BVR&MT- Trong bối cảnh nguồn phân bón nhập khẩu ngày càng gia tăng vào thị trường nội địa, gây khó khăn đối với sản xuất trong nước, Bộ Công thương đã quyết định áp thuế tự vệ tạm thời. Theo đó, sản phẩm phân bón nhập khẩu DAP và MAP sẽ chính thức được áp thuế tự vệ với mức thuế tạm thời là 1.855.790 VND/tấn.
Hàng ngoại áp đảo thị trường nội địa?
Trong số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2016 Việt Nam nhập khẩu 4,15 triệu tấn phân bón, tương ứng 1,1 tỷ USD. 6 tháng đầu năm 2017, nhập khẩu phân bón các loại đạt 2,34 triệu tấn, trị giá 628 triệu USD, tăng 23,7% về khối lượng và tăng 17,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Nguồn phân bón nhập khẩu chủ yếu trong 6 tháng đầu năm 2017 đến từ Trung Quốc. Theo Bộ Công thương, phân bón nhập khẩu không ngừng gia tăng vào thị trường nội địa đã gây khó khăn cho sản xuất trong nước. Cụ thể, trong năm 2016, sản lượng sản xuất của ngành giảm gần 47% so với năm 2015, trong khi lượng nhập khẩu chỉ giảm 11,6%, từ 1,2 triệu tấn năm 2015 xuống khoảng gần 1,1 triệu tấn năm 2016.
Trước tình trạng đó, việc Bộ Công thương áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với hai sản phẩm phân bón nhập khẩu DAP và MAP (áp dụng trong khoảng thời gian không quá 200 ngày kể từ ngày có hiệu lực) được khá nhiều ý kiến đồng tình ủng hộ vì cho rằng, bảo vệ sản xuất trong nước trong bối cảnh hàng nhập ngày càng gia tăng là điều cần thiết. Biện pháp này sẽ chấm dứt hiệu lực sau ngày ngày 6/3/2018 hoặc Bộ Công thương ban hành quyết định áp dụng biện pháp tự vệ chính thức.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia đánh giá đối với sản xuất trong nước, đây cũng là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp (DN) vươn lên chiếm lĩnh thị trường. Áp thuế tự vệ là có lợi vào thời điểm này, sẽ cung ứng kịp thời lượng phân bón cho thị trường. Việc áp thuế sẽ tạo điều kiện vực dậy các DN sản xuất DAP (Xơ sợi Đình Vũ, DAP 2 Lào Cai) đang thua lỗ. Ngoài ra, về bình ổn cơ cấu sản xuất trong nước, Việt Nam cũng phải có đối trọng để kìm hãm việc nhập khẩu phân bón đang gia tăng…
Liệu phần thiệt có về người nông dân?
Quyết định áp thuế tự vệ tạm thời với phân DAP và MAP nhập khẩu với mức thuế gần 1,86 triệu đồng/tấn đang trở thành “cứu cánh” cho các doanh nghiệp phân bón nội địa. Trong hơn hai tháng, từ 12/5 đến 4/8 (khoảng thời gian ra quyết định điều tra cho đến khi áp dụng thuế tự vệ), cổ phiếu của các doanh nghiệp phân bón liên tục “tạo sóng”.
Cụ thể, giá cổ phiếu QBS của công ty Cổ phần Xuất Nhập khẩu Quảng Bình đã tăng 50% (từ 7.090 đồng lên 10.700 đồng); giá cổ phiếu DDV của công ty Cổ phần DAP – VINACHEM tăng hơn 27% (từ 6.300 đồng lên 8.000 đồng). Kết thúc phiên giao dịch ngày 7/8, giá cổ phiếu QBS đã tăng trần, đóng cửa ở mức 11.400 đồng, còn cổ phiếu DDV tăng từ 7.800 đồng lên 7.900 đồng.
Như vậy, việc áp thuế tự vệ này có lợi cho doanh nghiệp nhưng bất lợi cho người nông dân và sản xuất nông nghiệp. Bởi áp thuế tự vệ với phân bón có thể làm chi phí trung gian tăng lên, giá thành sản phẩm tăng, giảm sức cạnh tranh, nông dân phải mua phân bón với giá cao hơn.
Mặc dù, việc sử dụng biện pháp này chỉ là giải pháp tình thế và về cơ bản không thể giải quyết những vướng mắc, khó khăn của ngành phân bón và các DN. Bởi dù muốn hay không thì nông dân phải mua phân bón, đó là nhu cầu, mà nguồn hàng cung ứng ngoài sự chủ động từ phía DN trong nước thì phần nhiều vẫn đến từ hàng nhập khẩu.
Do đó, áp thuế đối với sản phẩm phân bón nhập khẩu sẽ khó tránh tình trạng giá bị đẩy lên cao và người phải chịu gánh nặng đẩy giá lại chính là nông dân.
Đông Nghi Minh Hân