạnh hơn vào trong nội đồng ở Đồng bằng sông Cửu Long, do vậy các địa phương cần có kế hoạch lấy nước luân phiên, tránh thiếu nước ngọt cục bộ.
Theo Ủy ban sông Mekong Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), nền dòng chảy mùa khô năm 2024 từ lưu vực sông Mekong về tới Đồng bằng sông Cửu Long (Vựa lúa số 1 Việt Nam) đang tiếp tục suy giảm; xâm nhập mặn sẽ tiến mạnh hơn vào nội đồng.
Do vậy, các tỉnh vùng “Vựa lúa số 1 Việt Nam” cần theo sát các thông tin giám sát mặn và có kế hoạch lấy nước luân phiên trên các sông, kênh, nhằm tránh hiện tượng cạn kiệt nước ngọt cục bộ, dẫn đến xâm nhập mặn có thể sâu hơn.
Dòng chảy mùa khô đang tiếp tục suy giảm
Thông tin về diễn biến tài nguyên nước về Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 3/2024, đại diện Ủy ban sông Mekong Việt Nam cho biết hiện nay trạng thái khí quyển và đại dương đang trong điều kiện El Nino.
Tổng lượng mưa trên lưu vực sông Mekong trong tháng Ba này dự báo sẽ ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 10-30%.
Hiện nay, các hồ chứa trên sông Lan Thương đang chứa ở mức khoảng 50% tổng dung tích hữu ích, trong đó có hồ chứa lớn hồ Nọa Trắc Độ (Trung Quốc) chứa khoảng 40% dung tích (tương đương khoảng 4,4 tỷ m3) và các hồ chứa ở hạ lưu vực sông Mekong cũng đang chứa dung tích nước ở mức khoảng 55%.
Với các điều kiện như trên, cùng với xu thế dòng chảy giảm trên dòng chính sông Mekong, dòng chảy qua trạm Kra-chê trong tháng Ba, Ủy ban sông Mekong Việt Nam nhận định dòng chảy trên sẽ có xu thế giảm, biến động trong khoảng từ 6,4 tỷ m3 đến 8,5 tỷ m3. Trong khi đó lượng nước trữ ở Biển Hồ hiện tại là 2,9 tỷ m3; do đó khả năng đóng góp lượng nước ra dòng chính sông Mekong sẽ rất hạn chế.
Kết hợp các thông tin trên với dự báo thủy triều, tài nguyên nước tới Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng Ba, Ủy ban sông Mekong Việt Nam nhận định mực nước lớn nhất ngày tại trạm Tân Châu sẽ có xu thế biến động theo thủy triều trong khoảng từ 1,1-1,6 m, ở mức cao hơn trung bình nhiều năm và cùng kỳ năm 2023.
“Lưu lượng trung bình ngày tới Đồng bằng sông Cửu Long qua hai trạm Tân Châu và Châu Đốc trong tháng 3/2024 được nhận định là sẽ tiếp tục giảm từ 4.300 m3/s xuống khoảng 3.400 m3/s, ở mức tương đương trung bình nhiều năm nhưng thấp hơn cùng kỳ năm 2023,” đại diện Ủy ban sông Mekong Việt Nam thông tin.
Tổng lượng dòng chảy trong tháng Ba qua hai trạm Tân Châu và Châu Đốc trong tháng Ba dự báo có thể sẽ ở mức từ 9,5 tỷ m3 đến 10,9 tỷ m3, tương đương trung bình nhiều năm nhưng thấp hơn cùng kỳ năm 2023 khoảng từ 25 đến 35%.
Trên cơ sở kết quả dự báo dòng chảy về Đồng bằng sông Cửu Long và dự báo triều tháng 3/2024, đại diện Ủy ban sông Mekong Việt Nam nhận định đường ranh mặn 1g/l vào sâu nhất trên ba nhánh sông lớn (là sông Hậu, sông Tiền và sông Vàm Cỏ Tây) dự kiến vào sâu hơn từ 8-12 km so với trung bình nhiều năm và sâu hơn so với xâm nhập mặn cùng kỳ tháng 3/2023 từ 5-8 km.
Tương tự, đường ranh mặn 4g/l tại ba nhánh sông Hậu, sông Tiền và sông Vàm Cỏ Tây cũng được nhận định sẽ vào sâu hơn so với trung bình nhiều năm từ 6-10 km, và sâu hơn cùng kỳ 2023 khoảng từ 4-7 km.
Vận hành công trình ngăn mặn, tranh thủ trữ nước
Qua các phân tích ở trên, đại diện Ủy ban sông Mekong Việt Nam nhận định nền dòng chảy mùa khô năm 2024 về Đồng bằng sông Cửu Long đang tiếp tục suy giảm, nên từ thời gian này mặn sẽ xâm nhập mạnh hơn vào trong nội đồng.
Theo cảnh báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường), mặn xâm nhập sâu nhất sẽ diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 9-14/3 và từ ngày 20-25/3.
“Do đó các khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng mặn trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần theo sát các thông tin giám sát mặn và các bản tin dự báo xâm nhập mặn để vận hành công trình ngăn mặn phù hợp tranh thủ lấy nước trữ vào trong hệ thống kênh rạch,” đại diện Ủy ban sông Mekong Việt Nam lưu ý.
Ngoài ra do nguồn nước về Đồng bằng sông Cửu Long dự báo sẽ ngày càng khan hiếm hơn trong mùa khô năm nay, nên các địa phương cũng cần có kế hoạch lấy nước luân phiên trên các sông kênh, nhằm tránh hiện tượng cạn kiệt cục bộ, dẫn đến xâm nhập mặn có thể sâu hơn.
Thông tin thêm, chuyên gia Phùng Tiến Dũng – Trưởng phòng Dự báo Thủy văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia) cho biết xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long trong mùa khô năm 2023-2-24 dự báo sẽ ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, tuy nhiên nhiều khả năng sẽ không gay gắt như mùa khô năm 2015-2016 và năm 2019-2020.
Theo ông Dũng, tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong, triều cường và còn biến động trong thời gian tới. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở cấp 2. Đáng chú ý là độ mặn xâm nhập sâu trong sông, kênh rạch sẽ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân trong khu vực.
“Do vậy, các địa phương ở trong vùng cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có các biện pháp chủ động phòng chống xâm nhập mặn,” đại diện Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia khuyến cáo.
Theo cảnh báo của Ủy ban sông Mekong Việt Nam, các huyện, thị xã thường xuyên bị nhiễm mặn, bao gồm: Tân Trụ, Bến Lức, Thủ Thừa, Cần Đước, Cần Giuộc, Thạnh Hóa và thành phố Tân An (tỉnh Long An); Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công, Chợ Gạo, Tân Phú Đông (tỉnh Tiền Giang); Ba Tri, Bình Đại (tỉnh Bến Tre).
Cùng với đó là các huyện Cầu Ngang, Trà Cú, Tiểu Cần, Châu Thành (tỉnh Trà Vinh); Mỹ Xuyên, Long Phú, Thạnh Trị, Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng); Vĩnh Lợi, Hòa Bình, Phước Long (tỉnh Bạc Liêu); Vĩnh Thuận, An Biên, Hòn Đất, Giang Thành (tỉnh Kiên Giang); Long Mỹ, Vị Thủy, Ngã Bảy, Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang).