1. Đặt vấn đề
Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được hai bên ký kết và có hiệu lực từ ngày 1/06/2020 đến nay đã được 3 năm. Với sự ra đời của Hiệp định EVFTA nhiều mặt hàng nông sản của Việt nam có mức tăng trưởng cao xuất khẩu sang EU, trong đó có Cà phê. Theo kết quả báo cáo của Hiệp hội Cà phê và Cao cao Việt Nam có đến 40% lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam được xuất khẩu sang EU hàng năm và mang về cho Việt Nam gần 2 tỷ EURO.
Hiệp định thương mại EVFTA là hiệp định thế hệ mới, ngoài việc hai phía cam kết đưa hơn 90% các mặt hàng xuất nhập khẩu của hai phái về 0% và tiến tới không còn rào cản thuế quan giữa hai bên trong vòng 5 đến 10 năm tới thì hai bên còn cam kết nhiều vấn đề phi thương mại, cụ thể tại chương 13 của Hiệp định EVFTA hai bên cam kết bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học tham gia vào thực hiện các cam kết chống biến đổi khí hậu, chống mất rừng, suy thoái rừng và thực hiện đầy đủ hiệp định “Đối tác tự nguyện thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại gỗ hợp pháp (VPA/FLEGT)”.
Ngày 06 tháng 12 năm 2020, EU đã ban hành quy định về các sản phẩm không gây mất rừng (EUDR), Quy định yêu cầu các sản phẩm chỉ được phép nhập khẩu vào EU không gây mất rừng và suy thoái rừng.
Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới, chiếm 8,3% thị phần xuất khẩu cà phê toàn cầu, chỉ đứng sau Brazil. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã xuất khẩu gần 1,8 triệu tấn cà phê ra thị trường thế giới trong năm 2022 với kim ngạch thu về 4,06 tỷ USD, tăng 13,8% về lượng và tăng 32% về trị giá so với năm 2021 và Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm khoảng 39% khối lượng xuất khẩu. Xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường này trong năm 2022 đạt 689.049 tấn, trị giá gần 1,5 tỷ USD, tăng 25,8% về lượng và tăng 45,4% về trị giá so với năm 2021. Với việc Việt Nam sẽ tham gia vào Hiệp định EVFTA và chịu ảnh hưởng của quy định EUDR sẽ ít nhiều có những tác động tích cực và không tích cự đối với cộng đồng các hộ sản xuất cà phê của Việt Nam trong đó có mặt hàng cà phê Arabica, sản phẩm được xuất khẩu chủ yếu sang EU trong giai đoạn vừa qua.
Để đảm bảo các Hiệp định này được thực thi đầy đủ trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp thì việc triển khai làm rõ các chỉ số về môi trường cho chương 13/EVFTA và các chỉ số yêu cầu thực hiện trách nhiệm giải trình EUDR là việc làm cần thiết cũng như xem xét mức độ sẵn sàng của các hộ sản xuất nông sản Việt Nam trong việc thực thi EVFTA, EUDR tác động của EUDR đến sinh kế người dân sản xuất cà phê đến mức nào cần có những nghiên cứu cụ thể. Được sự hỗ trợ của dự án “Thúc đẩy quản trị rừng, thương mại gỗ hợp pháp thông qua EVFTA và Chương trình Quản trị rừng, Thị trường và Khí hậu (FGMC) Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững đã tiến hành triển khai xây dựng bộ chỉ số và đánh giá mức độ sẵn sàng thực thi chương 13 hiệp định EVFTA, EUDR cũng xem xét tính sẵn sàng đáp ứng các tiêu chí về môi trường của các hộ sản xuất Cà phê cũng như EUDR và những tác động của EUDR đến sinh kế của nhóm đối tượng này.
