Lào Cai: Điểm sáng Nậm Lúc

BÁO CHÍ CHẤT LƯỢNG CAO NĂM 2023 (HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM):

BVR&MT – Thực hiện Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về nông nghiệp- nông dân- nông thôn, thời gian qua, xã vùng cao Nậm Lúc, huyện Bắc Hà đã tập trung triển khai các biện pháp lãnh, chỉ đạo phát triển cây quế hữu cơ là mũi nhọn giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ quế hữu cơ nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống bà con nông dân, đưa Nậm Lúc trở thành điểm sáng ở vùng cao Lào Cai.

Thăm quan, trực tiếp chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn các thành viên tổ trồng quế hữu cơ tại mô hình quế hữu cơ thôn Thải Giàng, xã Nậm Lúc.

Cầm chiếc điện thoại thông minh trên tay, ông Đặng Văn Ánh, bí thư chi bộ thôn Nậm Kha 2, xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà, đồng thời cũng là tổ trưởng tổ công nghệ số của thôn không còn phải gọi điện thoại cho từng người, hoặc “đi từng ngõ, gõ từng nhà” mà chỉ cần đăng tải thông tin trên các trang Facebook và Zalo. Các thông tin của ông đưa lên được nhiều người theo dõi và chia sẻ, từ đó thông tin được truyền tải đến bà con một cách nhanh chóng và kịp thời, đặc biệt là các nội dung về tình hình và các biện pháp phòng, chống dịch, lịch tiêm vắc – xin phòng Covid-19, thông tin các biện pháp chăm sóc, thu hoạch, thời gian địa điểm xuất bán sản phẩm quế hữu cơ cho đại diện công ty trách nhiệm hữu hạn hương gia vị Sơn Hà-Yên Bái. Các thành viên trên Zalo còn thảo luận, chia sẻ, phản hồi ý kiến của mình lên nhóm. Nhiều sự việc sau khi được người dân góp ý đã được điều chỉnh phù hợp với tình hình, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng dân cư, giúp cấp ủy chi bộ, chính quyền thôn Nậm Kha 2 kịp thời ban hành nghị quyết, triển khai thực hiện kế hoạch phát triển cây quế phù hợp, tuyên truyền vận động nhân dân tham gia Tổ hợp tác, tích cực hưởng ứng chuyển đổi số, sử dụng điện thoại thông tin trong việc tiếp cận, liên hệ, đăng ký bán sản phẩm quế và đăng ký nhu cầu tập huấn, thông báo tình hình sâu bệnh…

Nhờ đó, đã phục vụ đắc lực cho thôn phát triển cây quế hữu cơ, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, vươn lên trở thành điểm sáng ở địa phương, ông Đặng Văn Ánh, bí thư chi bộ thôn Nậm Kha 2, xã Nậm Lúc tự hào cho biết: “Xã Nậm Lúc xác định phát triển kinh tế nông- lâm nghiệp là mũi nhọn giảm nghèo bền vững giai đoạn 2020-2025, trong đó trọng tâm là phát triển cây quế hữu cơ. Trên cơ sở Nghị quyết của Đảng ủy xã, cấp ủy đã xây dựng và triển khai nghị quyết phát triển cây quế hữu cơ trên địa bàn thôn. Qua 3 năm thực hiện đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2022, toàn thôn thu 7 tỷ đồng từ cây quế. Hiện nay, Nậm Kha 2 đã có diện tích hơn 320 ha cây quế hữu cơ, còn về tổng thu từ sản phẩm quế vụ 3 và vụ 4 tháng 8-9 vào tầm 4 tỷ đồng, thu hoạch tỉa 3 tháng cuối năm để lấy tiền mua sắm tết và mua giống, phân trồng rặm quế đạt 1 tỷ đồng. Năm 2023, toàn thôn thu trên 5 tỷ đồng. Dân hiện nay trồng cây quế nhiều và kinh tế cao! Đời sống bà con khá hơn rất nhiều so với trước đây, dân có thu nhập ổn định”.

