BVR&MT – Đắk Lắk là địa phương có đông người dân di cư đến sinh sống. Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều nỗ lực trong triển khai đầu tư các dự án bố trí, sắp xếp ổn định người dân di cư ngoài kế hoạch nhằm sớm ổn định đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, để giải quyết “gốc rễ” các vấn đề liên quan đến di dân ngoài kế hoạch vẫn cần nhiều nguồn lực và sự nỗ lực của các cấp chính quyền.
Nỗ lực tạo sinh kế, ổn định đời sống
Thôn Ea Lang, xã Cư Pui, huyện Krông Bông (Đắk Lắk) từng là khu vực đặc biệt khó khăn khi tập trung đông dân di cư ngoài kế hoạch từ phía Bắc vào lập nghiệp. Sau nhiều năm được đầu tư từ Dự án ổn định dân cư tự do vùng Ea Lang (2008-2016), 1.258 hộ dân với 7.798 khẩu đã được bố trí chỗ ở ổn định, có đất sản xuất.
Vui mừng khi đời sống người dân ngày càng được ổn định, ông Sín Chán Páo, Trưởng thôn Ea Uôl (một trong những thôn nằm trong vùng Dự án ổn định dân cư tự do vùng Ea Lang), xã Cư Pui chia sẻ: Thôn Ea Uôl có gần 400 hộ, trong đó 99% là dân tộc H’Mông, chuyển từ Hà Giang vào sinh sống đã hơn 20 năm. Được Đảng, Nhà nước quan tâm cấp chỗ ở, đất sản xuất, xây dựng trạm y tế, trường học… nên dù cách trung tâm tỉnh hơn 100km nhưng Ea Uôl có đường bê tông vào tận thôn. Đây là những điều kiện quan trọng để nhân dân vùng dự án từng bước ổn định đời sống, đến nay nhiều hộ vươn lên làm giàu, sắm được ô tô, đời sống không ngừng được cải thiện.
Chủ tịch UBND xã Cư Pui Nguyễn Minh Nghiệp cho biết: Địa phương tiếp nhận đông người di cư nên gặp rất nhiều khó khăn khi quy mô dân số tăng cơ học nhanh, tạo sức ép lớn lên tài nguyên, thiên nhiên, môi trường và các vấn đề xã hội như y tế, giáo dục…
Địa phương đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm sớm ổn định cuộc sống người dân. Trong đó, xã tập trung quy hoạch đất ở, bố trí đất canh tác, tạo thu nhập ổn định. Đặc biệt, tranh thủ các nguồn lực của Nhà nước, Cư Pui triển khai hiệu quả các Dự án ổn định dân di cư tự do kết hợp với nguồn lực xã hội để đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường, trạm… triển khai đầy đủ các Chương trình mục tiêu quốc gia, an sinh xã hội để trợ lực cho người dân sớm ổn định đời sống.
“Trên cơ sở các nguồn lực, địa phương thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với thực tế và khí hậu, thổ nhưỡng; quan tâm đến đời sống tinh thần, phát triển văn hóa truyền thống. Từ đó, nhân dân yên tâm lao động sản xuất và sinh sống ổn định, từng bước xoá đói, giảm nghèo, củng cố quốc phòng, an ninh tại địa phương”, ông Nguyễn Minh Nghiệp cho hay.
Theo báo cáo của Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk, từ năm 2007 đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai 16 dự án bố trí, sắp xếp, ổn định dân di cư ngoài kế hoạch. Trong đó, 13 dự án được triển khai trong giai đoạn 2007-2022 và 3 dự án từ năm 2021-2025, với tổng mức đầu tư 1.320.751 triệu đồng (ngân sách Trung ương 970.958 triệu đồng, ngân sách địa phương 342.898 triệu đồng, vốn khác 6.804 triệu đồng).
Đối với 13 dự án bố trí dân di cư tự do triển khai trong giai đoạn 2007-2022 được triển khai trên địa bàn 5 huyện (Krông Bông, Ea Súp, M’Drắk, Lắk, Cư M’gar). Số dân di cư tự do đã được bố trí, sắp xếp ổn định đến hết năm 2022 là 4.827 hộ, 22.833 khẩu; tự ổn định tại chỗ 3.877 hộ.
Đối với 3 dự án bố trí dân di cư tự do triển khai trong giai đoạn 2021-2025 tại các huyện Krông Năng, Krông Pắc, Krông Bông có quy mô 953 hộ với tổng mức đầu tư 643.600 triệu đồng (ngân sách Trung ương 496.700 triệu đồng, ngân sách địa phương 146.900 triệu đồng). Hiện các dự án đang trong giai đoạn triển khai thực hiện.