2. Phương pháp nghiên cứu
Trong quá trình nghiên cứu, Dự án đã kết hợp phương pháp định lượng và định tính, bao gồm việc khảo sát trực tiếp tại hộ gia đình, phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm tập trung để thu thập hiểu biết đa dạng từ các bên liên quan. Bên cạnh đó, chúng tôi đã tham khảo và đánh giá các bộ chỉ số từ các tổ chức chuyên cấp chứng chỉ như Fair trade, Rain Forest Alliance, và 4C, cũng như nghiên cứu các văn bản và qui định hiện hành của cơ quan chức năng Việt Nam. Thông qua sự hợp tác với các chuyên gia, nhà khoa học và cộng đồng hộ sản xuất cà phê, chúng tôi đã thu thập và phân tích dữ liệu một cách chi tiết. Cuối cùng, tổ chức một hội thảo phản hồi, nhằm xác minh và tìm kiếm sự góp ý, phản hồi cho các nghiên cứu từ các bên liên quan. Các nghiên cứu được triển khai tại ba tỉnh của Việt Nam: Sơn La, Nghệ An và Lâm Đồng, nơi tập trung diện tích trồng cà phê Arabica và có sự đa dạng về thành phần dân tộc.
3. Kết quả nghiên cứu
a) Tính sẵn sàng thực hiện chương 13 EVFTA về môi trường
Để xác định tính sẵn sàng thực hiện điều kiện môi trường tại chương 13 hiệp định EVFTA SRD đã xây dựng các chỉ số giới hạn thực hiện kế hoạch cam kết môi trường và phát triển thương mại bền vững tại chương 13 Hiệp định EVFTA (C13 EVFTA) cho Việt Nam (Lấy ngành hàng Cà phê làm thử nghiệm); các chỉ số phản ánh 4 công đoạn trong sản xuất canh tác cà phê với 28 chỉ số cụ thể cho a) Công đoạn Vườn ươm với 7 chỉ số; b) Công đoạn Canh tác với 10 chỉ số; c) Công đoạn sơ chế với 8 chỉ số; đ) Công đoạn Sản xuất với 5 chỉ số. Các chỉ số này phản ảnh đầy đủ mức độ cam kết về môi trường cụ thể cho Cà phê Việt Nam. Các chỉ số dễ nhận biết, có khả năng thu thập và giám sát trong thực tế. Trên cơ sở 28 chỉ số đã tiến hành thử nghiệm đánh giá mức độ đáp ứng các yêu cầu về môi trường của các hộ sản xuất cà phê tại Sơn la. Bộ chỉ số đã được đánh gia là đạt yêu cầu đề ra với tiêu chí đã đạt được yêu cầu SMART, nghĩa cụ thể (S), có thể đo lường được (M), có thể thực hiện được cho ra kết quả (A), bảo đảm thực tiễn (R) và phù hợp với thời gian cho phép (T).
Trên cơ sở bộ chỉ số với 28 chỉ số SRD đã tiến hành đánh giá khả năng đáp ứng các cam kết về môi trường của các hộ sản xuất cà phê tại tỉnh Sơn La.
Kết quả: Tại mỗi giai đoạn sản xuất cà phê tại Sơn La đã xác định được những chỉ số cho phép mức độ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường trong sản xuất cà phê chè cụ thể:
+ Giai đoạn vườn ươm, các hộ đã hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của các văn bản pháp luật Việt Nam.
+ Giai đoạn canh tác cho thấy khả năng đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường có nhiều chỉ số đạt ở mức có thể cao, khá cao và trung bình trong điều kiện sản xuất nhỏ lẻ.
+ Giai đoạn sơ chế cà phê, về cơ bản các công ty, cơ sở chế biến HGĐ đã thực hiện đầy đủ các quy định về yêu cầu bảo vệ môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 như bảo vệ môi trường nước, bảo vệ môi trường không khí, tránh ô nhiễm tiếng ồn.
Tuy nhiên ở cả 3 giai đoạn, nhất là giai đoạn canh tác và sơ chế còn nhiều bước công việc cần phải tiếp tục tăng cường, hoàn thiện về công nghệ, kỹ thuật, ý thức, tổ chức …để đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.
b) Tính sẵn sàng thực hiện EUDR
SRD đã xây dựng được một khung các chỉ số trên cơ sở quy định của các văn bản pháp luật, các quy định quản lý cà phê bền vững và quy định của EUDR với 48 chỉ số bao trùm lên 4 lĩnh vực cụ thể về tính hợp pháp và sự tuân thủ với 7 tiêu chí và 19 chỉ số; Mất rừng, suy thoái rừng được đánh giá thông qua 2 tiêu chí và 7 chỉ số; Chỉ tiêu về yêu cầu thông tin vị trí, khu vực sản phẩm được hình thành với 1 tiêu chí liên quan đến nguồn gốc sản phẩm (Rừng, Cà phê, Ca Cao…) với 10 chỉ số; Đánh giá rủi ro và giảm thiểu bao gồm 2 tiêu chí đó là rủi ro và giảm thiểu với 08 chỉ số.
