BVR&MT – Năng lượng, môi trường và biến đổi khí hậu luôn là những chủ đề nóng hổi trên các trang báo tại Trung Quốc. Dẫn đầu về lượng khí thải carbon, quốc gia này hiện đang là nhà sản xuất năng lượng, tiêu thụ và nhập khẩu lượng than đá lớn nhất thế giới. Thế nhưng, kể từ sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận Paris, vai trò dẫn dắt về biến đổi khí hậu lại do chính Trung Quốc nắm giữ.
Sau tất cả, Trung Quốc đã đạt được một thành tựu to lớn: mang lại nguồn điện cho toàn bộ 1,4 tỉ dân, đến cả những làng bản xa xôi nhất. Trong bối cảnh khoảng 1 tỉ người trên khắp thế giới không có điện và 1,5 tỉ người thiếu nguồn điện ổn định, thành công của Trung Quốc là một bài học hữu ích cho các quốc gia đang đau đầu với bài toán mang điện đến những khu vực nghèo và xa xôi.
Bài học từ Trung Quốc
Quá trình cung cấp điện cho người dân tại Trung Quốc đã trải qua nhiều khó khăn. Thay vì ban đầu phải phụ thuộc vào nhập khẩu điện và hệ thống truyền tải, Trung Quốc đã tái định hình thể chếnhằm tạo ra các thỏa thuận tài chính khuyến khích đầu tư và kết nối đường điện.
Trung Quốc đưa điện tới vùng xa thông qua hai đợt. Trong đợt đầu tiên, 97% dân số đã được cung cấp điện vào cuối thập niên 90. Việc mở rộng lưới điện giúp cung cấp nguồn điện cho 80% người dân nông thôn, số còn lại sử dụng điện từ các nhà máy thuỷ điện nhỏ và nhiệt điện nhỏ (có công suốt tối đa 50 MW) được kết nối với hệ thống đường dây ở địa phương và khu vực.
Công cuộc mang điện đến 3% dân số còn lại gian nan hơn rất nhiều. Mặc dù thành công đến từ tiến bộ trong mở rộng và cải tiến lưới điện nông thôn, việc mở rộng lưới điện cho toàn dân không thể tiết kiệm chi phí.
Năm 2012, Chính quyền Trung ương Trung Quốc đã ban hành kế hoạch hành động ba năm (2013-2015) mang tên “Electricity for All” (“Điện cho mọi nhà”), nhằm kết nối tới 2,73 triệu người còn lại. Năm 2015, Trung Quốc tuyên bố điện có mặt trên khắp quốc gia. Kinh nghiệm của Trung Quốc có thể để lại bài học gì cho các quốc gia khác?
Thứ nhất, cần liên kết tất cả các bên liên quan. Cho dù ưu tiên việc cung cấp điện, Chính quyền Trung ương không thể tự triển khai các khoản đầu tư, cũng như tự quản lí những cơ sở hạ tầng đã được phân quyền. Thay vào đó, phía trung ương hỗ trợ về mặt chính sách và đầu tư, còn nhiệm vụ điều phối thuộc về địa phương. Chính quyền tỉnh tự khảo sát tình hình địa phương và điều phối thực hiện dự án. Do chưa xác định được chiến lược hiệu quả nhất, một sốnơi đã thử nghiệm nhiều cách tiếp cận và công nghệ khác nhau.
Chính quyền Trung ương đồng thời đóng vai trò trung tâm trong các gói chia sẻ chi phí chủ chốt. Chẳng hạn, trong giai đoạn 2013-2015, 24,8 tỉ Nhân Dân Tệ (xấp xỉ 4 tỉ USD) đã được phân bổ cho việc phát triển đường dây điện và các hệ thống quang điện, trong đó khoảng 60% (tương đương 14,6 tỉ Nhân Dân Tệ) là từ ngân sách Trung ương. Phần còn lại được đóng góp bởi các công ty năng lượng quốc doanh và chính quyền địa phương. Hỗ trợ từ Trung ương dao động từ 20%-80% tuỳ từng tỉnh. Đối với các khu vực nghèo nhất như Tây Tạng, việc phát triển các dự án vô cùng tốn kém, chính quyền đã hỗ trợ cao hơn mức trung bình là 80% chi phí.
Như vậy, bài học rút ra là vai trò không thể thay thế được của một nguồn cung tài chính ổn định, trong trường hợp này là từ phía Trung ương, cùng với tầm quan trọng của thí điểm và rút kinh nghiệm.
