BVR&MT – Theo Quyết định số 2131/QĐ-UBND, UBND tỉnh Hà Giang vừa phê duyệt Đề án thu phí tham quan Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn.
Đây là một bước trong quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, làm cơ sở xây dựng Nghị quyết, dự kiến trình Kỳ họp HĐND tỉnh Hà Giang trong tháng 12/2023 xem xét, quyết định.
Theo Đề án, đối tượng thu phí là khách du lịch đến vùng Công viên Địa chất, bao gồm các loại hình du lịch. Mức thu phí đề xuất với người lớn là 30 nghìn/người/đêm; trẻ em 15 nghìn/người/đêm. Hà Giang sẽ thu phí tập trung một lần với hình thức thu phí trên đầu người lưu trú qua đêm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú ở 4 huyện trên vùng Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn gồm: Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bạ, không bao gồm phí tham quan tại các điểm du lịch như: Hang Lùng Khúy (huyện Quản Bạ); Di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà Vương, Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Cột cờ Lũng Cú (huyện Đồng Văn).
Theo số liệu của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang, ước tính năm 2024, lượng khách đến Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn có thể đạt gần 1,8 triệu khách, số tiền phí thu được khoảng 48 tỷ đồng. Số tiền này sau đó sẽ được trích lại một phần (40%) cho đơn vị tổ chức quản lý thu phí, các cơ sở kinh doanh lưu trú của 4 huyện vùng cao nguyên đá, phần còn lại (60%) sẽ được nộp vào ngân sách để phục vụ bảo tồn, bảo vệ và phát huy giá trị của Công viên Địa chất.
Đơn vị quản lý thu phí là UBND các huyện, xã, thị trấn vùng Công viên Địa chất. Trong đó cấp huyện có trách nhiệm in ấn, phát hành vé, tổ chức quản lý thu phí, cấp phát vé cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú; các xã, thị trấn có trách nhiệm tổ chức quản lý thu phí, cấp phát vé.
Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn thành lập tháng 9/2009, được Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO chính thức công nhận là thành viên vào tháng 10/2010. Công viên Địa chất có đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế – xã hội, an sinh và an ninh – quốc phòng của tỉnh Hà Giang. Kể từ khi thành lập, tỉnh Hà Giang đã triển khai có hiệu quả công tác xây dựng và phát triển Công viên Địa chất, đặc biệt là bảo tồn di sản, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng, phát triển du lịch. Đến nay, Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn đã xuất sắc vượt qua 3 kỳ tái đánh giá tư cách thành viên Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu, tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong định hướng cơ cấu phát triển kinh tế – xã hội vùng cao nguyên đá, tạo sinh kế cho người dân vươn lên giảm nghèo bền vững.
Đánh giá khả năng đóng góp của người nộp phí và hiệu quả thu phí, ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang cho biết: Công viên Địa chất có địa hình rộng và tương đối phức tạp. Hiện tại Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn đang đưa vào khai thác và sử dụng 4 tuyến du lịch trải nghiệm với 59 điểm di sản. Đến trước thời điểm xây dựng đề án thu phí, trên địa bàn Công viên Địa chất đang tổ chức thu phí tham quan tại 3 điểm di sản, chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu bảo tồn, xây dựng và phát huy các gia trị di sản vùng Công viên Địa chất.
Theo ông Nguyễn Hồng Hải, việc tổ chức thu phí sẽ góp phần tăng thu ngân sách, hạn chế việc bổ sung kinh phí của cấp trên trong lĩnh vực văn hóa – du lịch trên địa bàn Công viên Địa chất; tạo nguồn kinh phí cho công tác vệ sinh môi trường, bảo quản, tu bổ, phục hồi, phát huy giá trị các điểm di sản. Đồng thời, mở rộng và nâng cao chất lượng các hoạt động thương mại, dịch vụ; làm cơ sở để xây dựng các kế hoạch, chương trình xúc tiến, quảng bá hình ảnh đến đông đảo người dân, du khách trong và ngoài nước, góp phần phát triển ngành du lịch, dịch vụ nói riêng và phát triển kinh tế-xã hội của Hà Giang nói chung…