BVR&MT – Sơn La đang bước vào mùa khô hanh, nắng nóng, nhiệt độ cao nhất tới 33 độ C, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra cháy rừng. Các cấp, các ngành, cùng các chủ rừng và người dân đang nỗ lực phòng “giặc lửa”, bảo vệ “lá phổi” xanh trên rẻo cao.
Mỗi buổi họp bản, sinh hoạt nhóm dân cư ở xã vùng cao Phiêng Cằm, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cũng là dịp người dân được tuyên truyền, nâng cao ý thức về bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Để người dân dễ hiểu, dễ nhớ, cán bộ xã, bản, hạt kiểm lâm còn tuyên truyền bằng tiếng của đồng bào như tiếng Thái, tiếng Mông; cùng các tư liệu hình ảnh sinh động về lợi ích của rừng, cách phòng cháy rừng, những hành vi bị nghiêm cấm cũng như các quy định xử phạt…
Anh Lò Văn Tiên, bản Nong Tàu Thái, xã Phiêng Cằm, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La chia sẻ: “Tôi và toàn thể bà con nhân dân ở đây bảo vệ rừng như không chặt phá, đốt rừng, bảo vệ rừng, tái trồng cây tại các khu đất trồng. Mùa khô hanh không tự ý phát, đốt rừng trái phép”.
Trong số hơn 58.200 ha rừng hiện có của huyện Mai Sơn thì rừng tự nhiên chiếm trên 85%, còn lại là rừng trồng. Bước vào mùa khô hanh năm nay, Hạt kiểm lâm huyện Mai Sơn đã tham mưu cho chính quyền các cấp, kiện toàn 24 ban chỉ đạo về phòng cháy chữa cháy rừng, các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng. Tổ chức ký cam kết quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng giữa Chủ tịch UBND xã, thị trấn và các ban quản lý, bản, tiểu khu, giữa trưởng bản với người dân.
Ông Trịnh Vinh Hiển, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mai Sơn thông tin: “Rừng trên địa bàn huyện Mai Sơn chủ yếu là rừng phục hồi, rừng nghèo, rừng tre nứa, rừng hỗn giao trữ lượng thấp… khả năng cháy rừng luôn ở mức cao. Do đó Hạt kiểm lâm phối hợp với phòng nông nghiệp tham mưu cho UBND huyện kế hoạch bảo vệ rừng mùa khô, trong đó yêu cầu UBND các xã, thị trấn và các chủ rừng chủ động triển khai có hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, đảm bảo phương châm “4 tại chỗ”, lấy phòng ngừa là chính, với tinh thần bảo vệ và phát triển rừng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội”.
Trên tuyến biên giới Chiềng Khương, huyện Sông Mã, tổ quản lý bảo vệ rừng các bản thường tuần tra, kiểm tra các khu rừng trung bình 2 lần mỗi tháng, riêng mùa khô hanh thì tăng gấp đôi. Không chỉ giữ được lá phổi xanh, năm qua, bà con bản Chiềng Khương còn được chi trả trên 40 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng, nhờ quản lý tốt hơn 360 ha rừng, tiếp thêm động lực, trách nhiệm để bà con bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng.
Ông Quàng Văn Giới, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Chiềng Khương, xã Chiềng Khương cho biết: “Trong tổ bảo vệ rừng chúng tôi có 32 người, khi nào cháy thì chúng tôi cử người đi dập luôn, không để lây lan. Chúng tôi phối kết hợp với lực lượng biên phòng, thường xuyên làm đường băng cản lửa, làm hàng năm, chia nhau để tuần tra”.
Là xã có đường biên giới tiếp giáp với nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, các tổ, đội quản lý bảo vệ rừng ở Chiềng Khương đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng tuần tra các khu vực có nguy cơ cháy cao, khu vực biên giới, qua đó đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời các vụ cháy rừng xảy ra trên các địa bàn giáp ranh.
Ông Cà Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Khương nói: “Địa bàn xã Chiềng Khương có 24,1km đường biên giới, công tác lãnh đạo, quản lý bảo vệ rừng còn nhiều khó khăn, đặc biệt là đường đi lại không thuận lợi, công tác tuyên truyền còn nhiều hạn chế. Thời gian vừa qua chúng tôi đã phối hợp, chỉ đạo tuyên truyền, đi sâu đi sát tại các bản. Như các vụ cháy lan từ nước bạn Lào lan sang được dập tắt ngay, không để ảnh hưởng đến rừng của địa phương”.
Tỉnh miền núi Sơn La hiện có gần 667.000 ha rừng, tỷ lệ che phủ đạt 47,3%. Theo các ngành chức năng, trong điều kiện thời tiết như hiện nay, Sơn La được dự báo cháy rừng ở cấp III, cấp IV, nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra ở bất cứ thời điểm nào.
Không chỉ bố trí lực lượng kiểm lâm phụ trách địa bàn đảm bảo đồng bộ các khu vực, Sơn La cũng quan tâm tăng cường sự phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm, công an, quân đội và chính quyền địa phương, chủ rừng và nhân dân theo phương châm “bảo vệ rừng tại gốc”.
Ông Trần Dũng Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La nói: “Chúng tôi tập trung trước hết là kiện toàn lại Ban chỉ đạo bảo vệ rừng các cấp, các tổ đội quản lý bảo vệ rừng, thường xuyên phân công trực, kịp thời nắm bắt tình hình; rà soát, hoàn thiện các phương án quản lý, bảo vệ rừng của tất cả các chủ rừng, các cấp, để kịp thời có hành động cụ thể khi mà xảy ra cháy rừng, kịp thời huy động lực lượng để chữa cháy cũng như là bảo vệ diện tích rừng hiện có”.