Thôn Nậm Kha 2 xã Nậm Lúc có 127 hộ 591 khẩu, trong đó dân tộc Mông có 25 hộ, dân tộc Dao 71 hộ, còn lại là dân tộc Kinh. Hiện trong thôn chủ yếu trồng cây quế hữu cơ là chủ lực giảm nghèo với diện tích gần 400 ha đã và đang cho thu hoạch đem lại nguồn thu cao, ổn định cho nhân dân. Năm 2022, bà con nông dân trong thôn thu trên 7 tỷ đồng từ cây quế, đã có thêm 10 hộ thoát nghèo, nhiều hộ có điều kiện tu sửa, chỉnh trang, xây nhà mới. Từ hiệu quả kinh tế cây quế hữu cơ đem lại, ngày một nhiều hộ dân trong thôn bắt đầu chú trọng trồng quế hữu cơ với niềm tin, hi vọng đổi đời, anh Trương Văn Phúc, thôn Nậm Kha 2, xã Nậm Lúc chia sẻ: “Nhà trồng tầm hơn 2 ha quế từ 7- 15 năm tuổi! Từ năm 2020, thôn, xã phối hợp với khuyến nông tỉnh và công ty gia vị Sơn Hà-Yên Bái triển khai mô hình quế hữu cơ thì nhà mình cũng tham gia. Từ trồng quế mỗi năm nhà thu 70- 80 triệu đồng. Năm nay cũng thu hơn 70 triệu đồng từ tỉa cây quế, bán cành, lá quế, trong đó vụ cuối năm này thu ít hơn khoảng 20 triệu đồng để trang trải và mua thêm phân giống, trồng rặm thêm 2000 cây quế hữu cơ. Quế là cây trồng chính, nguồn thu chính của nhà và bà con người Dao trong thôn. Làm quế hữu cơ vất vả hơn, đầu tư công sức song ổn định đầu ra, giá thành. Nhà mình trồng quế hữu cơ, thực hiện đúng quy định, không phun thuốc, khi cỏ rậm thì nhà đi phát cỏ quế”.

Qua tìm hiểu được biết từ năm 2018, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Công ty trách nhiệm hữu hạn hương gia vị Sơn Hà-Yên Bái triển khai dự án trồng quế hữu cơ trên địa bàn xã và mô hình quế hữu cơ thực sự được bà con hưởng ứng thực hiện trong 02 năm 2021- 2022, khi đã trồng mới 800 ha quế, nâng tổng diện tích quế toàn xã lên 2.800 ha. Năm 2022, bà con nhân dân trong xã đã trồng mới 70 ha quế; trong đó có 923,5 ha quế hữu cơ, chị Giàng Thị Vân, cán bộ khuyến nông phụ trách địa bàn xã Nậm Lúc tự hào cho biết: “Hiện nay trên địa bàn xã đã và đang triển khai thực hiện hiệu quả mô hình trồng cây quế hữu cơ. Được Sở nông nghiệp – Trung tâm khuyến nông tỉnh phối hợp với Công ty trách nhiệm hữu hạn hương gia vị Sơn Hà bao tiêu sản phẩm. Cán bộ khuyến nông xã đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể xã và chính quyền các thôn tuyên truyền sâu rộng tới bà con; hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây quế hữu cơ cho năng xuất, hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay xã có 5 tổ, nhóm hợp tác sản xuất và tiêu thụ quế hữu cơ, các tổ viên đã thực hiện áp dụng khoa học kỹ thuật, đúng quy trình, quy định của Công ty trách nhiệm hữu hạn hương gia vị Sơn Hà tạo ra sản phẩm quế hữu cơ sạch. Về bao tiêu, sản phẩm quế hữu cơ trên thị trường quế hữu cơ có giá cao, ổn định. Công ty thu mua đúng cam kết và có chiết khấu, khen thưởng động viên, bà con hưởng ứng tham gia nhiệt tình chương trình này và sắp tới xã có kế hoạch tiếp tục phát triển, mở rộng mô hình trồng quế hữu cơ tới các thôn còn lại”.

Nậm Lúc là xã vùng III, khu vực hạ huyện, cách trung tâm huyện Bắc Hà 36 km, có 718 hộ, 3.509 khẩu, thuộc 4 dân tộc Mông, Dao, Tày, Kinh. Hiện nay đây là xã điển hình tiêu biểu trong phát triển cây quế hữu cơ ở Bắc Hà. Đến nay xã Nậm Lúc đã phấn đấu hoàn thành 14/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trong đó đã sớm hoàn thành tiêu chí số 10 về thu nhập- một tiêu chí khó đối với các xã vùng cao. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 37 triệu 860 ngàn đồng/người/năm, tăng gần 13 triệu đồng so với năm 2020. Đây thực sự là thành tích đáng tự hào với Nậm Lúc và để có kết quả này, xã đã biết khai thác tiềm năng, thế mạnh từ cây quế. Ông Sầm Phượng Long, chủ tịch UBND xã Nậm Lúc cho biết: “Ở xã Nậm Lúc thì cây quế là cây chủ lực xóa đói, giảm nghèo bền vững. Hiện nay chính quyền địa phương đã liên kết với công ty trách nhiệm hữu hạn hương gia vị Sơn Hà; chế biến quế thành các sản phẩm như quế sáo, khèn… chhees biến ra các sản phẩm nâng giá trị cao hơn, nâng cao hiệu quả kinh tế, giải quyết, tạo công ăn việc làm ổn định cho bà con nhân dân địa phương”.