Thứ hai, cần lựa chọn công nghệ hợp lí. Đợt kết nối đường điện sau cùng sử dụng tỷ lệ 50-50 điện của mạng lưới và hệ thống quang năng ngoài mạng lưới. Mặc dù ổn định hơn, kết nối đường điện rất tốn kém và không linh động đối với các vùng dân cư xa xôi. Các thử nghiệm cho thấy nếu chỉ sử dụng đường điện thì chi phí cho từng hộ gia đình có thể lên tới 100.000 Nhân Dân Tệ (16.000 USD), tuỳ thuộc vào địa hình và khoảng cách so với trạm điện.
Trong trường hợp đó, phân bố pin mặt trời với công suất từ 0,5-1kW đến từng hộ sẽ phù hợp hơn, nhưng lại rất tốn kém: trung bình từ 9.000-20.000 Nhân Dân Tệ (từ 1.400-3.200 USD) cho từng hộ.Pin mặt trời với công suất 0,3-0,4kW là lựa chọn rẻ nhất, từ 7.500-11.200 Nhân Dân Tệ (1.200-1.800 USD) cho mỗi hộ. Theo hướng dẫn của Uỷ ban Năng lượng Quốc gia, thông thường những hệ thống như trên phù hợp với những nơi có mật độ ít hơn 20 hộ dân/km2.
Ở các quốc gia khác, các hệ thống ngoài mạng lưới điện thường gặp khó khăn về chi phí bảo trì. Trung Quốc giải quyết vấn đề này bằng quỹ năng lượng tái tạo toàn quốc. Quỹ này thu phí 1,5 Nhân Dân Tệ/kWh, mới đây tăng lên 1,9 Nhân Dân Tệ vào năm 2016 để bù lấp thiếu hụt chi phí do tăng công suất năng lượng tái tạo.
Kết nối điện đến các hộ dân xa xôi nhất đòi hỏi phải có sự thoả hiệp giữa các yếu tố như chất lượng điện, mức độ cung cấp và chi phí, mặc dù điều này sẽ dần được cải thiện bởi các hệ thống điện ngoài mạng lưới.Ở những khu vực không thể áp dụng bất kì hệ thống nào, chính quyền sẽ tái định cư người dân đến những nơi ở thích hợp hơn.
Thứ ba, lồng ghép điện khí hoá vào các kế hoạch phát triển.
Cũng như Hoa Kỳ và các quốc gia công nghiệp khác, Trung Quốc đưa việc cung cấp điện vào chiến lược xoá nghèo, chủ yếu thông qua “Dự án cơ sở hạ tầng cho từng làng bản”, bao gồm điện, nước, giao thông và viễn thông. Điện khí hoá đẩy nhanh phát triển kinh tế, thu nhập tăng dẫn đến nhu cầu dùng điện tăng, tạo thêm điều kiện để đầu tư thêm cho các khu vực nông thôn. Vòng quay này thúc đẩy cung cấp năng lượng bền vững thay vì phải dựa dẫm vào hỗ trợ từ chính phủ. Tương tự như Hoa Kỳ, quá trình này được đẩy nhanh nhờ chính sách hỗ trợ thiết bị gia dụng đến vùng quê khi chính phủ trợ cấp mua TV, máy giặt, điện thoại di động.
Dĩ nhiên, còn có rất nhiều điều mà Trung Quốc khác với các quốc gia còn lại.
Chính quyền Trung ương Trung Quốc có thể huy động nguồn kinh phí khổng lồ một cách tương đối dễ dàng, đồng thời liên kết các công ty quốc doanh với chính quyền địa phương. Không phải chính phủ nào cũng có thể thực hiện được các công việc này, cũng tương tự như việc di dời người dân khỏi các vùng hẻo lánh.
Công nghệ mới đang giúp các hệ thống điện ngoài mạng lưới trở nên khả thi hơn, mặc dù hệ thống lưới điện vẫn đóng vai trò chính. Những cải thiện không ngừng như giảm giá thành pin mặt trời hay nâng cấp chất lượng các hệ thống liên kết có thể sẽ giúp hướng tới các giải pháp không cần mạng lưới điện.
Cung cấp điện cho tất cả người nghèo trên thế giới là một mục tiêu tham vọng. Lồng ghép cung cấp điện vào các dự án phát triển địa phương giúp đảm bảo quá trình điện khí hoá bền vững chính là bài học quan trọng nhất từ thành công của Trung Quốc.
Gia Quyên/ Theo Thethirdpole.net