Trên cơ sở bộ chỉ số được các chuyên gia phối hợp với các đối tượng có liên quan đã đưa vào đánh giá tính sẵn sàng của các hộ sản xuất cà phê thực hiện trách nhiệm giải trình EUDR. Kết quả cho thấy về tính hợp pháp và sự tuân thủ thì có đến 40-50 % số hộ sản xuất cà phê chưa đủ điều kiện hồ sơ pháp lý về quyền sử dụng đất đai; 20% số hộ còn sử dụng chưa đúng các quy định về sử dụng thuốc trừ sâu và thuốc bảo vệ thực vật, 40% số hộ chưa có các giải pháp bảo vệ đất, chống xói mòn đất, mặc dù diện tích đất trồng cà phê Arabica phần lớn nằm ở vùng đồi núi cao có độ dốc lớn, số hộ tham gia bảo hiểm xã hội mới chỉ đạt 20-25%; 48% số phụ nữ chưa có tên trong sổ xác nhận quyền sử dụng đất và 30% số phụ nữ chưa có được chế độ nghỉ sau sinh con nhỏ. Về lĩnh vực quản lý rừng bền vững và bảo vệ đa dạng sinh học, tại Lạc Dương các hộ sản xuất cà phê mặc dù có diện tích trồng cà phê gần với Vườn Quốc Gia, tuy nhiên họ chưa được tham gia vào các hoạt động bảo vệ rừng và 70% diện tích trồng cà phê hiện không nằm trong các phương án quy hoạch trồng cà phê của tỉnh Lâm Đồng, về khả năng sẵn sàng cung cấp thông tin thực hiện trách nhiệm giải trình thì 100% số hộ cho rằng thông tin về ảnh vệ tinh và bản đồ hiện trạng cà phê và rừng trước ngày 31/12/2023 chưa có để cung cấp; thông tin ghi chép về quản lý phân bón, ngày khai thác thu hoạch, địa chỉ liên hệ của các đơn vị cung cấp dịch vụ chưa được lưu tại tác hộ gia đình (Các hộ chưa có thói quen lưu giữ hồ sơ) ngoài một số hộ tham gia các dự án của IDH hoặc dụ án Cà phê cảnh quan do SNV thực hiện tại địa phương; thông tin về tình trạng tham nhũng tại địa phương chưa được thông báo rộng rãi, hộ sản xuất không nắm được cũng như thông tin về quy hoạch cà phê của địa phương và hiện có đến 10% cà phê không rõ nguồn gốc được trà chộn với cà phê hiện đang được thu mua xuất khẩu. Nội dung đánh giá các nguy cơ và các giải pháp giảm thiểu chưa được các hộ gia đình và cơ quan quản lý địa phương đưa ra như nguy cơ xói mòn, sạt lở đất, nguy cơ sâu bệnh hải, giải pháp tổng thể phòng trừ sâu bệnh hại của địa phương chưa được quan tâm thông tin lại cho người sản xuất cà phê.
c) Tác động của EUDR đến sinh kế của các hộ sản xuất cà phê Arabica
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng khi triển khai thực hiện EUDR trong ngành cà phê các hộ gia đình sản xuất cà phê sẽ chịu tác động dưới đây đến sinh kế của họ cụ thể:
+ Nguy cơ bị loại khỏi thị trường EU, một số hộ sản xuất không đáp ứng được với yêu cầu của EUDR sẽ bị loại khỏi thị trường EU điều này được khẳng định bởi ý kiến tham vấn của nhóm, họ có thể chuyển sang cung cấp cà phê cho thị trường dễ tính hơn, như Trung Quốc và các nước Đông Nam Á khác.