Gia đình ông Đặng Văn Thắng, thôn Nậm Kha 2, cũng là một trong số hộ trồng quế đầu tiên với diện tích khá nhiều của xã Nậm Lúc cho biết: “Gia đình đã trồng quế gần 20 năm và nguồn thu dựa chủ yếu vào cây quế. Với hơn 3 ha quế chủ yếu thu hoạch tỉa, mỗi năm 60-70 triệu đồng, khi có việc lớn thì bán cả đồi 200-300 triệu đồng. Giờ nghe theo cán bộ phụ trách nông- lâm nghiệp xã bảo làm quế hữu cơ, nhà mình và bà con hưởng ứng và được Công ty, cán bộ khuyến nông tỉnh, xã hướng dẫn. Nói chung làm quế hữu cơ phải đầu tư công sức mới có quế chất lượng, giá cả, đầu ra ổn định là bà con yên tâm rồi!”

Ông Đặng Văn Thắng, thôn Nậm Kha 2, xã Nậm Lúc chia sẻ kinh nghiệm trồng quế hữu cơ.

Cây quế đã và đang khẳng định là cây trồng chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần giảm nghèo và làm giàu ở địa phương này. Đến nay Nậm Lúc đã trở thành xã trọng điểm thứ 2 sau Nậm Đét trồng nhiều diện tích cây quế nói chung và quế hữu cơ ở khu vực hạ huyện với tổng diện tích 1909 ha, trong đó trồng mới 60 ha năm 2023, diện tích quế hữu cơ gần 1.100 ha. Hiện trên địa bàn xã Nậm Lúc có 01 hợp tác xã và 13 tổ hợp tác trồng quế tại 10/10 thôn , với 451 thành viên. Hoạt động của hợp tác xã và tổ hợp tác góp phần hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, giúp nhau giảm nghèo bền vững, phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, chủ động liên kết với doanh nghiệp thu mua sản phẩm cho người dân.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, người dân trong xã đã thực hiện quy trình sản xuất quế hữu cơ, từ đó nâng cao giá trị cây quế cũng như sản phẩm quế của địa phương. Năm 2020, người dân trong xã thu từ quế hơn 24 tỷ đồng, tăng hơn 6 tỷ đồng; năm 2022, thu nhập các sản phẩm từ quế 17 tỷ 334 triệu đồng. Ước tính năm 2023 thu 25 tỷ đồng từ bán các sản phẩm quế như hạt giống, vỏ quế, hỗ, lá quế… Nhờ cây quế Nậm lúc đã sớm hoàn thành tiêu chí thu nhập năm 2020 khi Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 36 triệu 860 ngàn đồng/người/năm, năm 2022 đạt trên 38 triệu đồng/người/năm. Đây thực sự là thành tích đáng tự hào với Nậm Lúc và để có kết quả này, xã đã biết khai thác tiềm năng, thế mạnh từ cây quế.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong xã nắm bắt thông tin về tình hình phát triển cây quế, tình hình sâu bệnh, thông tin xuất bán quế, giá cả, thuận tiện đề xuất nguyện vọng… xã Nậm Lúc đã và đang xây dựng kế hoạch, lên danh mục các nội dung cụ thể cho nhiệm vụ chuyển đổi số. Mục tiêu tối ưu hóa hệ thống thông tin tại UBND xã; xây dựng và chuẩn hóa cơ sở dữ liệu, nền tảng công nghệ để kết nối thương mại điện tử cho các sản phẩm đặc trưng của quế như quế ống sáo, ống điếu, quế tươi, quế khô, lá quế, gỗ, quế, tinh dầu quế…; hỗ trợ các thiết bị giúp người dân truy cập internet như sử dụng máy tính, điện thoại thông minh trong việc liên kết sản xuất và tiêu thụ quế hữu cơ…

Nhờ cây quế, đời sống bà con người Dao, Mông, Tày xã Nậm lúc cải thiện, đất nghèo Nậm Lúc xưa nay đã chuyển mình mạnh mẽ hình thành trung tâm xã và cũng là trung tâm của cụm xã khu vực đông nam hạ huyện Bắc Hà.

Chia tay vùng cao Nậm Lúc, tin tưởng với những thành công, thắng lợi đã đạt được cùng với các chủ trương, chính sách, biện pháp phù hợp, hiệu quả đã và đang tiếp tục được triển khai, vận động mở rộng diện tích đất trồng quế, tuyên truyền, hỗ trợ nhân dân xây dựng và phát triển vùng quế hữu cơ, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh chuyển đổi số. Từ đó nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, tạo đầu ra ổn định, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, tạo động lực giúp Nậm lúc nhanh chóng phấn đấu về đích xã nông thôn mới theo kế hoạch, trở thành điểm sáng ở khu vực hạ huyện vùng cao Bắc Hà.

Quỳnh Anh