BVR&MT – Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Tiền Giang Nguyễn Đức Thịnh, hiện nay, trên tuyến sông Tiền đang vào đợt triều cường mới, dự kiến kéo dài từ ngày 25 – 28/2 (từ ngày 16 đến 19 tháng Giêng âm lịch).
Theo dự báo, trong kỳ triều cường lần này, mực nước ở mức xấp xỉ và thấp hơn báo động 3 (Báo động III tại các điểm đo: thành phố Mỹ Tho, Mỹ Thuận trên sông Tiền là 1,8 m).
Do vậy, nhằm tránh thiệt hại do triều cường kèm theo xâm nhập mặn gây ra cho các vùng sản xuất trọng điểm, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang khuyến cáo các địa phương, nhất là các xã, phường ven sông Tiền và khu vực trước cống Bảo Định thuộc thành phố Mỹ Tho rút kinh nghiệm trong đợt triều cường đầu tháng Giêng âm lịch vừa qua, khẩn trương tiến hành kiểm tra, sửa chữa, gia cố và nâng cấp ngay những đoạn đê bao, bờ bao thấp; sửa chữa các cống bị rò rỉ, hư hỏng đảm bảo ngăn triều cường và xâm nhập mặn, bảo vệ tốt sản xuất và đời sống.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang Nguyễn Đức Thịnh cũng cho biết, theo dự báo, từ cuối tháng 2/2024 đến tháng 8/2024, trên sông Tiền sẽ xuất hiện khoảng 6 đợt triều cường; trong đó có 2 đợt triều cường cao, mực nước các nơi dự báo cao hơn báo động 3 rất nhiều. Đó là đợt triều cường từ ngày 10 – 13/3/2024 và đợt triều cường từ ngày 9 – 12/4/2024. Các đợt triều cường khác mực nước chỉ ở mức xấp xỉ hoặc thấp hơn báo động 3.
Trước tình hình thời tiết, thủy văn dự báo diễn biến phức tạp trong mùa khô 2023 – 2024, có nhiều đợt triều cường kèm xâm nhập mặn sâu xuất hiện trên sông Tiền như trên, Tiền Giang đang triển khai các giải pháp tích cực, chủ động ứng phó bảo vệ trên 84.000 ha cây ăn quả với nhiều chủng loại trái cây có giá trị kinh tế cao, là nguồn nông sản xuất khẩu quan trọng của địa phương như: sầu riêng, thanh long, xoài cát Hòa Lộc, bưởi da xanh…
Theo đó, Tiền Giang xây dựng 6 cống ngăn mặn tại đầu các kênh, rạch ra sông Tiền trên đường tình 864 kết hợp hoàn thiện tuyến đê dọc sông Tiền có tổng vốn đầu tư 846,4 tỷ đồng (giai đoạn 1) nhằm đảm bảo ngăn mặn, trữ ngọt trong mùa khô 2023 – 2024 phục vụ vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản: sầu riêng, vú sữa lò rèn Vĩnh Kim nằm phía Nam Quốc lộ 1 tiếp giáp sông Tiền thuộc hai huyện Châu Thành và Cai Lậy.
Đến tháng 7/2024 tới, công trình cống âu Nguyễn Tấn Thành có tổng mức đầu tư hơn 580 tỷ đồng cũng sẽ hoàn thành, đưa vào vận hành và khai thác nhằm ngăn mặn, trữ ngọt, bảo vệ cho gần 100.000 ha sản xuất nông nghiệp và tạo nguồn cung cấp nước sinh hoạt ổn định cho gần 1,1 triệu dân của 2 tỉnh Tiền Giang và Long An.
Trong trường hợp diễn biến triều cường và xâm nhập mặn phức tạp trong những ngày tới đe dọa vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản, tỉnh sẽ triển khai phương án đắp 3 đập thép tại đầu các sông: Trà Tân, Ba Rày và Phú An thông ra sông Tiền nhằm ngăn không cho nước mặn xâm nhập vào nội đồng đồng thời trữ ngọt, phòng chống hạn, đảm bảo sản xuất.
Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang Nguyễn Văn Nhã cho biết, doanh nghiệp cũng chủ động triển khai phương án vận hành các cống đập trong hai ô bao Đông – Tây Ba Rày theo hướng ứng phó triều cường và xâm nhập mặn một cách an toàn, hợp lý, bảo vệ trên 8.200 ha đất canh tác; trong đó trên 8.100 ha vườn trồng chuyên canh cây ăn quả đặc sản có giá trị xuất khẩu cao, chủ yếu là sầu riêng của huyện Cai Lậy và thị xã Cai Lậy.
Ngoài ra, ngay từ đầu mùa khô 2023 – 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang tổ chức tập huấn, tuyên truyền rộng rãi đến hộ dân những biện pháp chăm sóc cây trồng phù hợp trong mùa khô hạn như: tăng cường sử dụng phân hữu cơ hoặc trung vi lượng nhằm tăng khả năng chống chịu của cây trồng; áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm nước, ứng dụng công nghệ cao trong thâm canh cây trồng, dùng rơm rạ tủ gốc cây giữ ẩm cũng như chủ động trữ nước ngọt trong các ao mương vườn, sử dụng tiết kiệm nguồn nước, giữ vệ sinh nguồn nước, phòng, tránh ô nhiễm.
Đồng thời, tỉnh còn khuyến khích nông dân các vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản xử lý rải vụ trên 4.750 ha vườn cây ăn trái những địa bàn khó khăn; trong đó có 2.500 ha sầu riêng, 2.000 ha thanh long, còn lại là các cây trồng khác nhằm tránh thời điểm cây mang trái đúng vào lúc trên sông Tiền xảy ra các đợt triều cường và xâm nhập mặn, bị ảnh hưởng thiên tai sẽ suy kiệt và thiệt hại khó lường.
Huyện Cai Lậy có hơn 15.700 ha vườn cây ăn trái, tập trung tại các xã phía Nam Quốc lộ 1. Trước dự báo, triều cường và xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 – 2024 có khả năng xuất hiện sớm, xâm nhập sâu và kéo dài, UBND huyện Cai Lậy đã xây dựng kịch bản với các cấp độ xâm nhập mặn để có phương án ứng phó.
Huyện tập trung chỉ đạo UBND các xã, thị trấn rà soát, sửa chữa các cống đập do huyện và xã quản lý, nạo vét kênh mương, đắp các đập tạm, đảm bảo hệ thống sông rạch thông thoáng, đủ điều kiện tích trữ nước an toàn cho sản xuất.
Đồng thời, thường xuyên cập nhật tình hình xâm nhập mặn trên các phương tiện thông tin đại chúng để thông tin cho nông dân. Đối với 2 cù lao trên sông Tiền là xã Tân Phong và Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy triển khai đắp 19 đập tạm ngăn mặn với tổng kinh phí đầu tư 16,6 tỷ đồng.