+ Nguy cơ giảm thu nhập, do chi phí cho thực hiện trách nhiệm giải trình lớn nếu không có sự hỗ trợ của các doanh nghiệp hoặc của nhà nước
+ Thay đổi tập quán canh tác: Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy một số luồng ý kiến cho rằng họ có thể chuyển sang trồng các loài cây khác như cây ăn quả hay các loại cây có giá trị cao trên thị trường mà không cần phải thực hiện các trách nhiệm giải trình
+ Di cư tìm việc làm phi nông nghiệp có đến 27,3% số hộ được hỏi cho là họ sẽ tìm các việc làm phi nông nghiệp tại các thành phố khi thu nhập từ cà phê giảm
+ Cơ hội việc làm giảm dần: Khi diện tích cà phê giảm, nhu cầu lao động sẽ giảm xuống có nguy cơ giá nhân công lao động giảm, đời sống của người dân suy giảm vì không có thu nhập, cơ họi việc làm thấp
+ Chuyển nhượng đất đai: Khoảng 15-20% số hộ cho rằng họ có thể chuyển nhượng đất đai cho người khác để đi làm thuê
+ Rò rỉ thị trường: Đây là nguy cơ lớn nhất, hiện nay có một số doanh nghiệp đang tìm kiếm mở rộng thị trường sang các vùng kinh tế và quốc gia có yêu cầu đơn giản về thủ tục xuất nhập khẩu
+ Sự suy yếu của quyền thương lượng: 30% số người được hỏi cho rằng khi lợi nhuận thu về từ cà phê giảm và yêu cầu thực hiện trách nhiệm giải trình đòi hỏi, dẫn đến tình trạng các hộ gia đình không có nhiều quyền thương lượng về giá cả cũng như các điều kiện đi kèm./.
3. Một số kiến nghị
Trên cơ sở nghiên cứu đã phát hiện ra một số vấn đề liên quan đến việc thực thi chương 13 hiệp định EVFTA và chuẩn bị cho việc thực hiện trách nhiệm giải trình và giảm thiểu những tác động của EUDR đến sinh kế của các hộ sản xuất cà phê cụ thể như sau:
a) Các hộ gia đình sản xuất cà phê Arabica tại Sơn La cơ bản đáp ứng được với yêu cầu trong cam kết thực hiện các điều kiện về môi trường tại chương 13 hiệp định EVFTA, nên tiếp tục tăng cường, hoàn thiện về công nghệ, kỹ thuật, ý thức, tổ chức tại công đoạn canh tác và sơ chế sản phẩm cà phê.
b) Đối với việc thực thi quy định EUDR SRD kiến nghị:
1/ Đối với các hộ sản xuất cà phê
– Tiếp tục tuân thủ thực hiện các quy định sử dụng thuốc trứ sâu, thuốc bảo vệ thực vật
– Tham gia đầy đủ các quy định về bảo hiểm xã hội
– Tiếp tục vận động bình đẳng giới thông qua có tên phụ nữ trong giấy phép sử dụng đất và được nghỉ sau sinh
– Tích cực thực hiện công tác ghi chép hồ sở sản xuất hàng ngày
– Tích cực thực hiện công tác quản lý đất thông qua thực hiện các giải pháp nông lâm kết hợp
2/ Đối với cơ quan quản lý Nhà nước
– Hoàn thành công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình
– Hoàn thiện công tác quy hoạch vùng sản xuất cà phê của tỉnh, huyện và công bố đến từng xã;
– Tăng cường công tác tuyên truyền vận động người dân thực hiện các quy định EU đề ra trong EUDR
– Xây dựng báo cáo đánh giá rủi ro và đề xuất các giải pháp giảm thiểu, công bố đến tận người dân
3/ Các tổ chức NGOs, CSOs trong nước quốc tế
– Hỗ trợ tập huấn các biện pháp kỹ thuật ghi chép nhật ký sản xuất, giải pháp nông lâm lết hợp quản lý đất, tuyên truyền phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật, các chính sách mới
4/ EU và các nước
– Hỗ trợ xây dựng hệ thống bản đồ hiện trạng rừng có độ chính xác cao trước tháng 12 năm 2020 và công nghệ giám sát biến động rừng và cà phê
– Xem xét có lộ trình cho từng vùng miền, từng đối tượng để các hộ sản xuất cà phê dần đáp ứng được với yêu cầu của cap kết tại chương thứ 13 về môi trường và thực hiện trách nhiệm giải trình EUDR.
Ts. Nguyễn Phú Hùng; Ths. Nguyễn Thanh Hiền; Ths. Vũ thị Bích Hợp.