BVR&MT – Nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói chung, thành phố Pleiku nói riêng có được cơ hội mở rộng sản xuất, tăng thu nhập để cải thiện đời sống.
Một trong những điển hình là tại làng Wâu, xã Chư Á, thành phố Pleiku, nơi có nhiều hộ nghèo đã vươn lên thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay này. Chị Thom, một hộ đồng bào thiểu số Ba Na ở đây, kể lại, năm 2019, gia đình chị được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội 30 triệu đồng để mua bò về nuôi. Sau 3 năm chăm sóc, đàn bò của gia đình chị đã phát triển thêm được 4 con. Năm 2022, chị quyết định bán 3 con bò để trả hết nợ, rồi tiếp tục vay thêm 50 triệu đồng để mua thêm bò về nuôi. Hiện tại gia đình chị đã thoát nghèo và có thu nhập ổn định.
“Nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi, tôi đã có điều kiện mua bò giống, cải tạo đất vườn và trồng cỏ làm thức ăn cho bò. Tôi cũng tích cực học hỏi kỹ thuật chăn nuôi từ cán bộ nông nghiệp, hội viên khác để tích lũy kinh nghiệm”, chị Thom cho biết thêm.
Anh Chư, một hộ đồng bào Ba Na nghèo khác ở làng Wâu chia sẻ, trước đây gia đình anh thuộc diện hộ nghèo trong xã nên được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi 30 triệu đồng để cải tạo 2 sào đất trồng rau và chăn nuôi. Tới năm 2023, gia đình anh đã hoàn trả đủ số tiền vay, rồi được tiếp tục vay thêm 50 triệu đồng để mở rộng sản xuất. Nguồn vốn vay này đã tạo cơ hội cho gia đình anh tiếp tục mở rộng chăn nuôi bò, trồng rau và cho thu nhập bình quân mỗi năm khoảng 80 triệu đồng.
Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn làng Wâu Ksor Khiên cho biết, thời gian qua, các hội, đoàn thể của xã Chư Á đã làm tốt vai trò cầu nối với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để các hội viên được vay vốn ưu đãi đầu tư phát triển sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Sau khi có vốn, các hộ gia đình đều cố gắng làm ăn, phát triển chăn nuôi nuôi bò kết hợp với trồng rau đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Từ năm 2014 đến nay, thành phố Pleiku đã bố trí 13 tỷ đồng vốn ngân sách uỷ thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để cho vay ưu đãi. Riêng năm 2023, vốn ngân sách được thành phố Pleiku uỷ thác qua Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh là 3 tỷ đồng. Dự kiến đến cuối năm 2023, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn thành phố Pleiku ước đạt 360 tỷ đồng, với 9.000 khách hàng dư nợ.
Ông Nguyễn Triều Quang, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Gia Lai, cho biết, đơn vị đã nỗ lực triển khai tất cả chương trình tín dụng ưu đãi cho vay đến 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn. Cùng với đó, đơn vị tăng cường hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận các chương trình tín dụng phù hợp với nhu cầu và khả năng trả nợ của khách hàng.
Theo Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Gia Lai, để duy trì và nâng cao kết quả đã đạt được, chương trình cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành, đoàn thể và cộng đồng trong việc tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ và giám sát việc sử dụng vốn vay.
Ngoài ra, chương trình cũng rất cần những ý kiến đóng góp về chính sách, quy định liên quan đến tín dụng chính sách xã hội, nhằm phù hợp thực tiễn và nhu cầu của người dân. Từ đó, nguồn vốn vay ưu đãi mới có thể phát huy tối đa hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và xóa đói giảm nghèo cho người dân thành phố Pleiku nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung.