BVR&MT – Sáng 2/11, UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2020 – 2030.
Theo báo cáo tại hội nghị, đề án phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2020 – 2030 được các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện và đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, tốc độ tăng giá trị tăng thêm của ngành lâm nghiệp trong các năm 2020 – 2022 từ 11,67% – 20,09%/năm, giá trị tăng thêm ngành lâm nghiệp từ 3,2 – 4,2 tỷ đồng/năm.
Công tác trồng rừng luôn được quan tâm, phát triển, giai đoạn từ năm 2020 đến tháng 8/2023, diện tích trồng rừng tập trung được hơn 35.000 ha (đạt 64,93% mục tiêu của đề án giai đoạn 2020 – 2025); phát triển vùng nguyên liệu sản xuất tập trung đạt và vượt kế hoạch đề án đề ra như: vùng hồi (đạt 124%), vùng thông (107,4%), vùng keo (142,1%), vùng bạch đàn (273,8%), vùng quế (180,5%); trồng và xây dựng được các mô hình rừng gỗ lớn với tổng diện tích gần 6.000 ha; hoàn thành cấp chứng chỉ rừng tại huyện Đình Lập; bước đầu hình thành các chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm lâm nghiệp như: quê, hồi, nhựa thông. Tài nguyên rừng cơ bản được quản lý bảo vệ tốt, tỷ lệ che phủ rừng tăng hằng năm…
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ thêm những kết quả đã đạt được, kinh nghiệm triển khai đề án của các huyện, thành phố như: nâng cao năng suất gồ rừng trồng, phát triển rừng gỗ lớn; cấp chứng chỉ rừng bền vững; công tác quản lý bảo vệ rừng, công tác xử lý vi phạm rừng và đất lâm nghiệp; phòng cháy chữa cháy rừng… Đồng thời, các đại biểu chỉ rõ những khó khăn, hạn chế, từ đó, đưa ra các giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả trong những năm tiếp theo.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận những kết quả đã đạt được và biểu dương các tập thể, cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện trong thực hiện đề án phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2030
Đồng thời, đồng chí đề nghị các sở, ban, ngành tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể: tiếp tục tham mưu thực hiện có hiệu quả đề án phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2020 – 2030 gắn với chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 – 2025; tập chung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển chuỗi giá trị gắn với ứng phó biến đội khí hậu và bảo vệ môi trường, xây dựng ngành lâm nghiệp trở thành một ngành kinh tế kỹ thuật – đặc thù; thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, quản lý sử dụng 3 loại rừng đảm bảo phù hợp, đồng bộ với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tiếp tục thực hiện tốt công tác xúc tiến đầu tư, trong đó quan tâm thu hút dự án đầu tư chế biến sâu những sản phẩm chủ lực và dự án ngoài ngân sách về phát triển lâm nghiệp; tổ chức tháo gỡ khó khăn về đất đai tạo điều kiện cho các nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án trồng rừng, xây dựng nhà máy chế biến lâm sản.
Đối với UBND các huyện, thành phố, cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận đồng các tầng lớp Nhân dân tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; khẩn trương xây dựng kế hoạch giao rừng, cho thuê rừng đối với những diện tích chưa giao, chưa cho thuê; chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả các chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh…
Nhân dịp này, có 2 tập thể, 3 cá nhân, 3 gia đình được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh và 8 tập thể, 14 cá nhận nhận giấy khen của Giám đốc Sở NN&PTNT vì đã có thành tích xuất sắc trong đợt sơ kết 3 năm thực hiện đề án phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2030.
Sơn Tinh