Thực tế cho thấy, các dự án bố trí, sắp xếp, ổn định dân di cư ngoài kế hoạch đã góp phần đáng kể để người dân định cư lâu dài, ổn định đời sống, đảm bảo sinh kế. Tuy nhiên, quá trình triển khai các dự án vẫn còn những bất cập; tình trạng di cư ngoài kế hoạch vẫn tiếp diễn đặt ra nhiều thách thức trong giải quyết các vấn đề liên quan.
Còn nhiều thách thức
Đơn cử, trong 13 dự án triển khai giai đoạn 2007-2022, hiện còn 2 dự án chưa thể di chuyển các hộ dân về nơi quy hoạch gồm: Dự án bố trí dân cư tại xã Cư Mlanh, huyện Ea Súp do người dân không đồng thuận về khu quy hoạch, đồng thời quỹ đất tại khu quy hoạch đã bị người dân nơi khác lấn chiếm. Dự án quy hoạch bố trí, sắp xếp dân di cư tự do và thực hiện định canh định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ xã Đăk Nuê, huyện Lắk do chưa thực hiện xong công tác đền bù giải phóng mặt bằng để thi công hoàn thiện các công trình.
Bên cạnh đó, một số dự án bố trí ổn định di dân ngoài kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi nhưng chưa được bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện như: Dự án sắp xếp ổn định dân di cư tự do ở xã Ea Đăh, huyện Krông Năng và Dự án bố trí ổn định dân di cư tự do tại xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc. Người dân tại 2 vùng dự án này dù đã đến lập nghiệp từ những năm 1996-2000 nhưng điều kiện sinh sống đang rất khó khăn.
Mặc dù tỉnh Đắk Lắk đang triển khai các dự án bố trí, sắp xếp, ổn định di dân ngoài kế hoạch nhưng tình trạng người từ nơi khác di cư ngoài kế hoạch đến địa phương vẫn tiếp diễn.
Theo báo cáo của Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk, qua theo dõi, tổng hợp từ các địa phương, số hộ dân di cư ngoài kế hoạch từ các tỉnh khác đến Đắk Lắk từ năm 2020 đến tháng 6/2023 là 120 hộ/575 khẩu. Trong đó, huyện có đông dân di cư đến nhất là Ea Súp với 57 hộ/269 khẩu.
Trong thời gian tới, tình trạng người dân di cư ngoài kế hoạch đến địa bàn tỉnh có thể giảm về số lượng nhưng vẫn diễn biến phức tạp. Diện tích rừng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bị lấn chiếm, làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, gây khó khăn cho địa phương trong việc quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự, cũng như công tác quản lý dân cư.
Ông Nguyễn Minh Nghiệp, Chủ tịch UBND xã Cư Pui, huyện Krông Bông cho rằng: Trong thời gian tới, nếu tình trạng di dân ngoài kế hoạch vẫn tiếp diễn sẽ rất khó khăn cho địa phương nơi người dân di cư đến. Đồng thời kéo theo nhiều hệ lụy về tài nguyên môi trường, các vấn đề xã hội, chất lượng cuộc sống của người dân và quản lý của chính quyền địa phương.
Để giải quyết tận gốc vấn đề di dân ngoài kế hoạch, ngoài triển khai các dự án bố trí, sắp xếp, ổn định di dân cần có chính sách phát triển sinh kế, ổn định cuộc sống thật sự hiệu quả tại quê nhà để người dân không tìm đến vùng đất mới. Đây mới là biện pháp hiệu quả, bền vững nhất, ông Nguyễn Minh Nghiệp nhận định.
Theo Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk, trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác bố trí, sắp xếp ổn định di dân ngoài kế hoạch theo Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 1/3/2020 của Chính phủ, các chủ đầu tư dự án và các địa phương cần bám sát mục tiêu bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư ngoài kế hoạch, triển khai thực hiện đúng tiến độ quy định. Các đơn vị tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng làm nền tảng để người dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, ổn định an ninh, trật tự xã hội. Từ đó, giảm nguy cơ xâm canh, lấn chiếm đất rừng của các hộ di dân ngoài kế hoạch. Các địa phương lồng ghép các chương trình, dự án và các chính sách để hỗ trợ người dân tái định cư phát triển ổn định sản xuất, đào tạo nghề; tiếp cận bình đẳng các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, phát triển kinh tế – xã hội tại khu vực tái định cư.
Theo mục tiêu Nghị quyết số 22/NQ-CP của Chính phủ, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản không còn tình trạng dân di cư ngoài kế hoạch; hoàn thành công tác bố trí toàn bộ số hộ dân đã di cư ngoài kế hoạch vào các điểm dân cư theo quy hoạch; tập trung hoàn thiện, phát triển hệ thống các công trình cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất bền vững tại vùng dự án bố trí ổn định dân di cư ngoài kế hoạch.